Liều thuốc chữa bệnh Covid-19 hiệu quả nhất có lẽ là một tinh thần lạc quan, tích cực.
Kể từ ngày 16/8, TP.HCM đã triển khai kế hoạch điều trị F0 tại nhà do tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện thu dung, dã chiến. Theo đó, bệnh nhân F0 có tình trạng nhẹ sẽ được khuyến khích cách ly và điều trị tại nhà.
Đó cũng là câu chuyện của anh Trương Minh Toàn, 32 tuổi, hiện đang sinh sống tại phường 15, quận 8, TP.HCM. Trải qua 10 ngày chiến đấu với Covid-19 tại nhà, anh cũng đã vui mừng nhận kết quả âm tính vào ngày 23/8 và đã hoàn toàn khỏi bệnh.
"Tâm lý lo lắng và bất an cứ theo mình trong suốt quá trình điều trị"
Anh Trương Minh Toàn, hiện đang là Đạo diễn Sân khấu vừa tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM với vở diễn "Vung tre giữ trời". Tình hình dịch bệnh kéo dài tại Sài Gòn 3 tháng nay cũng là một trong những nguyên nhân "cản trở" anh quá trình hoạt động nghề nghiệp vì sân khấu và các hoạt động văn hoá - văn nghệ bị tạm hoãn vô thời hạn.
Anh đã ở nhà xuyên suốt từ khoảng thời gian đó đến nay theo chỉ thị giãn cách xã hội của thành phố. Tuy vậy, dù đã tuân thủ đầy đủ quy tắc 5K và cẩn thận khi đi ra ngoài, nhưng anh vẫn không may trở thành F0.
Chia sẻ về lý do mắc Covid-19, anh cho biết: "Trước khi có dấu hiệu sốt thì trong vòng 10 ngày mình chỉ đi siêu thị gần nhà để mua thực phẩm. Dù đã tuân thủ Quy định 5K, lựa chọn khung giờ vắng người (12-14 giờ) để mua nhưng vẫn bị. Theo tìm hiểu thì có thể trên bề mặt thực phẩm có virus, dù đã sát khuẩn phần bao bì bên ngoài nhưng trên thực phẩm, đồ dùng mình chỉ rửa qua nên có thể nguyên nhân xuất phát là từ đây".
Khi biết mình bị bệnh, anh Toàn khá bất ngờ và hoang mang kèm một chút sợ hãi vì trước đó gia đình anh cũng có người mất vì Covid-19. Nhưng sau đó anh đã cố trấn an bản thân và tiến hành các bước theo quy định: khai báo y tế, mua thuốc để điều trị tại nhà và thực hiện cách ly tại phòng.
Nói về những khó khăn trong quá trình điều trị tại nhà, anh cho biết: "Nhà có rất nhiều người (có cả người già và trẻ em) nên trong sinh hoạt có nhiều cái khá vất vả (thiếu chỗ ngủ, nhiều người sử dụng chung một nhà vệ sinh, ăn uống phải rửa và để riêng,...) nên tâm lý lo lắng và bất an cứ theo mình trong suốt quá trình điều trị. Lỡ như mình lây cho gia đình thì sao?"
Anh Toàn cũng chia sẻ thêm, một trong những khó khăn lớn nhất khi phải tự cách ly và điều trị tại nhà là tâm lý bí bách khi không được nói chuyện với người thân.
"Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong phòng nên có những lúc bị bức bối, khó chịu và muốn di chuyển. Dù quá trình cách ly ở nhà có nhiều cái không thuận tiện, nhất là sợ lây cho người thân, nhưng nếu tính ra thì điều kiện chăm sóc, sự thoải mái vẫn tốt hơn trong khu cách ly. Lúc nào cũng tự nhắc nhở bản thân phải kỹ từng li từng tí" - anh Toàn chia sẻ.
Máy đo oxy, nhịp tim và nhiệt kế - những dụng cụ không thể thiếu khi tự điều trị cách ly tại nhà
Virus không còn ngoài đường mà đã "ghé thăm từng nhà, vô thăm từng người"
Dù thuộc diện F0 có tình trạng nhẹ nhưng trong những ngày đầu phát hiện bệnh anh Toàn vẫn khá hoang mang và lo sợ vì anh đã sốt và đau cổ nhiều, thêm căn bệnh xoang nên anh bị nhức đầu, đau người và mệt mỏi. Kể từ ngày bị sốt, anh Toàn uống thuốc liên tục trong vòng 5 ngày, khi chỉ còn triệu chứng ho thì anh uống thuốc ho, không còn dùng thuốc hạ sốt.
"Khi theo dõi trên báo chí thì mình thấy một số trường hợp dù đã không còn dấu hiệu gì nữa nhưng vẫn có nguy cơ suy hô hấp bất ngờ, nên khoảng ngày thứ 5-7 mình cũng khá lo vì không biết sáng mai mình có 'thức dậy' được không. Đến khi có kết quả âm tính thì mừng lắm, nhưng vẫn không chủ quan được" - anh Toàn chia sẻ.
Hiện tại anh vẫn tiếp tục cách ly tại phòng và đợi kết quả test lần 2. Trong quá trình sử dụng thuốc, anh Toàn còn kết hợp những bài tập thở sâu, tập thể dục, xông lá, đo nhiệt độ - nồng độ oxy và nhịp tim (3 lần/ ngày) và quan trọng là anh luôn cẩn thận sát khuẩn cả trên thức ăn và đồ dùng hàng ngày.
"Mình nghĩ sức khỏe tinh thần rất quan trọng cho quá trình điều trị của mọi người. Khi chúng ta rơi vào trạng thái buồn bã, lo lắng hay hoảng sợ thì lúc đó sức đề kháng sẽ giảm đi rất nhiều, huyết áp, nhịp tim cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ông bà ta thường có câu là "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Thế nên thời gian đó mình coi phim hài nhiều để hạn chế những suy nghĩ tiêu cực dù nhiều lúc… vừa cười vừa ho" - anh Toàn hài hước chia sẻ.
Bệnh dịch đang hoành hành nên việc phòng tránh, cẩn thận trong từng sinh hoạt đời sống là điều tiên quyết để giúp bản thân, gia đình và cộng đồng được khỏe mạnh, bình an. Từng là "nạn nhân" của Covid-19, anh Trương Minh Toàn cũng cảm nhận được những tác động mạnh mẽ của dịch bệnh đến đời sống cũng như trân quý hơn những người thân yêu bên cạnh mình.
"Giai đoạn hiện giờ thì virus không còn xuất hiện ngoài đường như khoảng thời gian trước đây nữa mà nó đã "ghé thăm từng nhà, vô thăm từng người" rồi. Câu chuyện giờ đây không còn là việc "tránh trở thành F0" nữa, mà nó đã là việc "nếu là F0 thì làm sao để vượt qua".
Nếu lỡ không may bản thân trở thành F0 thì mọi người cũng nên bình tĩnh và lạc quan, tận dụng hết mọi nguồn lực (hiện giờ ngoài địa phương sở tại thì có rất nhiều đơn vị hỗ trợ thuốc, tư vấn) để các F0 có thể an tâm điều trị tại nhà. Chúc mọi người thật nhiều sức khỏe và cầu mong đời sống có thể mau chóng bình thường hóa trở lại. Đặc biệt, Sài Gòn sẽ lại hoa lệ với những ánh đèn của nhà hát và sân khấu" - anh tâm sự.
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL