Đáp án đề thi môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2022 từ thầy Phạm Minh Nhật

Thầy Phạm Minh Nhật đã chia sẻ đáp án đề thi môn Ngữ văn sơ lược cho sĩ tử 2k4 trên trang facebook chính thức của mình.

Ngày thi đầu tiên trong kì thi THPT Quốc gia 2022 đã chính thức diễn ra. Sáng ngày 7/7, với môn thi Ngữ văn, các sĩ tử đã gặp Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu trong phần làm văn. Đề thi được đánh giá là có nhiều đổi mới ở phần đọc hiểu và không làm khó các thí sinh quá nhiều khi chọn văn xuôi để ra đề.

Ngay sau khi kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, thầy Phạm Minh Nhật - một trong những giáo viên ôn luyện thi Văn Đại học đình đám tại Hà Nội đã chia sẻ đáp án ban đầu cho đề thi này. 

dap an de thi mon ngu van thpt quoc gia 2022 tu thay pham minh nhat - anh 0
Tác phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa được cho ra trong bài thi THPT Quốc gia 2022 môn Ngữ Văn
dap an de thi mon ngu van thpt quoc gia 2022 tu thay pham minh nhat - anh 0
Thầy Phạm Minh Nhật đã chia sẻ đáp án ban đầu cho đề thi Ngữ văn cùng các sĩ tử 2k4

Đáp án đề thi môn Ngữ Văn của thầy Phạm Minh Nhật như sau:

Đọc hiểu: 

Câu 1: Thể thơ của đoạn trích: tự do

Câu 2: Những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ đã cho: "trong", "tinh khiết", "khoẻ", "mơn mởn".

Câu 3: Biện pháp tu từ so sánh "tuổi trẻ như sao trời mát mắt" và "cháy bùng như ngọn lửa thiêng liêng" có tác dụng nhấn mạnh sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao cống hiến cho tổ quốc, hơn hết là sự trong trẻo và tinh khiết của tuổi trẻ. Bên cạnh đó biện pháp tu từ so sánh còn làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho câu thơ.

Câu 4: nhận xét tuỳ vào cảm nhận của mỗi học sinh, có thể nêu các ý như:

- Tinh thần bất khuất: dẫu có hy sinh thì sẽ mãi như những vì sao sáng trên bầu trời, luôn toả sáng và mãi luôn tươi đẹp

- Là tấm gương cho các thế hệ mai sau

- Sự hy sinh tuổi trẻ của những người trẻ tuổi trong đoạn trích chính là lẽ sống cho thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai

Phần Nghị luận Xã hội:

Giải thích thế nào là tuổi trẻ?

+ Tuổi trẻ là lứa tuổi đẹp nhất của đời người là những chủ nhân tương lai của đất nước, là động lực giúp cho xã hội phát triển.

=> trách nhiệm của tuổi trẻ là trách nhiệm tiếp nối những truyền thống tốt đẹp, những giá trị vật chất tinh thần của thế hệ đi trước.

Bàn luận:

- Biểu hiện của trách nhiệm thế trẻ:

+ sống có lí tưởng, có ước mơ

+ tự chịu trách nhiệm với hành động, lời nói, suy nghĩ của chính mình

+ nỗ lực học hỏi, mở mang kiến thức, chuẩn bị hành trang tốt cho chính bản thân mình

+ bảo vệ Tổ quốc

- Trách nhiệm thế hệ trẻ có vai trò ra sao?

+ Người sống có trách nhiệm với tổ quốc sẽ là người có tình yêu thương, tính tự giác cao, từ đó làm cho cuộc sống của mình ngày càng phát triển theo hướng tốt hơn.

+ Sự tiếp nối thế hệ trước đã giúp giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kì hội nhập " hoà nhập nhưng không hoà tan"

+ Sự cống hiến của các bạn là khẳng định tên tuổi của VN trên thế giới, góp phần xây dựng đất nước trong thời bình được tiến bộ phát triển hơn.

Dẫn chứng: bằng sự nỗ lực và cố gắng không ngừng, hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên đã mang nụ cười và tiếng nói Việt Nam ra đấu trường quốc tế và đã làm nên lịch sử khi mang về cho Việt Nam chiếc vương miện Miss Grand đầu tiên sau 8 năm.

Phản đề:

Lên án một bộ phận thế hệ trẻ sống thiếu trách nhiệm, không có lí tưởng, hoài bão tiếp nối các thế hệ trước. Họ sống ỷ lại, không nỗ lực vươn lên, phát triển bản thân và đất nước.

Phần Nghị luận Văn học:

Nguyễn Minh Châu là một người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật, tha thiết kiếm tìm "hạt ngọc ẩn giấu trong chiều sâu tâm hồn con người". Trước năm 1975, Nguyễn Minh Châu được biết với những tác phẩm đậm chất sử thi như: "Cửa sông", "Miền cháy", "Dấu chân người lính". Thế nhưng, sau 1975, chính Nguyễn Minh Châu lại là người đi đầu trong công cuộc đổi mới văn học. "Chiếc thuyền ngoài xa" được in năm 1983 là một bước dài đáng trân trọng trong hành trình khám phá vào tầng chìm, vào chiều sâu của cuộc sống và con người của văn xuôi Nguyễn Minh Châu.

Bén duyên với nghiệp cầm bút từ năm 1960, tác giả đã đóng góp một lượng truyện ngắn không hề nhỏ cho văn đàn dân tộc, tác phẩm của ông có nhiều giá trị nghiên cứu và làm cho kho tàng văn học nước nhà trở nên phong phú vô cùng.

Thật hiếm thấy một nhà văn nào như Nguyễn Minh Châu, ông cả đời chỉ viết về nhân vật trong thời kỳ chiến tranh và đi tìm những vẻ đẹp cất giấu bên trong nội tâm của con người. Ngòi bút và cái nhìn của tác giả có nhiều mới mẻ, để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Với hai chặng đường sáng tác ở hai giai đoạn văn học trước và sau 1975, Nguyễn Minh Châu có những đóng góp to lớn cho nền văn học hiện đại. Các tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trước 1975 khá tiêu biểu cho thành tựu, đặc điểm và giới hạn của nền văn học sử thi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, sau 1975 Nguyễn Minh Châu là một trong những "người mở đường tinh anh và tài năng nhất" (Nguyên Ngọc) của công cuộc đổi mới văn học.

Ở Nguyễn Minh Châu, sự đổi mới mạnh mẽ trong ý thức nghệ thuật luôn đi liền với những tìm tòi đổi mới trong sáng tác của nhà văn. Người đi tiên phong ấy không tránh khỏi những khó khăn nguy hiểm, thiệt thòi và sự đơn độc trong những bước khởi đầu của hành trình tìm kiếm mở đường. Điều quan trọng là Nguyễn Minh Châu "với sự dũng cảm rất điềm đạm" (Vương Trí Nhàn) đã kiên trì dẫn bước trên con đường đã chọn của mình. Và ông xứng đáng là "người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ sau này". (Nguyễn Khải).

Những đóng góp của Nguyễn Minh Châu trong vai trò người mở đường cho công cuộc đổi mới văn học được thể hiện chủ yếu ở các phương diện sau:

- Đổi mới ý thức nghệ thuật

- Mở rộng quan niệm về hiện thực và mối quan hệ giữa văn học với đời sống

- Ý thức cao độ về bản lĩnh và trách nhiệm của nhà văn, về tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.

- Đổi mới cách nhìn và sự khám phá, thể hiện về con người.

- Những tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật tự sự.

Là một nhà văn luôn đau đáu về số phận con người sứ mệnh của người nghệ sĩ, ông tâm sự rằng: "Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống."

Nguyễn Minh Châu còn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của những người cầm bút: "Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: Để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đoạ đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời, để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực." Đích đến cuối cùng của tác giả và tác phẩm luôn là con người, đặc biệt là những mảnh đời cơ cực đau khổ. "Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người."

Sự tự nhận thức đầu tiên có lẽ bắt nguồn từ anh chàng nhiếp ảnh gia tên Phùng. Anh được cấp trên giao cho nhiệm vụ chụp ảnh cảnh biển vào buổi sớm, thực chất chính tác giả Nguyễn Minh Châu cũng là một người con của miền biển nên câu chuyện của ông được kể và miêu tả khá sinh động, chi tiết và có phần mặn mòi. Hiện thực của "Chiếc thuyền ngoài xa" không phải bức tranh hoành tráng của mảnh đất chiến trường xưa ghi lại tội ác kẻ thù cũng như bao chiến công lừng lẫy từng đi vào lịch sử.

Sau bao nhiêu ngày trở về chiến trường xưa, lang thang ở bãi xe tăng hỏng, Phùng đã phát hiện ra vẻ đẹp của bức tranh thời cổ mà anh chụp được, đó chính là hình ảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang được tưới thẫm lên bằng màu của sương khói. Đó là một bức ảnh "đắt" như được ông trời ban cho vậy. Bức ảnh mang nét tráng lệ thời cổ "bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào màu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mũi khum khum". Toàn bộ khung cảnh "từ đường nét cho đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản mà toàn bích".

Đứng trước một sản phẩm nghệ thuật tuyệt tác của hóa công, người nghệ sĩ trở nên bối rối, và "trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào". Bức ảnh đã khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ rung động, cảm xúc thẩm mỹ đang cháy lên trong lòng anh. Chưa hết, trong giây lát, người nghệ sĩ còn "Khám phá thấy cái chân lí cựa toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn". Nguyễn Tuân đã từng nói "Cái đẹp cảm hóa lòng người" và cũng không phải ngẫu nhiên, ông được mệnh danh là một người cả đời đi tìm cái đẹp. Nói cách khác, trong một khoảnh khắc của cuộc sống, anh đã cảm thấy cái chân, cái thiện của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ như được gột rửa, trong trẻo, tinh khôi. Phùng bấm liên thanh một hồi hết một phần tư cuốn phim để có thể thu lại khoảnh khắc tuyệt đỉnh của chiếc thuyền ngoài xa.

