Tiêu chuẩn kép trong gia đình phải chăng đã quá quen thuộc và điển hình với tư tưởng trọng nam khinh nữ?
Double standard là gì?
Double standard (tiêu chuẩn kép) là việc áp dụng những nguyên tắc, cách thức xử lý khác nhau cho cùng một vấn đề hay cùng một tình huống. Hiểu một cách đơn giản nó là những luật lệ hoặc tiêu chuẩn mà nhóm người này phải tuân theo, trong khi nhóm người khác thì không cần tuân thủ.
Tiêu chuẩn kép cũng áp dụng cho cách một người nhìn nhận một sự việc, hành động nhưng lại áp các tiêu chí đánh giá không công bằng với các đối tượng khác nhau. Dựa trên cách hiểu này, có thể thấy tiêu chuẩn kép vô tình tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, nó vẫn hiện hữu ở khắp mọi nơi, tồn tại trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, kể cả nơi thân thuộc nhất là gia đình.
Double standard hiện diện ở mọi khía cạnh của đời sống, kể cả nơi thân thuộc nhất: gia đình
Gia đình là một tế bào thu nhỏ của xã hội, được xem là hình thức tổ chức xã hội quan trọng nhất dựa trên hôn nhân và các quan hệ huyết thống. Gia đình là phạm trù biến đổi mang tính lịch sử và phản ánh văn hóa của dân tộc và thời đại. Ở mỗi gia đình khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn và nguyên tắc khác nhau nhưng điểm chung lớn nhất vẫn còn tồn tại ở mỗi tế bào thu nhỏ này chính là tiêu chuẩn kép.
Tuy nhiên tiêu chuẩn kép trong một gia đình khó nhận biết bởi lẽ nó thuộc định kiến ngầm trong quan niệm từ trước đến giờ. Những tiêu chuẩn kép trong gia đình thể hiện qua cách nhìn nhận về vai trò, giới tính, ngoại hình.
Người ta mặc định vai trò của người phụ nữ công dung ngôn hạnh trong gia đình là làm công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Nhưng nếu người đàn ông suốt ngày tề gia nội trợ thì người ta bảo bám váy đàn bà, "lưng dài vai rộng" mà ăn bám vợ. Thế mới nói chỉ cùng một công việc nội trợ nhưng lại phân định rạch ròi giữa hai trụ cột trong gia đình.
Dường như tiêu chuẩn kép trong một gia đình đã tồn tại từ thời phong kiến và cho đến bây giờ. Tiêu chuẩn kép trong gia đình phải chăng đã quá quen thuộc và điển hình với tư tưởng trọng nam khinh nữ?
Ngày xưa người ta quan niệm "Đàn ông năm thê bảy thiếp" còn "Gái chính chuyên chỉ có một chồng". Đây là tiêu chuẩn kép trong tình dục. Đàn ông trải qua nhiều mối tình, quan hệ với nhiều người trước khi lấy vợ thì được xem là có kỹ năng, bản lĩnh tốt. Còn phụ nữ, lỡ trao thân trước khi lấy chồng thì sẽ phán là "hư thân mất nết". Có nhiều quy luật vô hình áp đặt cho phụ nữ, nếu vượt qua lằn ranh này thì hình phạt cho họ sẽ xuất hiện.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một câu chuyện liên quan đến tiêu chuẩn kép trong một gia đình khi một nữ Tiktoker lên tiếng phản đối về việc "nấu cơm, rửa bát". Nhiều người lên tiếng đây là việc của nữ giới, không phải việc của nam giới. Tuy nhiên, công việc này trước giờ không có quy định ai cho một giới tính nhất định nào. Và không có minh chứng nào chứng minh phụ nữ làm sẽ phù hợp hơn đàn ông.
Nấu nướng, làm việc nhà, trông em,... nếu tất cả không bàn đến sự tỉ mỉ, cẩn thận thì công bằng mà nói con trai hay con gái thì cũng sẽ làm như nhau vì nó là những việc vô cùng đơn giản. Nhưng người ta cho đây là việc mặc định, là trách nhiệm mà đứa con gái trong gia đình phải làm thật tốt nên cha mẹ xem đây là điều hiển nhiên. Còn con trai nếu làm việc này thì sẽ nhận được sự tán thưởng, khen ngợi của bố mẹ. Từ đó dẫn đến việc mang con so sánh với nhau.
Vô hình chung, tiêu chuẩn kép tạo ra áp lực thiên vị từ bố mẹ đến những đứa con của mình
Trong một gia đình, tình thương của ông bà, cha mẹ đôi khi không chia đều cho những đứa con của mình. Có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà có sự phân chia tình cảm đối với những đứa trẻ trong nhà. Việc thiên vị có thể xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, thời gian chung sống, tư tưởng về giới tính,... Đôi khi ngay cả ông bà, cha mẹ vẫn không thể nhận ra cách đối xử rất khác đối với từng đứa con của mình. Điều này có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Tôi có biết một câu chuyện của nhà nọ, cậu em lớp 12 ráng được dĩa trứng chiên, thế là được khen tới tấp. Còn chuyện của mỗi bữa bơm hay cỗ bàn chị hai của cậu ấy nấu thì là việc đương nhiên. Vô tình, những tiêu chuẩn kép tạo ra sự thiên từ bố mẹ đến những đứa con của mình.
Theo một nghiên cứu đến từ đại học Cornell sự đối xử thiên vị của bố mẹ có liên quan đến các kết quả tâm lý và hành vi tiêu cực của trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Các triệu chứng trầm cảm sẽ cao hơn khi bố mẹ phân biệt con cái của họ và khi con cái trưởng thành nhận thức được sự khác biệt này.
Thông thường khi những đứa trẻ bị ra rìa hoặc bị đem ra so sánh trong chính gia đình của mình thường có biểu hiện của sự uất hận, nóng giận và luôn trong trạng thái suy nghĩ tiêu cực. Shelly, một bác sĩ khoa nhi và là mẹ của bốn đứa con chia sẻ: "Việc một đứa bé nhận thức rằng mình không được yêu thương bằng anh chị em có thể làm tổn thương lòng tự trọng của chúng".
Bố mẹ đối xử không công bằng giữa các con có thể gây rạn nứt tình cảm gia đình. Những ảnh hưởng về tâm lý từ sự thiên vị của cha mẹ có thể theo con trẻ đến lúc trưởng thành và khiến mối quan hệ gia đình trở nên căng thẳng hơn. Việc đố kỵ, ghen ghét là điều không thể tránh khỏi.
Trong chương trình "Thiếu niên nói", bạn Hồng Thảo học sinh Trường THCS Hồng Bàng có chia sẻ: "Cảm thấy tự ti về bản thân, cảm thấy mình là một đứa con bị hắt hủi. Có những thứ mình thích nhưng em mình cũng thích nhưng ba mình không nói điều gì mà chỉ bắt mình đưa món đồ cho em. Hoặc là trong những lần gia đình đi chơi chung ba cũng không rủ mình đi theo cùng".
Đôi khi cảm giác bị bỏ rơi trong chính gia đình của mình lại tồi tệ hơn bất kỳ cảm giác bị bỏ rơi nào. Bởi lẽ, chiếc nôi nuôi dưỡng của gia đình là điểm tựa lớn nhất của mỗi người.
Nguồn: TH&PL