Bộn bề của cuộc sống có từng khiến bạn vô thức "lãng quên" đi cha mẹ mình?
Không phải ngẫu nhiên mà hai từ "gia đình" luôn giữ vị trí số một trong tim mỗi người. Được sinh ra trên đời, đối với mỗi người, dường như là một kỳ tích - kỳ tích của mẹ, của cha, kỳ tích về một mối quan hệ ruột thịt không thể chia cắt.
Nhiều người may mắn khi cuộc đời luôn được bao bọc bởi cả cha, cả mẹ, nhưng nhiều người lại thiếu đi tình thương của cha, thậm chí còn chưa kịp một lần nhìn thấy bóng hình cha trên đời.
Nội dung liên quan
Trưởng thành là khi mỗi chúng ta lựa chọn cho mình một cách để "hiểu" cha
Đã bao lần bạn thầm rơi nước mắt khi nghĩ về cha mẹ ở một nơi xa nhà? Đã bao lần bạn muốn nói rằng "con yêu bố nhiều lắm" nhưng chẳng thể thốt ra khỏi miệng? Hay đã bao lần… bạn tự ái, hờn dỗi cha mẹ khi tự cảm thấy mình tủi thân?
Trưởng thành là quá trình chúng ta lớn lên về thể xác và cả về suy nghĩ, tâm hồn. Và rồi, chúng ta lựa chọn cho mình một cách riêng để "hiểu" cha.
Khi lớn rồi, có người nhận ra rằng từ những ngày mình cất tiếng khóc chào đời, cha đã ngày đêm vất vả, mất ăn mất ngủ, chẳng màng nắng mưa mà làm lụng, chỉ lo con sống không đủ. Rồi nhận ra bản thân chưa bao giờ hỏi thăm cha được một lời, thấy tội lỗi khi tuổi trẻ còn muốn rong chơi, để đến ngày cha đã bạc mái tóc mà mình vẫn chưa đạt được những gì cha mong đợi.
Có những người thì từng ước gì mình lớn lên trong một mái ấm thật bình thường, có cả cha lẫn mẹ quan tâm với thật nhiều tình thương, chứ không phải là cha mẹ ly dị, mỗi người một nơi. Nhưng trưởng thành khiến họ hiểu được lý do cha chọn "bỏ" họ lại, cũng hiểu rằng cha có cảm thấy tội lỗi. Vì chính bản thân họ đôi lúc cũng mắc những sai lầm mà phải trả giá bằng giấc ngủ những đêm dài.
Nhưng cuộc sống có rất nhiều chuyện chúng ta chẳng thể làm gì khác. Vì đơn giản mỗi người có một lựa chọn khác nhau, nên họ lựa chọn tôn trọng mọi sự cứng rắn của cha lẫn mẹ. Bởi có lẽ gia đình hiện tại của cha đã là một lựa chọn đúng đắn.
Một vài người khác thì từng "ghét" cha của mình, vì cha ra đi quá sớm, không kịp bảo vệ họ trước những phán xét của người đời. Nhưng trưởng thành là khi họ lựa chọn thương lại người cha nơi chín suối, chọn nghĩ về ba và cố gắng trưởng thành, làm một người lương thiện.
Trưởng thành dường như không còn là quá trình chúng ta phấn đấu cho riêng mình nữa, chúng ta còn phấn đấu vì cha mẹ, vì anh em, vì những người ruột thịt. Suy cho cùng, vẫn là cố gắng để mình, để cha mẹ có cuộc sống tốt hơn.
Mỗi người đều có hình ảnh riêng về cha mẹ trong tim mình.
Khi nhắc về cha mẹ, hình ảnh nào lập tức hiện lên trong đầu bạn?
Trong quãng thời gian làm sinh viên ở một thành phố xa quê, nhiều người chẳng thể quên được hình ảnh bố mẹ tháng nào cũng hỏi han xem con cái muốn ăn gì hay còn gì thiếu để bố mẹ gửi lên. Hay vào những ngày tháng bị "nuốt chửng" bởi dịch bệnh, hình ảnh phụ huynh sốt sắng gửi thực phẩm "tiếp tế" cho con cái mới thật đậm tình thân và thương làm sao.
