Một bộ phim bị kiểm duyệt và cắt xén quá nhiều liệu có đáng để bỏ tiền?
50 Sắc Thái, Thất Sơn Tâm Linh, Chị Chị Em Em,... là những bộ phim gây không ít tranh cãi khi được ra mắt công chúng. Những bộ phim này đều có một lý do chung khiến khán giả không ngừng bàn tán chính là cảnh nóng bị cắt trong phim.
Mặc dù đã được gắn nhãn 18+, thế nhưng khi qua khỏi vòng kiểm duyệt, những bộ phim này vẫn bị "thiếu hụt" không ít phân cảnh, khiến nhiều người xem tỏ vẻ nghi ngờ liệu mình có đang xem một bộ phim 18+ đúng nghĩa hay không.
Đề tài cảnh nóng là đề tài chưa bao giờ "nguội" ở Việt Nam. Mới đây, việc phim Vị, một bộ phim bị cấm phổ biến bởi trường đoạn nude trực diện quá dài cũng là chủ đề nóng, tới thời điểm hiện tại vẫn còn gây tranh cãi. Một bộ phận khán giả cũng đồng tình rằng những phân cảnh trong Vị quả thật không hề phù hợp với thuần phong mỹ tục, con người Việt Nam. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, có phù hợp hay không thì cũng phải đợi phim được chiếu, được ra rạp mới biết được đúng sai.
50 Sắc Thái, Vợ Ba, Chị Chị Em Em, Vị và còn nhiều phim khác...mặc dù bị cắt, bị kiểm duyệt, gây tranh cãi vẫn giành được một tấm vé ra rạp của khán giả. Lí do nào khiến khán giả, đặc biệt là những bạn trẻ chọn ra rạp vì những bộ phim liên tục bị cắt xén trong khi họ có thể chọn coi bản đầy đủ ở những nền tảng chiếu phim trực tuyến?
Cùng lắng nghe chia sẻ của các bạn trẻ về vấn đề này!
Cảnh nóng là phải "va chạm da thịt"?
Phía sau mỗi cảnh nóng là hàng vạn những câu chuyện được bàn tán bên lề cũng như hàng trăm vấn đề được bình phẩm. Khi được hỏi về cảnh nóng, mỗi người lại có một định nghĩa khác nhau. Theo chia sẻ của Hoàng Lân (20 tuổi), cảnh nóng chính là "va chạm da thịt".
"Theo mình, cảnh nóng là những cảnh phim có liên quan ít nhiều tới sự "va chạm da thịt" giữa các nhân vật, hoặc những phân đoạn phô diễn hình thể của diễn viên theo cách mà không phải khán giả nào cũng có thể 'vô tư' chiêm ngưỡng".
Trái ngược với Hoàng Lân, Thanh Tùng (20 tuổi) cho hay, cảnh nóng không hẳn phải có "va chạm" mà cảnh nóng là cách lột tả chân thực xã hội nhưng mang hơi hướng nghệ thuật:
"Với mình, cảnh nóng là những cảnh quay, góc máy làm người ta phải nhíu mày khi xem, vì nó đi ngược với sự an toàn, cái dịu dàng, cái đẹp mà ta mong đợi từ một tác phẩm nghệ thuật. Tuy vậy, cảnh nóng là cần thiết để một bộ phim lột trần được cả mặt tối và sáng của con người, xã hội, vì nghệ thuật mà đi quá xa thực tế thì chỉ còn là ảo tưởng".
Cảnh nóng luôn tồn tại dưới rất nhiều định kiến, đó có thể là chiêu bài câu khách muôn thuở, cũng có thể là ẩn dụ đầy sức nặng về nghệ thuật. Trường hợp cảnh nóng không qua kiểm duyệt không phải là con số ít ở Việt Nam. Vậy khán giả có chịu chi cho một bộ phim "không hoàn chỉnh", liên tục bị cắt xén, nhất là những cảnh nóng cực kì hút khách?
"Đã gắn mác 18+ mà vẫn bị cắt thì xem bản lậu còn hơn!"
Năm 2015, 50 Sắc Thái là bộ phim có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, gây chấn động với khán giả. Lần đầu tiên một bộ phim chuyên sâu về đề tài tâm lý, tình dục được khai thác và đưa lên màn ảnh rộng.
Theo như nhà sản xuất tiết lộ, 50 Sắc Thái có độ dài 100 phút và thời lượng dành cho các cảnh "giường chiếu" chiếm đến 20% bộ phim, tức là sẽ có đến 20 phút cảnh nóng. Thế nhưng sau khi phim được công chiếu, nhiều khán giả tỏ ra thất vọng vì những phân cảnh này bị cắt bỏ hoàn toàn.
"50 sắc thái quá hiền so với nguyên gốc" - tạp chí Vanity Fair nhận định về bộ phim.
50 Sắc Thái "hiền" đến vậy nhưng phim vẫn đạt được doanh thu khủng với con số lên đến 571 triệu USD vào năm 2015. Như vậy, vẫn có nhiều người chịu chi cho một bộ phim không hoàn chỉnh. Nhưng theo Trâm Anh (23 tuổi), nếu những cảnh nóng đắt giá bị cắt hoàn toàn, thì khó mà chấp nhận việc chi tiền ra rạp.
"Nếu vì phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, cần phải cắt bỏ những cảnh đó thì mình vẫn chọn đi coi tại rạp. Tuy nhiên, nếu phim đã được gắn mác 18+, hơn nữa, những cảnh bị cắt là cảnh đắt giá, có ý nghĩa thì mình sẽ khó chấp nhận. Với những bộ phim như vậy, mình thà là xem trên các trang web lậu để có cái nhìn khách quan nhất về phim đó".
