Vì sao giới trẻ thích xem phim kinh dị vào dịp cuối năm?
Kinh dị là một trong những thể loại khiến không ít khán giả thích thú và mong chờ mỗi khi ra rạp. The Conjuring, IT, The Ring,... đều là những tác phẩm điện ảnh chủ đề kinh dị thu về doanh thu khủng với nhiều phần. Chưa kể đến, ở Việt Nam thể loại phim kinh dị càng được khán giả tò mò bởi vận dụng rất nhiều chất liệu đến từ dân gian cùng những câu chuyện tâm linh bí ẩn khiến cho ai cũng muốn tìm hiểu. Một số phim kinh dị nổi bật của Việt Nam những năm gần đây phải kể đến Bắc Kim Thang, Thất Sơn Tâm Linh hay chuẩn bị ra rạp vào dịp cuối năm với Rừng Thế Mạng, Bóng Đè.
Hầu hết những bộ phim với đề tài kinh dị luôn được trình làng khán giả vào thời điểm cuối năm (khoảng tháng 10 đến tháng 12). Và nhiều khán giả cho rằng là thời điểm vàng để kinh dị đổ bộ ra rạp, liệu lý do là gì?
Cùng lắng nghe chia sẻ của các bạn trẻ về vấn đề này!
Phim vừa "kinh" vừa "dị" nhưng lại là liều "thuốc an thần"
Khi thưởng thức phim kinh dị khán giả thường sẽ mang một tâm trạng căng thẳng với nhịp phim cùng những chất liệu điện ảnh rùng rợn khiến cho ai cũng sợ hãi. Thế nhưng tại sao lại nói "phim kinh dị là thuốc an thần''? Hệ thần kinh hoạt động liên hồi cùng nhịp tim nhanh chậm bất thường và hệ hô hấp luôn luôn phải hoạt động gần hết công suất khi đối diện với những nghi thức gọi hồn quái đản, cùng thanh âm kích thích.
Và tất cả dường như được phim kinh dị thức tỉnh sau những guồng quay công việc và cuộc sống. Chia sẻ về việc lựa chọn phim kinh dị khi ra rạp vào thời điểm cuối năm, nhiều bạn trẻ đã cho rằng phim kinh dị chính là phương thức để họ rời xa thực tại, đắm chìm trong thế giới kỳ dị, bí ẩn và thức tỉnh tất cả những giác quan của mình.
Theo chia sẻ của bạn Phương Duyên: "Phim kinh dị ra rạp vào thời điểm cuối năm có lẽ một phần do lễ hội Halloween - sự kiện của những thứ kỳ dị, bí ẩn và ngập màu đen tối. Xem phim kinh dị không đơn giản chỉ là cơn sợ tức thời mà còn khơi dậy những xúc cảm, có cơ hội đối diện với những nỗi sợ hãi và con người thật của mình. Phim kinh dị không phải là những màn hù dọa điếng người mà còn có cả những ý nghĩa đặc biệt khác. Điển hình như IT, phim vẽ ra cho mỗi người những nỗi sợ và buộc họ phải tự vượt qua chúng. Điều đó dạy cho con người ta sự dũng cảm, khát khao được chứng minh bản thân".
Đồng ý với quan điểm của Phương Duyên, bạn Hoàng Linh - một tín đồ yêu thích thể loại phim kinh dị chia sẻ: "Cá nhân mình xem phim kinh dị giống như liều 'thuốc an thần' sau tất cả những bực tức, ức chế, chán ghét. Phim kinh dị khiến cho mình đối diện với nhiều nỗi sợ và khơi dậy nhiều ý tưởng mới. Và hơn hết, đầu năm ai cũng muốn có một năm mới may mắn tránh xa những sự sợ hãi và xui xẻo. Cuối năm có thể xả stress bằng xem phim kinh dị như lời tạm biệt những thứ không hay đã trải qua".
Phim kinh dị luôn chứa đựng những sức hút khó cưỡng từ chính cái tên của nó. Cũng giống như một "món ăn độc - lạ" luôn khiến người ta tò mò về mùi vị, hình thức và cách chúng chinh phục "cái lưỡi'' của thực khách và phim kinh dị cũng thế. Vốn biết chúng sẽ được miêu tả bởi sự rùng rợn, kiếp sợ và lo lắng nhưng không phải sự rùng rợn nào cũng giống nhau, nỗi lo nào cũng như thế.
Kinh dị là thể loại phim có trải nghiệm tốt nhất ở rạp
Trở lại rạp phim sau thời gian dài "ngủ đông" do Covid-19, nhiều "quái vật" kinh dị quyết định lựa chọn tháng 12 để trở lại với khán giả. Đây không chỉ là thời điểm an toàn để nhà làm phim, nhà phát hành cân đo đong đếm mức độ thành công của tác phẩm mà còn giúp người xem có trải nghiệm tốt nhất khi đến rạp. Với thể loại tâm lý - tình cảm, khán giả có thể chủ động xem bất kỳ lúc nào và ở đâu nhưng với kinh dị thì khó có nơi nào trải nghiệm tốt nhất như ở rạp.
