Dịch giả Việt đầu tiên nhận giải thưởng 'Dịch thuật Quốc gia Mỹ'

Sáng 12/11, Nguyễn An Lý đã trở thành người Việt đầu tiên thắng giải "Dịch thuật Quốc gia" về Văn xuôi của Hiệp hội Dịch giả Văn học Mỹ.

Nữ dịch giả đã giành chiến thắng với tác phẩm Chinatown của nhà văn Thuận, được chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Ngoài bằng khen, Nguyễn An Lý nhận phần thưởng 4.000 USD. Đại diện ban giám khảo nhận xét: "Tiểu thuyết của Thuận đến với người đọc qua câu từ du dương, lôi cuốn của Nguyễn An Lý".

dich gia viet dau tien nhan giai thuong dich thuat quoc gia my - anh 0
Dịch giả Nguyễn An Lý.

Theo Vnexpess, tác phẩm là bản dịch tiếng Anh đầu tay của An Lý. Câu chuyện trong tiểu thuyết diễn ra trong vòng hai tiếng đồng hồ, lúc hai mẹ con nhân vật chính bị kẹt lại trên một chuyến tàu điện ngầm vì nghi ngờ đoàn tàu bị đánh bom.

Trong thời gian đó, nhân vật nhìn lại cuộc đời của mình, từ Hà Nội (Việt Nam), Leningrad (Nga) rồi Paris (Pháp). Xen lẫn ký ức là những mối tình, trong đó ám ảnh và day dứt là câu chuyện về Thụy, một người đàn ông Trung Hoa.

Nguyễn An Lý tốt nghiệp ngành văn chương, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007, hoàn thành thạc sĩ văn chương chuyên về hậu thuộc địa tại Đại học York, Anh vào năm 2010. Hiện cô sống tại TP.HCM, chủ yếu dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Cô có hơn 20 bản dịch được xuất bản dưới nhiều bút danh và nhiều thể loại, gồm Aleph (Jorge Luis Borges), Tàn ngày để lại (Kazuo Ishiguro), Con sẻ vàng (Donna Tartt), Tay sát thủ mù (Margaret Atwood). Nguyễn An Lý đồng sáng lập diễn đàn văn học phi lợi nhuận Zzz Review.

Giải thưởng Dịch thuật Quốc gia (National Translation Awards) do Hiệp hội Dịch giả Văn học Mỹ thành lập năm 1998, dành cho những dịch giả tiếng Anh có nhiều đóng góp cho nền văn học. Từ năm 2015 đến nay, giải thưởng chia hạng mục cho hai thể loại, văn xuôi và thơ. Ban giám khảo năm nay gồm Natascha Bruce, Shelley Frisch, Jason Grunebaum, Sawad Hussain và Lytton Smith.

Chủ nhân giải Nobel Văn học 2023: Khoảnh khắc sinh tử tạo ra thiên tài

Cảm nhận văn học phổ thông hay sự rập khuôn quy mô lớn "vô tội vạ"?

Văn học trong nhà trường: Cần lắm sự cởi mở qua những đề thi "mở"?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