Đặt Alice In Borderland và Squid Game lên bàn cân: Kẻ tám lạng, người… 800gr?

Kể từ khi Squid Game lên sóng, Alice In Borderland là cái tên được khán giả không ngừng nhắc tới.

Được phát hành toàn cầu bởi "ông lớn" Netflix lần lượt vào năm 2020 và 2021, bộ phim live-action Nhật Bản Alice In Borderland (Thế Giới Không Lối Thoát) và bộ phim Hàn Quốc Squid Game (Trò Chơi Con Mực) gây được tiếng vang lớn ngay khi ra mắt. Cùng lấy chủ đề sinh tồn, nhưng Alice In Borderland được fan của dòng phim này đánh giá là "tượng đài", trong khi Squid Game nhận nhiều bình luận trái chiều, thậm chí được gọi là "phim sinh tồn dở nhất".

Giữa luồng dư luận so sánh Squid Game  với Alice In Borderland, chúng ta có thể thử xem xét hai bộ phim này một cách tỉ mỉ hơn để thấy những điểm ưu khuyết của riêng chúng. Liệu Alice In Borderland có thể trở thành "hình mẫu lý tưởng" cho "ứng cử viên" sinh tồn đầu tiên của Hàn Quốc?

dat alice in borderland va squid game len ban can ke tam lang nguoi 800gr - anh 0

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Bên "cân não" người xem, bên "chơi trò trẻ con" từ đầu!

Khi nhắc đến dòng phim sinh tồn, người ta có thể dễ dàng liên tưởng ngay đến những cái tên đình đám như The Hunger Games, The Shallows,... Thế nhưng, có vẻ như dòng phim này vẫn có vẻ hơi kén người xem tại thị trường châu Á. Vào năm 2007, Nhật Bản cho ra mắt series sinh tồn đầu tiên Liar Game, 7 năm sau, đất nước mặt trời mọc lại tiếp tục cho ra mắt series sinh tồn tiếp theo As The Gods Will, tạo ra một nhu cầu lớn lượt xem với dòng phim sinh tồn này. 

Thừa thắng xông lên, vào năm 2020, Netflix đã hợp tác với Nhật Bản, sản xuất nên bộ phim Alice In Borderland, và đúng như dự đoán, bộ phim đã tạo nên tiếng vang lớn, được đón nhận rộng rãi trên nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật, Singapore, Hong Kong và cả Việt Nam.

Điều này cho thấy dòng phim sinh tồn là một trong những dòng phim tiềm năng, đang trên đà phát triển tại thị trường châu Á. Và không nằm ngoài mong đợi, Squid Game, một bộ phim sinh tồn "cộp mác" Hàn Quốc đã minh chứng rằng không riêng gì Netflix mà cả những đạo diễn đang manh nha "miếng mồi ngon" này đã "tra chìa đúng ổ".

Đều là những bộ phim tạo nên cơn sốt, thế nhưng có vẻ như khán giả lại có phần nghiêng về Alice In Borderland hơn vì những trò chơi căng não, kích thích người xem. Với Squid Game mặc dù được các nhà phê bình chuyên môn đánh giá cao nhưng có vẻ những trò chơi thử thách trong Squid Game vẫn chưa thể thỏa mãn người xem lắm vì còn có phần trẻ con và thiếu kịch tính.

Nhìn qua Alice In Borderland, ngay từ đoạn mở đầu, chàng trai mọt game Ryohei Arisu (Kento Yamazaki) cùng hai người bạn thân đã bị đưa tới một phiên bản Tokyo không bóng người và đột nhiên bị cuốn vào trò chơi, buộc phải tham gia để giành tấm "visa" sống tiếp sau mỗi 3 ngày. Trò chơi được phân loại thành nhóm dựa trên bộ bài tây bao gồm thể lực, trí não, cảm tình, với độ khó dễ khác nhau. Từ đây, họ phải tham gia và đối mặt với những trò chơi sinh tồn lạnh lùng, tàn nhẫn để sống sót, đồng thời tìm cách thoát khỏi nó.

dat alice in borderland va squid game len ban can ke tam lang nguoi 800gr - anh 0

Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với dòng truyện tranh suy luận trinh thám, vậy nên live-action Alice In Borderland chuyển thể từ truyện tranh gốc hiển nhiên kế thừa các câu đố  "cân não". Trò chơi chọn một trong hai cánh cửa ở tập 1 tưởng chừng như may rủi, song lại được giải đáp bằng suy luận có tính khoa học, khiến người xem phải ồ lên thán phục. Luật trong các trò chơi sau đó như chó săn cừu, chạy về đích cũng có phần lắt léo, "tưởng vậy mà không phải vậy".

Không "cân não" như Alice In Borderland, ngay từ tên phim và lời dẫn trên poster, Squid Game đã nhấn mạnh, tất cả chỉ là trò chơi trẻ con với số tiền thưởng 45.6 tỷ won. Người chơi có quyền dừng chơi giữa chừng nếu đủ số người, thậm chí có quyền chọn không dấn thân vào trò chơi ngay từ đầu.

Tuy nhiên, chính luật chơi đơn giản là thứ khiến người xem "nhức nhối" bởi sự tương phản của trò chơi trẻ con và cái kết đổ máu của kẻ thua cuộc. Chẳng hạn như trò chơi Đèn Xanh Đèn Đỏ ở tập 1 tưởng chừng đơn giản nhưng mang lại hàng trăm cái chết đẫm máu, hoặc ở tập 3, trò chơi Tách Kẹo ấu thơ nhưng đủ khiến nhiều người phải khóc thét. 

Có thể thấy chính từ những trò chơi đơn giản đã tạo ra nhiều cơ hội, khoảng trống cho nhân vật hành xử và bộc lộ sự phát triển. Nhân vật chính Gi Hun ban đầu vào trò chơi chỉ vì thất nghiệp muốn kiếm tiền dễ dàng, song lần thứ hai tham gia, mặc dù đã hiểu sự chết chóc phải trả của kẻ thua cuộc trong trò chơi mà vẫn quyết định tham gia để có tiền cho mẹ chữa bệnh. Sự đơn giản của trò chơi là mồi câu người chơi, còn sự tàn khốc của nó mới là thứ khiến con người bộc lộ bản tính.

Một thành phố giả lập đen tối, một đấu trường đua người màu sắc

Với dòng phim sinh tồn, việc thiết lập bối cảnh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thuyết phục người xem, và ở mặt này mỗi phim lại có điểm mạnh riêng. 

Alice In Borderland lấy bối cảnh thành phố Tokyo giả lập vắng người, với sân chơi quy mô lớn dần từ trong phòng nhỏ, ra ngoài xa lộ, đến toàn bộ khách sạn lớn. Tông màu phổ biến được sử dụng là trắng - xanh lam - đen, cùng ánh sáng thấp, tăng thêm cảm giác rùng rợn, ảm đạm. 

dat alice in borderland va squid game len ban can ke tam lang nguoi 800gr - anh 0

Một điểm độc đáo trong bối cảnh của Alice In Borderland, đó là có động vật hoang dã xuất hiện sống động "đến từng cọng râu". Được biết, cảnh con hổ xuất hiện tại vòng đu quay trong tập 5 đã được nhiều studio ở Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Ấn Độ cùng nhau xử lý hậu kỳ. Nhân vật trong phim giải thích sự xuất hiện của động vật là vì con người biến mất, nên các loài thú tràn vào xâm chiếm thành phố, ngầm gửi gắm thông điệp về môi trường. Đây cũng là hiện trạng có thật tại nhiều quốc gia trên thế giới - giãn cách xã hội dài ngày, nước sông xanh trong, động vật từ rừng xuống phố. 

Squid Game lấy bối cảnh thế giới thực tại Hàn Quốc, ở một hòn đảo hoang vu có một đấu trường "đua người" được xây dựng công phu. Không hề ảm đạm hay tối tăm, nơi này bao phủ bởi các bức tường gọt giũa sống động, màu sắc rực rỡ, bắt mắt, nhìn toàn cảnh không khác nào một sân chơi trẻ em.  Điều này đồng bộ hóa chủ đề trẻ em sẵn có trong các trò chơi, giảm bớt chất tăm tối, kinh dị thường thấy ở trò chơi sinh tử, cũng là nét riêng biệt của Squid Game