Chia sẻ về câu chuyện đến rạp để xem phim kinh dị, Phương Duyên đã thẳng thắn: "Xem phim kinh dị một mình thì sợ ít nhưng khi xem ở rạp thì lại sợ nhiều bởi hiệu ứng đám đông cũng là một điểm chi phối cảm xúc. Hơn thế, xem ở rạp thì các màn jumpscare sẽ giật gân nhiều hơn, hiệu ứng âm thanh kết hợp với màn ảnh rộng khiến những ai hơi yếu đuối như mình có những pha nhảy lên ghế. Nói chung xem phim kinh dị ở rạp mới đúng là phim kinh dị".
Bên cạnh đó, nhiều khán giả cho rằng đã là phim điện ảnh thì chỉ có xem ở rạp mới thú vị. Bạn Trúc Hà chia sẻ về trải nghiệm xem phim ở nhà và ở rạp: "Xem phim ở nhà có lẽ không thể nào bằng ở rạp. Ở nhà, thứ nhất màn ảnh không to, không có âm thanh sống động và hơn thế mình rất dễ bị phân tâm bởi những vấn đề bên lề. Ví dụ như đang xem phim thì lại lướt mạng xã hội, hay tạm dừng do ai đó làm phiền. Chính những điều đó khiến cho phim điện ảnh nói chung và phim kinh dị nói riêng không giữ được giá trị đích thực của nó khi xem ở nhà. Nhưng khi đến rạp phim tất cả mọi thứ đều phải dừng lại nhường chỗ có nghệ thuật và câu chuyện mà phim mang lại".
Chính vì thế, mặc dù hiện tại đã có nhiều ứng dụng trực tuyến phục vụ cho nhu cầu giải trí xem phim của khán giả nhưng thực tế đó chỉ giải tỏa "cơn khát'' tức thời. Rạp phim vẫn là lựa chọn tối ưu để khán giả trải nghiệm điện ảnh.
Kinh dị Việt: Lý thuyết tốt nhưng thực hành còn yếu
Mặc dù phù hợp với thị hiếu số đông cùng doanh thu ổn khi ra rạp nhưng điều chúng ta phải nhìn nhận đúng rằng phim kinh dị Việt vẫn chưa đủ uy tín trong lòng khán giả. Một phần nằm ở khâu kiểm duyệt phim, khiến cho nhiều tác phẩm kinh dị phải chơi vơi giữa ngưỡng "sợ chưa đủ". Điển hình như Thất Sơn Tâm Linh, trải qua năm lần bảy lượt với khâu kiểm duyệt và phim khi đến với khán giả không còn đủ yếu tố kinh dị mà bỗng chốc trở thành một bộ phim nửa vời khiến cho ai cũng tiếc nuối.
Chia sẻ về vấn đề cắt xén của phim kinh dị, Đình Hậu không ngại bày tỏ: "Đã nói là phim kinh dị thì không thể thiếu cảnh bạo lực, giật gân, máu me. Thường thì phim thể loại này sẽ ăn điểm ở các phân cảnh như thế, nếu bị cắt thì sẽ giảm đi rất nhiều sự cuốn hút bởi nét tàn nhẫn, độc ác của nhân vật và câu chuyện.
Mình mà nghe tin phim bị cắt quá nhiều thì cũng ngại đi xem lắm vì dù gì các phim như vậy cũng gắn các mác 18+ rồi mà sao lại cắt chi nữa. Phim kinh dị rất chú trọng vào tâm lý nhân vật, qua đó xây dựng các bài học giữa người với người, phản ánh các hiện thực xã hội hoặc giúp người thường hiểu rõ quá trình điều trị tâm lý cho bệnh nhân mắc chứng đa nhân cách."
Nhắc đến phim kinh dị Việt, nhiều khán giả khá tiếc nuối khi Việt Nam có chất liệu về tâm linh khá đa dạng và hấp dẫn. Nhưng thực tế vẫn chưa được khai thác tốt, tất cả chỉ đang ở mức "lý thuyết" mà chưa vận dụng một cách triệt để. "Kỹ xảo điện ảnh Việt chắc chắn không bằng, đa phần những đoạn rùng rợn bị cắt làm mất chất. Tuy nhiên, một điểm cộng ở phim kinh dị Việt mà thu hút được mình là nét văn hoá Việt, những câu chuyện tâm linh dân gian được nhà làm phim hiện thực hóa giúp khán giả hiểu rõ hơn về những thứ bí ẩn xung quanh chúng ta" - Hoàng Linh chia sẻ.
Không những kỹ xảo còn yếu mà phim kinh dị Việt còn khá dễ đoán về nội dung, ít tính đột phá. "Mặc dù phim Việt đã làm khá tốt các màn hù dọa, hiệu ứng hình ảnh rất chân thật nhưng tất cả chỉ dừng là "lý thuyết". Nội dung quá dễ đoán, không có tính đột phá, ít đầu tư, thiếu chặt chẽ, thường có những cái kết khiến người xem tụt cảm xúc" - Đình Hậu chia sẻ.
Chính vì thế, phim kinh dị Việt cần "cởi mở" hơn về nội dung và đầu tư về kỹ xảo. Vận dụng chất liệu kinh dị từ văn hóa là tốt nhưng cần tìm ra nhiều hướng đi mới đa dạng hơn với thể loại này. Khi đó, phim kinh dị Việt sẽ thu hút hơn và tăng tỷ lệ cạnh tranh với phim quốc tế.
Nguồn: TH&PL