Đào Hải Phong là một trong số ít nghệ sĩ có tranh bị chép nhiều nhất ở Việt Nam. Trong khi những tác phẩm gốc hầu hết lại bán ra nước ngoài.
Tối 29/9, họa sĩ Đào Hải Phong mang gần 60 bức tranh của mình được sáng tác từ năm 2007 đến nay để khai mạc triển lãm Thu Phong tại không gian nghệ thuật đương đại Hakio, TP.HCM.
Kể từ triển lãm Mùa bình yên năm 2000, sau 23 năm Đào Hải Phong mới lại tổ chức triển lãm cá nhân tại TP.HCM. Thu Phong cũng đánh dấu sự trở lại của Đào Hải Phong sau 4 năm kể từ Lối Phong - triển lãm cá nhân của họa sĩ tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Hà Nội. Điều đặc biệt là cả 2 triển lãm cá nhân gần đây của anh đều có tên tác giả - "Phong", như một sự khẳng định dấu ấn cá nhân.
Họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ với VietNamNet: "Sau khai mạc triển lãm tối qua, từ hiệu ứng của khán giả, tôi thấy mình làm triển lãm là hợp lý. Bởi có nhiều người xem tranh giả của mình bây giờ mới được xem tranh thật. Đó là cái hữu ích trước tiên. Có người nói mua đến 3, 4 chục tranh nhái rồi mà giờ mới biết đến tranh thật. Tôi cũng xin lỗi khán giả, nói là lỗi tại tôi vì ít triển lãm trong nước cũng như xuất hiện ở TP.HCM quá".
Ông nói thêm: "Tôi cũng hiểu rằng, hình thức mỹ thuật của tôi đã gây một ấn tượng mạnh nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sở hữu tranh gốc, do đó có thể chép trong trường hợp chọn kích thước nhỏ hơn và ghi chú rõ là tranh chép".
Một số tranh được giới thiệu tại triển lãm "Thu Phong":
Nguồn: TH&PL