Người tập trung giải đố, kẻ đề cao văn hóa và thông điệp

Alice In Borderland có nhiều trò chơi "cân não" mang hơi hướng suy luận trinh thám mà nhiều bộ truyện tranh khác của Nhật Bản nổi tiếng thế giới, chẳng hạn như Conan đã khai thác. Tuy nhiên, ngoài bối cảnh thành phố Tokyo, phim không đề cập nhiều đến các đặc điểm văn hóa Nhật đã nổi tiếng thế giới mà chỉ tập trung vào những yếu tố khoa học viễn tưởng. Điều này cũng dễ hiểu, vì bộ phim được chuyển thể từ truyện tranh với kịch bản giữ nguyên đến 90%, và tác giả gốc của bộ truyện chỉ hướng đến độc giả là người Nhật.

  Điểm nổi bật trong Alice In Borderland chính là những trò chơi sinh tồn 

Có thể nói, điểm nổi bật trong Alice In Borderland chính là những trò chơi sinh tồn đưa người xem đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Dựa vào tài năng xuất chúng cùng trí thông minh của các nhân vật, gần như không có trò chơi nào là không bị "phá đảo". Ngay cả cách mà các nhân vật của Alice In Borderland đến với Thế giới không lối thoát cũng viễn tưởng, phi lý, không được đầu tư như những trò chơi trong phim. 

Cụ thể với Alice In Borderland, nhóm bạn Arisu trong lúc chán nản với cuộc sống thực tại, gây ra loạt rắc rối trên đường phố Tokyo, sau khi chạy trốn khỏi cảnh sát, họ chỉ bước ra từ buồng vệ sinh và thế là đã đến với loạt trò chơi sinh tồn. Nhìn qua "tấm chiếu mới" Squid Game, mặc dù mang motif quen thuộc là nhân vật bị dồn vào đường cùng mới phải tìm đến đấu trường sinh tử nhưng nhờ vậy mà người xem có thể thấy hiểu và tường tận được hoàn cảnh của nhân vật.

dat alice in borderland va squid game len ban can ke tam lang nguoi 800gr - anh 0

Alice In Borderland chỉ tập trung vào những trò chơi mãn nhãn, làm thoả mãn fan sinh tồn với bích là trò chơi thể lực, rô là trò chơi vận dụng trí óc, chuồn cân bằng cả hai yếu tố trên và cơ đánh vào tâm lý và đạo đức của người chơi, sự hồi hộp và tò mò được đẩy lên đỉnh điểm mỗi khi Arisu bước vào một trò chơi mới. Thậm chí trong tập thứ 3 của Alice In Borderland, Arisu đã phải chào tạm biệt hai người bạn của mình khi không cách nào giải được trò chơi 7 Cơ.

Đạo diễn Squid Game ngay từ khi lên kịch bản đã chủ định xây dựng một bộ phim sống còn mang đậm nét đặc trưng Hàn Quốc. Không theo cách khai thác những trò chơi giải đố phức tạp, ông chọn những trò chơi dân gian trẻ em như hoa dâm bụt nở, tách kẹo đường, con mực. Thay vì để người chơi tùy ý chọn trang phục, đạo diễn đưa họ vào những bộ đồng phục thể dục màu xanh sọc trắng - xu hướng ăn mặc nổi bật ở xứ sở kim chi. 

dat alice in borderland va squid game len ban can ke tam lang nguoi 800gr - anh 0

Bên cạnh những tình tiết được cài cắm đầy ý nghĩa, câu chuyện chính của phim cũng mang hướng về tình cảm - tâm lý xã hội và sự cách biệt giàu nghèo, vốn là chủ đề "đinh" của phim Hàn. Người chơi 067 sẵn sàng lợi dụng kẻ khác nhưng thấy tội lỗi khi có người tình nguyện chết vì mình, người chơi 456 từ bỏ tiền thưởng vào phút chót vì không nhẫn tâm để người bạn thuở nhỏ phải chết. Kẻ nghèo vì tiền chơi trò bán mạng, người giàu tạo trò mua vui. 

Không chỉ có sự phân chia giàu nghèo, các vấn đề chính trị nhạy cảm cũng được phơi bày, nổi bật nhất là việc Bắc Nam chia cắt. Những người ở Bắc Triều Tiên cố gắng tìm đường vượt biên đến Nam Triều Tiên để mong hy vọng cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp hơn như Sae Byeok. Nhưng cuối cùng, ở nơi tưởng như lý tưởng, Sae Byeok cũng bị biến thành nạn nhân và tội đồ trong địa ngục tư bản: vừa bị lừa tiền, vừa đi cướp tiền người khác. 

