Cảm ơn vì đã cho đi, cảm ơn vì đã lắng lo và quan tâm đến những cuộc đời kém may mắn khác theo một cách thật ý nghĩa và đáng trân trọng đến vậy.
Hẳn là ai cũng muốn mình mãi ở độ tuổi xuân xanh, ở mãi cái tuổi trẻ với đầy nhiệt huyết và những hoài bão, có thể tự do đi đây đi đó làm bất cứ điều gì mình muốn và mình thích khi sức khoẻ và sức trẻ hẵng còn ở giai đoạn vàng như thế. Rồi có ai lại muốn mình già đi, lom khom chống gậy nhai trầu, bị thời gian bào mòn và cuối cùng là trở về với cát bụi.
Thế đấy, tâm lý ai mà chẳng sợ chết, tâm tưởng "cải lão hoàn đồng" hay "trường sinh bất lão" vẫn còn đâu đó trong những cái mong cầu "trẻ mãi không già" hay "sống lâu trăm tuổi" như con cháu vẫn hay chúc.
Một sự cho đi - nhiều cuộc đời ở lại
Thay vì sợ một cái "cảm giác không thực" đó, chúng ta hoàn toàn có thể biến nó thành một điều ý nghĩa hơn - hiến mô, tạng. Một thực tế đáng buồn là mỗi ngày tại các bệnh viện lớn có hàng ngàn ca chết não do tai nạn, tai biến ,... và chúng ta có thể cứu sống tới hàng chục người từ cơ thể của một người chết não nếu bệnh nhân đó đồng ý hiến mô, tạng. Nhưng trong số hàng ngàn người chết não mỗi năm, hầu như không có ai đăng ký hiến mô, tạng.
Tâm lý sợ "chết không toàn thây" đã ngấm sâu trong máu người Việt, vì nó có thể liên quan đến yếu tố tâm linh và tôn giáo của nhiều người trong cả một quá trình dài nên việc thay đổi một sớm một chiều là rất khó. Nhưng giữa việc sợ hãi điều có thể không thật ấy với việc mình sẽ cứu sống được nhiều người, tại sao chúng ta lại không thể nghiêm túc suy nghĩ một lần nữa.
Tớ thủ thỉ cậu nghe, còn điều gì ý nghĩa hơn việc chúng ta có thể trao tặng sự sống cho người khác? Chúng ta không thể thay đổi được việc chúng ta sẽ chết, tại sao không biến mất mát đó thành niềm vui cho người khác? Biến kết thúc thành một sự khởi đầu.
Thử nghĩ về cái chết một cách lưu tâm, sự sợ hãi của cậu lớn bao nhiêu thì sự khao khát sống của những bệnh nhân chờ hiến tạng còn lớn hơn thế nhiều lần. Chẳng có gì khủng khiếp hơn cảnh đau ốm bệnh tật, dây dợ khắp người và đếm ngược từng ngày. Họ cần những sự tử tế, họ cần được trao tặng sự sống.
"Biến kết thúc thành một sự khởi đầu ư? Bằng cách nào chứ? Đó là những gì tớ nghĩ khi chưa biết đến việc đăng ký hiến tạng. Với một cách suy nghĩ lạc quan và cởi mở nào đó mà việc cho đi này thực sự có ý nghĩa và cho nhiều người. Nó giống như ươm mầm cho những sự sống mới. Đôi khi mình nghĩ cái chết thực sự đáng sợ tới mức nào, ra sao mới gọi là ra đi thanh thản,…chẳng ai biết cả. Khi đã nhắm mắt xuôi tay và thay vì trở về với cát bụi theo nghĩa đen thì việc để lại chút gì đó cho đời thật sự đáng mà đúng không" – chia sẻ của bạn Bùi Hải Vy.
Đôi khi cho đi cần một chút can đảm
Chúng ta đều có những nỗi sợ riêng: sợ gián, sợ độ cao, sợ mùi bệnh viện,…và sợ chết. Nó quá mơ hồ nên mới đáng sợ: "Tớ chưa đủ can đảm để làm điều này, giống như cậu. Tớ vẫn còn tham sống, sợ chết lắm. Nhưng chắc là, vào một ngày đẹp trời nào đó, khi tích góp đủ can đảm cho bản thân, tớ sẽ làm. Cũng đúng thôi, bởi sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" – chia sẻ của bạn Hoàng Hà Vân.
Cơ thể này là bố mẹ ban cho, nếu có "động chạm" đến nó ít nhất cũng hãy được sự đồng ý của họ. Thế hệ trước phần đa vẫn còn ảnh hưởng bởi tâm lý "chết phải toàn thây" và hơn cả là cái yêu thương vô điều kiện vô hình chung phủ lên nên có lẽ đối với một số bạn việc thuyết phục và có được sự ủng hộ từ họ sẽ có chút khó khăn: "Thực ra mình có ý định đăng ký từ lâu rồi, đến khi đủ tuổi mình ngỏ lời xin phép ba mẹ. Ba mình đồng ý hai tay hai chân, ủng hộ cho quyết định của mình còn mẹ thì mình thuyết phục khá lâu. Ba mẹ nào cũng vậy cả thôi, thương con cái từ khi chúng còn đỏ hỏn và lo chi chúng đến khi chết đi" – chia sẻ của bạn Thanh Thuỷ.
Có thể là qua những cuốn sách, những câu chuyện truyền cảm hứng, những bộ phim ảnh hay từ chính những người đã đăng ký hiến tạng,..mà ngày càng có nhiều bạn trẻ thực hiện điều ý nghĩa này hơn. Thật tốt nếu những câu chuyện, những tấm gương như vậy có thể lan truyền với một "tốc độ chóng mặt" trên các phương tiện truyền thông xã hội.
"Sợ mình sẽ biến mất - điều đó khiến tớ muốn được trao lại sự sống cho nhiều người khác khi tớ đã ra đi. Tớ muốn những phần cơ thể của mình tiếp tục duy trì sự sống, và hơn thế là tạo ra một sự sống mới cho những người khao khát sống. Vì thế tớ đăng ký hiến tạng" - chia sẻ của Thuỳ Nhung
Có nhiều bạn đợi đủ tuổi chỉ để được đi hiến máu và thậm chí là tự nguyện hiến tạng khi mới ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Xã hội xô bồ ngoài kia, nơi mà nhiều người sợ hãi vẫn còn đó nhiều tấm lòng đẹp. Qua những câu chuyện nhỏ như thế thôi đã đủ để tiếp thêm can đảm và mạnh mẽ cho những bạn khác dừng lại ở mức dự định vì nhiều nỗi sợ khác.
Cảm ơn vì tất cả, những bạn đã, đang và có ý định đăng ký hiến tạng, các bạn đều là những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ. Cảm ơn vì đã cho đi, cảm ơn vì đã lắng lo và quan tâm đến những cuộc đời kém may mắn khác theo một cách thật ý nghĩa và đáng trân trọng đến vậy.
Nguồn: TH&PL