Phim bị cắt xén khán giả có thể cảm thông, nhưng những con số thì không
Những bộ phim mang các cảnh nhạy cảm như 50 Sắc Thái hay Thất Sơn Tâm Linh, tưởng rằng qua được vòng kiểm duyệt sẽ hết gây tranh cãi. Nhưng không, bên cạnh những ý kiến phản đối việc bỏ tiền cho một bộ phim bị cắt cảnh quá nhiều, thì vẫn có những khán giả chấp nhận chi tiền ra rạp với phiên bản không hoàn chỉnh đó.
"Nếu khán giả nào cũng vì phim bị cắt xén mà từ chối ra rạp thì nhà sản xuất sẽ lấy gì để bù vào khoản chi phí đã bỏ ra? Là một khán giả ủng hộ điện ảnh nước nhà, mình nghĩ mình có thể cảm thông cho những bộ phim đã qua cắt xén" - Tuyết Nhi (19 tuổi) chia sẻ.
Khi nhắc đến những cảnh bị cắt trong phim, thường người xem sẽ liên tưởng tới những cảnh khiêu gợi và táo bạo. Tuy nhiên, không phải cảnh nóng nào cũng khiêu gợi. Đôi khi, chỉ một phân đoạn nhỏ chừng 5 đến 10 giây bị cắt cũng đủ để làm thay đổi cả câu chuyện. Theo chia sẻ của Thanh Tùng (20 tuổi), nếu những phân cảnh đó thực sự có ý nghĩa thì cắt xén là việc thiệt thòi cho công sức của đoàn làm phim:
"Ví dụ như với phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy, nếu phim đề cập tới góc tối của Sài Gòn thì ngôn từ cần phải chợ búa và có những cảnh bạo lực mới lột tả thật nhất tác hại của số đề. Tiếc là nhiều cảnh thanh toán nợ nần đã bị cắt.
Với một bộ phim bị cắt xén nhiều, mình sẽ vẫn bỏ tiền ra rạp. Dù tâm lý có bứt rứt, không hoàn toàn thỏa mãn nhưng mình vẫn xem để ủng hộ nhà làm phim. Dẫu sao đây cũng là việc nhà làm phim không kiểm soát được" - Thanh Tùng.
Mặc dù vẫn có một phần khán giả ủng hộ việc chi tiền ra rạp ngay cả khi biết phim bị cắt xén, thế nhưng việc doanh thu của những bộ phim này bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.
Cụ thể, nếu như doanh thu phần 1 của 50 Sắc Thái lên tới con số 571 triệu USD, gây ra cơn sốt phòng vé năm 2015 thì đến phần 2, doanh thu của bộ phim giảm xuống chỉ còn 381 triệu USD. Sở dĩ, doanh thu của bộ phim giảm bởi khán giả đã bớt tò mò về bộ phim được "treo đầu dê, bán thịt chó", cộp mác 18+ nhưng lại quá "hiền".
Dù vậy, cảnh nóng không là yếu tố quyết định
Vốn dĩ, cụm từ "cảnh nóng" đã là một trong những yếu tố thu hút, khiến người xem tò mò. Tuy nhiên, một bộ phim hay và có ý nghĩa không hoàn toàn dựa vào những cảnh nóng. Cảnh nóng suy cho cùng, dù cho có là yếu tố câu khách, thế nhưng nó cũng là một loại gia vị, làm chất xúc tác cho câu chuyện trở nên hấp dẫn.
"Đối với mình cảnh nóng của một bộ phim không quyết định tất cả mạch phim, nó chỉ là gia vị để xúc tác câu chuyện" - Thanh Thanh (19 tuổi) chia sẻ.
Điều quan trọng ở một bộ phim chính là những thông điệp, bài học, những giá trị cốt lõi mà bộ phim mang lại cho khán giả. Nếu như vì cảnh bị cắt xén mà quay lưng với cả một bộ phim thì đó là điều thiệt thòi không chỉ với nhà làm phim mà còn với cả khán giả xem phim:
"Mình chọn phim vì giá trị cốt lõi của nó. Phải có trải nghiệm với bản cắt xén mới tìm được "cái hay", "cái khác" của bản đầy đủ sau này. Mình ưu tiên việc có được trải nghiệm mới mẻ, kịp thời với bộ phim hơn là những gợn sóng nhỏ trong cảm xúc về những đoạn cắt xén kia" - Hạnh Nguyên chia sẻ.
Đồng tình với Hạnh Nguyên, Hoàng Khang (19 tuổi) cho rằng nếu như cảnh nóng bị cắt nhưng người xem vẫn có trải nghiệm xem phim tuyệt vời thì đó là minh chứng cho việc một bộ phim hoàn toàn không phụ thuộc vào cảnh nóng để nổi tiếng và kiểm duyệt phim là điều không hề vô nghĩa.
"Nếu cảnh nóng bị cắt nhưng mình vẫn có những cảm xúc tuyệt vời cùng bộ phim thì là một điều tốt. Còn nếu việc cắt cảnh nóng đó thật sự ảnh hưởng đến trải nghiệm xem của mình, mình sẽ cân nhắc việc lựa chọn xem lại bộ phim trên những nền tảng stream phim chính thống để "bù đắp" lại những "mất mát" của lần đầu tiên" - Hoàng Khang chia sẻ.
Tạm kết
Việc cắt duyệt phim là điều khó tránh khỏi khi nội dung được đánh giá là không phù hợp để ra rạp. Tuy nhiên, kiểm duyệt phim là câu chuyện chưa bao giờ "nguội" không chỉ ở Việt Nam, mà còn là ở các quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc. Không ít lần, người xem đành phải ngậm ngùi tiếc nuối khi những bộ mình mình yêu thích, dành thời gian ngóng trông lại bị cắt đi không thương tiếc.
Nguồn: TH&PL