Câu chuyện chính của Squid Game mang hơi hướng về tình cảm - tâm lý xã hội

Tình tiết nhân vật dằn vặt tâm lý xuất hiện thường xuyên, khiến người xem quan tâm hơn đến trò chơi sinh tồn cảm thấy lê thê và kém hấp dẫn. Tuy nhiên, đây lại là lý do Squid Game được lòng thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Có thể dễ dàng phát hiện, những phim Hàn tấn công thị trường Âu Mỹ và giành giải thưởng quốc tế gần đây đều nói về vấn đề xã hội và tầng lớp giàu nghèo, như Parasite hay Minari.

Người chơi kỳ cựu trong làng "sinh tồn", kẻ "chiếu mới" chập chững!

Alice In Borderland vừa ra mắt vài ngày đã lập tức leo lên top 1 Netflix Nhật Bản, đồng thời nằm trong top 10 ở khoảng 40 quốc gia khác trên thế giới, được coi là live-action (phim chuyển thể từ truyện tranh) nhiều lượt xem nhất trên thế giới. Sự thành công này một phần đến từ truyện tranh gốc có nội dung xuất sắc đã từng làm mưa làm gió. Thêm vào đó, Nhật Bản là người chơi kỳ cựu trong làng trò chơi sinh tồn, với nhiều bộ phim đề tài sinh tồn thành công từ sớm, như Battle Royale (sản xuất năm 2000) hay Liar Game (sản xuất năm 2007).

dat alice in borderland va squid game len ban can ke tam lang nguoi 800gr - anh 0

Squid Game sau khi ra mắt 10 ngày đã vươn lên đứng thứ hai trên Netflix toàn thế giới chỉ sau Sex Education, trở thành series Hàn Quốc đầu tiên đứng top 1 thịnh hành Netflix Mỹ. Tuy nhận bình luận trái chiều là kịch bản "non nớt" và nhiều chi tiết "ăn theo" phim khác, nhưng không thể phủ nhận Squid Game đã gây được tiếng vang khi ra mắt, đồng thời đặt viên gạch đầu tiên về đề tài sinh tồn tại xứ sở kim chi. 

So với người hàng xóm Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ là "chiếu mới" chập chững, sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện, tuy nhiên qua những gì mà bộ phim thể hiện, khán giả vẫn nhận thấy được tiềm năng của phim ảnh Hàn Quốc ở thể loại phim sinh tồn. Đạo diễn Squid Game cũng cho biết hiện ông chưa có kế hoạch làm phần 2 vì "chỉ nghĩ thôi đã thấy đau đầu", nhưng nếu có, ông sẽ cần kết hợp với nhiều tài năng khác, không tiếp tục một mình xây dựng kịch bản như phần 1.

Tạm kết

Sau khi xem xét các yếu tố khác nhau, có thể thấy Alice In BorderlandSquid Game mỗi phim đều có thế mạnh và phù hợp với thị hiếu khán giả khác nhau, không thể lấy hình mẫu thành công của phim này áp dụng vào bộ phim khác. 

Các nhà làm phim Nhật vẫn sẽ yêu trường phái kinh dị giật gân, với kịch bản suy luận trinh thám quyết liệt như Alice In Borderland, trong khi các đạo diễn Hàn Quốc vẫn sẽ giữ cốt lõi drama tâm lý xã hội trong mọi kịch bản phim. Do đó, chúng ta có thể thôi đặt hai bộ phim này lên bàn cân, thay vào đó chọn lựa bộ phim phù hợp hơn với khẩu vị của bản thân và ngẫm nghĩ nhiều hơn về thông điệp mỗi bộ phim gửi gắm. 

VFX Supervisor, Giám đốc điều hành của team Việt Nam thực hiện Squid Game: "Cảnh kéo co là khó làm nhất!"

Squid Game: Phim sinh tồn thành công theo cách "rất Hàn Quốc"!

8 bí mật hậu trường của Squid Game khiến khán giả bật ngửa

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