Đã bao lâu kể từ lần cuối các bạn dõng dạc đầy tự tin thốt lên: "Đầy bình đi anh".
Thời buổi giá xăng đầy biến động, mọi người đùa vui nhau câu: "Giờ muốn biết người nào đại gia thì hóng xem ở cây xăng người ta có dám hô to 'đầy bình đi anh' hay không".
Tình trạng chung của dân đi học, đi làm sử dụng phương tiện cá nhân có sử dụng nhiên liệu xăng – lao đao, điêu đứng trước sự "phát triển" vượt trội của giá xăng.
Nội dung liên quan
Sinh viên khóc thét khi giá xăng "cắt cổ"
Đã bao lâu kể từ lần cuối các bạn dõng dạc đầy tự tin thốt lên: "Đầy bình đi anh". Với sinh viên, nói không quá thì mỗi lần đổ xăng là một lần "vi hành" đến thời điểm cuối tháng khi muốn đổ đầy thì phải mất đến tiền trăm.
"Quên mất giá xăng đang cao nên chiều nay tôi đã dõng dạc hô đầy bình đi tong 100k, vậy là chỉ còn 17k dùng đến cuối tuần. Tính sương sương thay vì một tháng có một cái 'cuối tháng' thì sau mỗi lần đổ xăng tôi miễn cưỡng sống như sinh viên cuối tháng một lần và tầm 4 – 6 ngày tôi lại đổ xăng một lần" – chia sẻ của bạn Tường Vy, một sinh viên năm 2.
Giá cả leo thang, chuyện đi ké xe bây giờ không còn đơn thuần là ngồi ké nữa. Giá xăng tăng cao, nhiều bạn sinh viên phải chủ động điều chỉnh lại chi phí sinh hoạt để bù trừ qua cho chi phí đi lại. Nhiều người cũng đã chuyển sang dùng các phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân. Những bạn đi ké xe cũng phải thiện chí ngỏ ý share tiền xăng xe với "bạn xế" của mình.
Mâu thuẫn "tiền xăng" khiến tình bạn có chắc dài lâu?
"S.O.S anh chị ơi, em cần cấp cứu ca này gấp. Em có chơi thân với một thằng bạn, nó học cùng trường lại còn cùng xóm nên từ hồi lên cấp ba em đều rủ nó đi xe chung cho vui. Bình thường em đưa nó đi học này kia chưa bao giờ trễ giờ, lúc nào đón nó em cũng niềm nở. Tiền gửi xe mỗi ngày 3k ở trường em cũng là người trả. Xăng xe hết bao nhiêu em chưa bao giờ đòi nó một đồng.
Dạo này giá xăng lên vèo vèo nên em mới thử ngỏ lời bảo nó share ít tiền xăng chung mà nó nói thế này. Lúc sau không biết nó nói gì mà mẹ nó sang tận nhà bảo em là đồ ích kỷ, kiệt sỉ không giúp bạn bè được tí gì. Em cũng hoang mang quá, chơi với nó lâu rồi mà lần đầu tiên e bị nói nặng lời thế này. Anh chị có cao kiến gì thì giúp em trị thằng này với ạ chứ em hết cách với nó rồi" - câu chuyện của bạn Bình được chia sẻ trong một fanpage.
Nội dung liên quan
Nếu lòng tốt của bạn cứ cho đi một cách miễn phí thì dần dần người ta sẽ coi đó là trách nhiệm của bạn. Rồi đến một ngày nào đó khi mình không còn giúp người ta nữa thì họ sẽ quay ra trách móc. Dù đi ké một hôm thì cũng nên tự giác share tiền xăng không nhiều thì ít, còn là sinh viên còn tiêu tiền bố mẹ do vậy "phóng khoáng" cũng nên tùy lúc, rõ ràng, dứt khoát nếu muốn bạn đi cùng share tiền xăng nhất là trong lúc ai cũng kêu trời kêu đất giá cả leo thang.
"Ngày xưa mình đi xe đạp, thấy bạn kia đi bộ miết, tiện đường thì chở về luôn. Nhưng một hôm xe mình hư, mình quá giang bạn đó đi ké (lúc này là bạn đó đã mua xe) thì bạn đó mới bảo với mình là 'xe tao bánh non lắm'. Xe đạp mà người ta còn tính toán thiệt hơn đến vậy. Bạn bè chơi với nhau thì tự giác, share này kia không nhiều thì ít. Bạn bè với nhau chơi mà có dấu hiệu lợi dụng nhau thì dứt khoát" – chia sẻ của Tâm Anh, một sinh viên năm 3.
Vấn đề đi lại, nhất là tiền xăng xe thì người được đưa đón nên nhanh ý chủ động share tiền với "bạn xế" của mình. Nếu quý tình bạn và muốn gắn bó với nhau đường dài thì những vấn đề tiền bạc tốt nhất nên rạch ròi và tuyệt đối không nên có tư tưởng lợi dụng.
Tình bạn phải có sự sẻ chia, mình sẵn lòng đón đưa bạn, bạn cũng share tiền xăng với mình: "Haiz hông biết xử lý sao nhưng mà đặt trường hợp mình đi ké với người khác free hoài mình cũng ngại, lâu lâu thấy bạn đi đổ xăng hay gửi xe mà không có tiền lẻ mình cũng biết ý bảo tao có nè tao trả cho" – chia sẻ của bạn Mai Hoàng Lê.
Nguồn: TH&PL