Hay có lẽ nhiều bạn sinh viên cũng sẽ giống bạn Hoàn, sinh viên năm cuối trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, yêu da diết mỗi lần từ trường về quê, luôn muốn được bố mẹ ra bến xe đón. Ngồi trên yên sau chiếc xe máy cha đèo cảm giác khác hoàn toàn với việc đi xe ôm công nghệ.
Bởi vì là cha, vì gặp được cha mà chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm "Về đến nhà rồi". Cũng vì thế mà người ta vẫn nói: "Dù là ở đâu, chỉ cần có người nhà thì ở đó chính là nhà".
Và cũng có những người thiếu may mắn khi thiếu đi hơi ấm của cha, Lục Huy (UNI5) chia sẻ rằng cậu ấy muốn một lần được biết cảm giác đầy đủ cha mẹ. Lục Huy chỉ biết hình ảnh của cha mình qua lời mẹ kể và những bức ảnh còn sót lại. Cảm thấy an ủi phần nào khi bù lại, người thân, ai nấy đều rất thương Lục Huy.
Khoảnh khắc nào khiến bạn nhận ra cha mẹ đã già?
Thời gian như nước chảy, chúng ta ngày càng trưởng thành còn cha mẹ ngày một già đi. Bẵng qua một quãng đường dài, đến khi nhìn lại, thời gian đôi lúc khiến chúng ta giật mình thảng thốt: "Sao cha mẹ đã ngần này tuổi rồi?".
"Vẫn còn nhớ như in cảm giác 'sướng rơn' khi nghe tin chị gái có đứa con đầu lòng, vậy mà năm sau, người cháu ruột ấy đã thi lên lớp 10 rồi, bố mẹ mình rõ ràng vẫn còn trẻ cơ mà…" - bạn My Lâm, sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQG Hà Nội chia sẻ.
"Lâu lâu mới về nhà, chợt nhận ra tóc mẹ đã bạc cả nửa đầu rồi" - có biết bao người lại cùng có một cảm nhận này. Tâm sự của Thắm, cũng là sinh viên năm cuối đại học ở Hà Nội, quê bạn ở rất xa vì thế mà một năm có thể về nhà ba, bốn lần đã là nhiều.
Cùng hoàn cảnh xa cách gia đình, bạn Phương, sinh viên năm cuối có quê ở Bắc Giang nhưng học đại học ở Đà Nẵng, chia sẻ rằng dù mỗi lần về nhà đều không thích nghe bố mẹ cằn nhằn nhưng vẫn kịp nhận thấy giờ đây, nếp nhăn trên mắt đã xuất hiện khi bố mẹ cười...
Hay khi được bố đèo trên chiếc xe máy cũ, nhìn tay bố, Hoàn không biết từ khi nào mà bàn tay bố đã chai sạn đến thế. Hình như là hệ quả của những năm tháng dãi dầm nắng mưa, gồng gánh trên vai "nhiệm vụ" nuôi mình tốt nhất?
Trân trọng quãng thời gian với cha mẹ khi còn có thể
"Chúng ta thường hay coi trọng những thứ xung quanh, và thường mơ ước đến những thứ không thể với tới được nhưng lại không quan tâm đến những điều gần gũi nhất!", dòng trạng thái mới được K.O (UNI5) chia sẻ trên Facebook.
Chúng ta thường nói bản thân coi trọng gia đình nhưng lại chẳng dành nhiều thời gian cho gia đình, vì bận bươn chải, bận lao ra ngoài đời, bận phát triển bản thân. Nhiều khi chúng ta vô thức bị cuốn vào vòng xoáy bộn bề của cuộc sống, vô thức lãng quên rằng vẫn còn cha mẹ đang chờ chúng ta ngoái lại gửi lời thương.
Thực ra, quan tâm bố mẹ không phải là điều gì to tát, có rất nhiều việc làm nhỏ mà vẫn thể hiện được sự tinh tế, chẳng hạn như thường xuyên gọi điện về hỏi thăm bố mẹ, đặc biệt là mùa Covid này, hãy "chăm chỉ" quan tâm tình hình và sức khỏe của bố mẹ. Hay có thể là mua cho bố mẹ những đồ mà bố mẹ thích ăn mỗi dịp về quê, hay thỉnh thoảng nạp tiền điện thoại cho bố mẹ để bố mẹ có thể thoải mái gọi trò chuyện với bạn bè…
"Nếu thực sự muốn thì người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do". Điều thiết thực nhất vẫn luôn là hành động.
Nguồn: TH&PL