Nhìn dưới góc độ khách quan, đa chiều thì loạt thành tích, kỉ lục của Squid Game chứng minh điều ngược lại so với nhận xét của những "nhà phê bình online": Squid Game là bộ phim sinh tồn dở nhất?
Bị chê "tơi tả" nhưng có thật sự Squid Game là một bộ phim thất bại?
Trong vòng chưa đầy một tuần kể từ khi phát hành vào ngày 17/9, Squid Game hiện đã đứng đầu danh sách Top 10 của Netflix ở 23 quốc gia trên thế giới bao gồm cả Hoa Kỳ. Bộ phim đã chính thức phá kỷ lục của Sweet Home, trở thành series Netflix Hàn Quốc có thứ hạng cao nhất trong lịch sử.
Không những thế, trên các trang web chấm điểm phim nổi tiếng trên thế giới, Squid Game cũng nhận về thành tích "khủng". Bộ phim được đánh giá 100% độ "tươi" (fresh) trên Rotten Tomatoes bởi giới chuyên môn và 89% bởi khán giả. Trên trang Douban, số điểm của Squid Game là 7.8 với hơn 61 nghìn lượt đánh giá. Điểm IMDb của phim cũng là 8.3. Như vậy, Squid Game thực chất vẫn rất được lòng khán giả quốc tế.
Nếu là một "bộ phim sinh tồn dở nhất lịch sử", liệu Squid Game có thật sự nhận được những phản hồi tích cực như vậy trên các nền tảng chuyên môn? Dù bộ phim do Netflix sản xuất nhưng không thể phủ nhận, đây là một bộ phim Hàn Quốc. Và tất nhiên sẽ rất khiên cưỡng nếu so sánh nó với các phim được sản xuất bởi Nhật Bản hay Hoa Kỳ - những quốc gia có nền phim ảnh với cách tiếp cận khác, bản sắc văn hóa cũng không hề tương đồng.
Để có thể nhận về những đánh giá cao từ các chuyên gia, Squid Game đã rất đầu tư trong việc mang những đặc trưng riêng của Hàn Quốc cài cắm vào các tình tiết trong phim. Thế mạnh của phim Hàn vốn là thể hiện những yếu tố nhân văn qua việc giải quyết các vấn đề về con người và xã hội. Tưởng chừng những vấn đề ấy sẽ khó có điểm chung với thể loại phim sinh tồn nhưng các nhà sản xuất Squid Game đã cho ta thấy không gì là không thể. Không "chém giết loạn xạ" nhưng phim sinh tồn Hàn Quốc vẫn ám ảnh người xem một cách thâm thúy, sâu sắc.
Trước Squid Game, đã từng có rất nhiều "đồng hương" thể hiện tốt những hiện thực trần trụi của xã hội Hàn Quốc. Parasite đề cập đến vô số vấn đề nhức nhối như sự tham lam, lừa lọc, phân biệt giai cấp giàu nghèo,...
Từng có Extracurricular khiến khán giả sốc nặng với câu chuyện mại dâm ở tuổi vị thành niên, D.P. bóc trần những sự thật nhức nhối sâu trong quân ngũ. Tất cả đều có điểm chung là khai thác những mặt trái của xã hội bên cạnh những chuyện tình yêu hồng phấn đẹp đẽ thường thấy trong phim Hàn.
Giảm yếu tố "chơi game" để cài cắm vấn đề tiềm ẩn về xã hội Hàn Quốc
Dù chuyện tình trong các phim drama đình đám có thơ, có đẹp đến mấy nhưng Hàn Quốc thực chất vẫn là một quốc gia tư bản với nhiều vấn đề chính trị, xã hội nhức nhối. Trong xã hội ấy, dường như có sự phân biệt giai cấp rõ rệt, chỉ tồn tại khái niệm người nhiều tiền và người không có tiền. Ngay cả người có học thức, đôi khi cũng gục ngã trước đồng tiền.
Điển hình như người chơi số 218 - Cho Sang Woo là nhân vật thể hiện rõ nhất việc người càng giỏi càng phải chịu nhiều áp lực. Từng là thần đồng của xóm Ssangmundong, đậu Khoa Kinh doanh trường Đại học Seoul, anh chàng là hy vọng của mẹ, là niềm tự hào của cả xóm. Khi làm ăn thua lỗ, nợ hàng tỷ won, Sang Woo vẫn không dám nói với mọi người để nhận được sự cảm thông, giúp đỡ mà chỉ lừa dối rằng đang đi công tác nước ngoài, để giữ lại chút sĩ diện cho bản thân mình.
Không chỉ người tài ba sa cơ lỡ vận, người thất bại trong cuộc sống còn sĩ diện hơn. Người chơi số 456 - Gi Hun, dù rất ăn bám, lêu lổng, cờ bạc nhưng vẫn tin rằng bản thân mình đang làm đúng, mong đổi đời bằng những trò may rủi. Cho tới gần cuối bộ phim, khán giả vẫn thấy nhân vật này vô cùng vô tư và có phần khoe khoang. Đến khi phát hiện mẹ bị bệnh cần phải phẫu thuật, Gi Hun thảm đến mức phải đến nhà vợ cũ nhờ giúp đỡ. Nhưng khi được cho tiền, vì đụng đến lòng kiêu hãnh của một người đàn ông, Gi Hun ném trả vì sĩ diện.