"Mâu thuẫn được đẩy lên rõ nét khi người đàn bà kia bị đánh mà không hề chạy trốn, cũng không kêu van nửa lời. Đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái bạt tai ngã dúi xuống cát. Ta nhận thấy đứa con trong gia đình này được miêu tả chẳng khác nào một viên đạn, nó đập vào hình ảnh của người cha và đâm xuyên qua trái tim của người mẹ. Ta đã nhận ra khoảng lặng của tác phẩm khi thấy sự trăn trở của người nghệ sĩ. Có lẽ ít ai hình dung và tưởng tượng được rằng không hiểu sao cảnh tượng phũ phàng ấy lại xảy ra khi con người ta đang xây dựng cuộc sống mới trong thời đại mới, thời đại mà Tố Hữu đã từng viết: "Người yêu người, sống để yêu nhau"

Nhiếp ảnh gia Phùng kinh ngạc đến thẫn thờ "Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức trong mấy phút đầu tối cứ đứng há mồm ra mà nhìn". Người nghệ sĩ như chết lặng. Những điều bất công xảy ra trước mắt người chiến sĩ từng chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng con người đã bùng lên một cơn giận dữ. Bản thân anh nghĩ về người đàn ông kia là một kẻ độc ác, tàn nhẫn nhất thế gian, còn người đàn bà kia là nạn nhân đáng thương nhất trong nạn bạo hành gia đình. Sở dĩ Phùng trở nên như vậy là vì anh không thể ngờ rằng đằng sau cái vẻ đẹp diệu kì của tạo hóa kia lại có cái ác, cái xấu đến mức không thể tin được. Vừa mới lúc trước, anh còn cảm thấy "bản thân cái đẹp chính là đạo đức", là cái "toàn thiện" của cuộc đời. Phùng xót xa khi nhận thấy cái xấu xa, ngang trái, bi kịch trong gia đình người dân chài đã làm cho bức ảnh của anh chụp được như nhuốm màu đau thương ghê sợ! Chao ôi! Nghệ thuật không thể là màn sương mờ ảo màu sữa pha ánh hồng ban mai mà che đi nỗi đau thương ghê rợn, khiếp người kia.

Qua hai phát hiện của Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn người đọc nhận thức mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật không nên chỉ dừng lại ở vẻ đẹp ngoài, nhất là cái tuyệt vời thơ mộng, mà còn phải nhìn vào bề sâu, bề sâu của cuộc đời không hề đơn giản, mà tâm điểm chính là số phận con người đa đoan, với mọi nhọc nhằn và khổ đau, không hiếm những ngang trái bi kịch. Cuộc đời đâu phải chỉ toàn màu hồng, cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều, mà còn chứa đựng nhiều nghịch lí. Cuộc sống luôn luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn giữa đẹp – xấu, thiện –ác, … Vì thế mà nhà văn có dụng ý khi để cảnh tượng "trời cho" hiện ra trước mắt như là vỏ bọc bên ngoài để hòng che giấu bản chất thực của đời sống bên trong. Nhà văn khẳng định: Đừng nhầm lẫn hiện tượng với bản chất, giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong vì không phải bao giờ chúng cũng thống nhất. Đừng vội đánh giá con người, sự vật ở dáng vẻ bên ngoài, phải phát hiện ra bản chất thực sau vẻ đẹp của nó. Bởi xuất phát của văn chương và đích đến của nó là cuộc đời con người. Từ đó ta còn thấy được Nguyễn Minh Châu muốn nhắn gửi đến những người cầm bút viết văn chân chính, nhiệm vụ của họ là phải kéo nghệ thuật ở ngoài xa kia để nó lại gần hơn với cuộc sống. Và không phải ngẫu nhiên chính ông đã từng nói rằng: "Văn chương và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm, tâm của nó chính là con người"

Trước sau, Nguyễn Minh Châu vẫn là người đi săn tìm cái đẹp, tìm cái hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người. Đó phải chăng là ý nghĩa của những biểu tượng như "mảnh trăng cuối rừng", "chiếc thuyền ngoài xa"? Có sự đổi thay trong cách nhìn của nhà văn bởi thực tế và tâm thế sáng tạo của nhà văn đã khác trước, bởi cuộc sống hòa bình khác với cuộc sống chiến tranh. Bằng thái độ cảm thông và những hiểu biết sâu sắc về con người, kết hợp với điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo, đã diện ông đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về cuộc sống khi đi từ bề nổi đến bề sâu. Nguyễn Minh Châu là một nhà văn luôn hướng về con người và có khả năng giải mã tất cả những gì phức tạp nhất của cuộc đời. Bức tâm thư về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống chính là nhận thức thấm thía nhất: "Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật, và nếu muốn khám phá những bí ẩn đằng sau thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời" (Lê Ngọc Chương)

Ngày thi đầu tiên THPT Quốc gia 2022: Phụ huynh mang cả “quyển kinh bình an” để cầu nguyện

Đội Tiếp sức mùa thi THPT Quốc gia 2022: Người truyền lửa cho thí sinh trước giờ nhập cuộc

Ngày thi đầu tiên THPT Quốc gia 2022: Thí sinh tranh thủ ôn bài ngay trên xe phụ huynh đưa đón

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