Những lời nói cuối cùng của trùm cuối với Gi Hun cũng khiến người xem suy ngẫm nhiều về sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội này: "Người không có tiền và người có quá nhiều tiền giống nhau ở điểm họ đều không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống". Trong khi người nghèo tìm cách giẫm đạp lên nhau để giành giật niềm vui từ phần thưởng khổng lồ, thì những người giàu lại xem việc chứng kiến sự giết chóc tàn bạo là thú vui. Suy cho cùng, theo cách này hay cách khác, tầng lớp nghèo khổ chỉ đang phục vụ cho những người có tiền.
Không chỉ có sự phân chia giàu nghèo, các vấn đề chính trị nhạy cảm cũng được phơi bày, nổi bật nhất là việc Bắc Nam chia cắt. Những người ở Bắc Triều Tiên cố gắng tìm đường vượt biên đến Nam Triều Tiên để mong hy vọng cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp hơn như Sae Byeok. Nhưng cuối cùng, ở nơi tưởng như lý tưởng, Sae Byeok cũng bị biến thành nạn nhân và tội đồ trong địa ngục tư bản: vừa bị lừa tiền, vừa đi cướp tiền người khác.
Những tiêu cực trong xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc cũng được thể hiện qua nhân vật Ali. Ali là nhân vật đại diện cho những người con xa xứ, chấp nhận rời bỏ quê hương, tìm đến một "miền đất hứa" với hy vọng đổi đời. Nhưng họ không ngờ rằng đó là nơi mà tư bản sẵn sàng ăn chặn, đứng ra cướp hết công bằng và tài sản của người lao động.
Không chỉ lồng ghép các yếu tố tiềm ẩn vào nhân vật, Squid Game còn phản ánh một xã hội tàn nhẫn qua loạt thoại gai góc. Cuộc trò chuyện tưởng chừng như đang trêu đùa của những con người ở lớp đáy xã hội nhưng lại phản ánh một thực tại đáng sợ: cuộc sống thực tế bên ngoài là địa ngục còn tàn khốc hơn cả những trò chơi chết chóc.
Khác với những bộ phim sinh tồn một khi đã bước vào game là sẽ chơi đến cuối cùng, Squid Game kết thúc trò chơi chết chóc đầu tiên và thả người chơi trở về đời thực ở tập 2. Đặt trước tình huống ở đâu cũng phải vật lộn để tồn tại, những kẻ muốn chơi tiếp vẫn quyết định bán mạng mình. Vì họ biết ít nhất tại nơi đây, họ còn có cơ hội đổi đời hơn thực tại, dù ở đâu, họ cũng là nô lệ của đồng tiền và phải trả giá bằng chính cơ thể, máu và nước mắt của mình.
Squid Game: Thành công đến từ những yếu tố sinh tồn "rất Hàn Quốc"
Có thể nói, Squid Game là một dự án vô cùng mạo hiểm với các nhà làm phim Hàn Quốc. Điều này thể hiện qua việc kịch bản được xây dựng một cách hài hước nhưng sắc sảo, đề cập đến những chủ đề được cho là cấm kỵ, nhạy cảm, đen tối của xã hội Hàn.
Nếu đa số các phim sinh tồn nổi tiếng trên thế giới đều khá kén người xem vì những trò chơi quá bạo lực và khó hiểu, buộc người xem phải tư duy logic nhiều, thì Squid Game lại hướng đến khán giả đại chúng với những trò chơi tuổi thơ thân thuộc, dễ hiểu. Các trò chơi trong Squid Game không quá phức tạp, mà tập trung vào yếu tố con người trong mỗi trò chơi.
Có thể thấy, nguồn cơn bắt nguồn cho mọi bi kịch từ trước đến nay trong phim Hàn, không gì khác ngoài sự chênh lệch giàu nghèo, phân biệt giai cấp trong xã hội. Để từ không có tiền trở thành có nhiều tiền, người nghèo phải trải qua nhiều biến cố, cám dỗ. Squid Game đem lại nhiều hơn là một bộ phim sinh tồn đơn thuần, phải chăng đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã "cố tình" tạo nên một dòng phim sinh tồn mới, một dòng phim sinh tồn rất "Hàn Quốc"?
Trong những bước đầu chập chững thử sức với dòng phim mới, xâm nhập vào thị trường phim quốc tế, Squid Game đã chứng minh được sức hấp dẫn và thực lực của mình khi bộ phim đã thu về vô số "quả ngọt". Squid Game vẫn giữ được bản sắc riêng của phim Hàn: tính nhân văn trong từng tác phẩm.
Tuy nhiên liệu đây có phải là con dao hai lưỡi, vừa là điểm mạnh cũng vừa là điểm kìm hãm "chất sinh tồn" của Squid Game?
Về bản chất, Squid Game vẫn mang hơi hướng melodrama quen thuộc - thế mạnh của phim Hàn Quốc. Các phim sinh tồn như Escape Room của Mỹ hay As The Gods Will của Nhật Bản tập trung vào các trò chơi trí tuệ, sự trừng phạt tàn bạo cho những kẻ thua cuộc thì Squid Game lại khai thác về những câu chuyện ngoài lề, tiền đề tạo nên hoàn cảnh của nhân vật. "Background" các nhân vật trong phim được xây dựng một cách quen thuộc: ai cũng là người tốt nhưng vì cuộc sống, dòng đời đưa đẩy khiến họ dần bị tha hóa.
Chập chững dấn thân vào dòng phim này, nhưng Squid Game là minh chứng cho cách khai thác phim tiềm năng trên đường đua dài hơi với các đối thủ khác cùng thể loại. Bởi lẽ những yếu tố kỹ xảo, trò chơi,... có thể được trau dồi, nâng cấp hơn qua từng ngày, nhưng để cài cắm thông điệp nhân văn vào các tình tiết phim một cách tinh tế như vậy thì không phải bộ phim máu me nào cũng làm được.
Hơn cả, Squid Game cũng có một điểm riêng rất khác biệt so với những người anh em cùng thể loại khi có sự xuất hiện của nhân vật cảnh sát. Nếu các tác phẩm khác chỉ tập trung vào câu chuyện giữa hai phe người chơi và người tạo ra trò chơi thì phim Hàn Quốc lại có thêm bên thứ ba: nhân vật đại diện cho công lý. Nhân vật cảnh sát trong phim là tuyến nhân vật mới lạ hoàn toàn. Sự tồn tại của nhân vật cảnh sát như một tia hy vọng bừng sáng, giữa những tiêu cực, bất công của xã hội vẫn có sự xuất hiện của công lý.
Tuy nhiên, chính điều này đã vô tình làm mất đi nhịp phim gay cấn vốn có của thể loại sinh tồn? Khán giả xem phim sinh tồn sẽ kì vọng vào các thử thách và độ chịu chơi hơn là câu chuyện lan man, dài dòng về tình cảm, tâm lý diễn viên. Vì vậy, mạch phim Squid Game càng về cuối càng bị đuối dù đã có mở đầu khá thu hút.
Nếu các nhà làm phim có thể trung hòa giữa yếu tố sinh tồn và yếu tố nhân văn trong phim thì có lẽ mạch phim sẽ ổn định, cuốn hút hơn. Dẫu vậy, bộ phim vẫn có một cái kết khá ấn tượng, khiến người xem phải suy nghĩ về niềm tin vào lòng tốt của con người và hứa hẹn cho phần 2 tiềm năng.
Tạm kết
Nhiều "nhà phê bình online" sau khi xem xong 9 tập phim đã vội vã kết luận rằng Squid Game là bộ phim sinh tồn dở nhất. Nhưng nếu nhìn phim dưới góc độ khách quan, đa chiều thì loạt thành tích, kỉ lục của Squid Game chứng minh điều ngược lại. Mặc dù Squid Game là "tấm chiếu mới" của dòng phim sinh tồn nhưng qua những gì mà bộ phim thể hiện, khán giả vẫn nhận thấy được tiềm năng của phim ảnh Hàn Quốc ở thể loại này.
Đối với fan phim sinh tồn, có lẽ Squid Game vẫn chưa "đủ đô" với những trò chơi trẻ con, đơn giản, thế nhưng chính những trò chơi này lại giúp Hàn Quốc lan truyền nền văn hoá của nước nhà một cách thoải mái, không hề gượng ép. Với đặc trưng của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc - hướng đến những sản phẩm mang tính đại chúng như "nhóm nhạc quốc dân", "diễn viên quốc dân" thì giờ đây, các nhà làm phim cũng cố gắng tạo ra những "bộ phim quốc dân". Không thể phủ nhận, Hàn Quốc đang thành công với hướng đi đó.
Khi Kpop đang dần chinh phục thế giới thì danh tiếng của phim ảnh Hàn Quốc cũng đang vươn ra toàn cầu với những bộ phim có cách tiếp cận độc đáo. Họ bắt đầu lên đường Mỹ tiến, để Netflix đầu tư, tham gia vào thể loại phim sinh tồn, đi theo hướng "dark"… nhưng vẫn giữ được cốt lõi, bản chất riêng, không bị pha lẫn của phim Hàn. Với sự nỗ lực của các nhà làm phim Hàn Quốc, khán giả hoàn toàn có thể yên tâm mong chờ vào sự phát triển và hoàn thiện dần qua từng dự án.
Cùng CineON "Renew Your View" trong từng bộ phim đình đám. Mỗi tác phẩm lại ẩn chứa những tình tiết, thông điệp và câu chuyện riêng mà biết đâu bạn đã bỏ lỡ? Tuyến bài Renew Your View sẽ mang đến cho độc giả loạt phát hiện, khám phá thú vị về những bộ phim đã trở nên quen thuộc nhưng còn ẩn chứa điều mới lạ trên màn ảnh Việt Nam và thế giới.
Nguồn: TH&PL