Ngày của Bố: "Tôi chợt nhận ra mình cũng từng có bố"

Vào thời khắc mãi mãi không thể gặp lại người đàn ông đầu tiên mình yêu thương trong đời, tôi nghĩ, nhiều người trong chúng tôi sẽ hối hận thật nhiều.

Ngày của Bố đang dần khép lại với những ký ức và câu chuyện đẹp đẽ về đấng sinh thành. Ở khoảnh khắc cuối ngày, chúng tôi muốn gửi đến bạn một câu chuyện được giữ lại đến sau cùng, bởi vì đó là "một nửa đau thương" khác khi ai đó nhắc về gia đình. Nhưng dù những cảm xúc khi nhắc về bố là ngọt ngào, yêu thương, hay giận dữ, hối tiếc, thì tất cả những đứa con đều nên có cùng chung một đích đến: Yêu và được yêu bởi người đã sinh ra mình.

I. 

Năm tôi vừa tròn 20 tuổi, bố mất. Đó là một buổi chiều bình thường như bao buổi chiều khác, khi tôi đang háo hức xếp đồ đầy vali để trở lại trường Đại học sau kỳ nghỉ Tết dài đằng đẵng. Bố gọi một người lạ đến nhà, bán chiếc đàn guitar đã lâu tôi không dùng. Tôi tức tối, lao xuống dưới nhà và gọi mẹ từ chỗ làm về “phân xử”. Như bao cuộc tranh cãi đã lặp đi lặp lại kể từ khi tôi bắt đầu đủ năng lực nhận thức được bố mẹ mình đang to tiếng, cuộc tranh cãi của buổi chiều hôm ấy cũng đi vào ngõ cụt. Tôi buông lại một câu: “Bố ra khỏi nhà đi”. Và bố tôi chỉ nói: “Biết rồi. Sẽ không bao giờ gặp lại nữa đâu”

ngay cua bo toi chot nhan ra minh cung tung co bo - anh 0

Tối hôm ấy, mẹ, tôi đứng trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Bố đã chết não. Nhưng trên khuôn mặt bố, nước mắt cứ chảy dài khi tôi bế em trai mới 5 tuổi đến thăm. Lời xin lỗi tắc nghẹn nơi cổ họng tôi. Tôi muốn nói gì đó, mà không thể. Đêm hôm ấy, tôi trở về nhà, nhắn tin cho một cậu bạn thân, khẽ khàng hỏi trong cảm giác tội lỗi dâng tràn đến tận cổ: “Nếu một người thân cứ làm khổ những người khác hoài, thì có phải họ chết đi là tốt nhất?”. 

II. 

Sáng hôm sau, mẹ tôi từ viện trở về nhà, ôm chầm lấy tôi khóc lên nức nở: “Bố chết rồi con!”. Kể từ khoảnh khắc đó, mọi thứ bắt đầu quay cuồng trong tôi. Chiếc xe cấp cứu chạy vù vào sân nhà, nhiều người xuống, kéo chiếc giường cứu thương vào căn phòng nhỏ trong nhà. Bố tôi nằm bất động, mắt nhắm nghiền. Một y tá khẽ khàng tháo chiếc ống thở oxy khỏi mặt bố, nhiều người xung quanh giường bật khóc. 

Suốt nửa ngày hôm ấy, mẹ con tôi quỳ bên giường. Mẹ tôi nắm chặt tay bố không rời. Em trai tôi thức dậy ngơ ngác, hỏi “Sao nhà mình hôm nay đông thế hả chị?”. Tôi ôm lấy nó, chẳng biết nên giải thích thế nào.

ngay cua bo toi chot nhan ra minh cung tung co bo - anh 0

Những gì diễn ra trong đám tang in đậm trong tâm trí tôi, bám lấy từng giấc ngủ của tôi những ngày sau đó. Mùi hương khói nghi ngút, tiếng tụng kinh Chú Đại Bi văng vẳng. Rất nhiều người đến viếng, nắm lấy tay mẹ con chúng tôi, nói gì đó mà tôi chẳng nghe rõ giữa tiếng kèn trống rình rang. 

Kỳ lạ là tôi không hề rơi một giọt nước mắt suốt hai ngày tang lễ. Dù có người nhéo mạnh vào tay tôi lúc di quan, bảo tôi “Khóc đi, khóc to lên nếu không người ta rèm pha đấy!”. Nhưng tôi tuyệt nhiên không khóc. Có lẽ vì cảm giác tội lỗi, hay vì mọi chuyện xảy ra nhanh đến nỗi, tôi không cảm giác được đây thực sự là mất mát lớn hay chỉ là sự ra đi của một người tôi không muốn gặp lại. 

Sau đám tang, tôi xin nghỉ học, ở nhà thêm nửa tháng. Quãng thời gian đó, từng ngày một, điều duy nhất mẹ tôi lặp đi lặp lại là: “Mày đã làm bố chết”. Chúng tôi cãi nhau mỗi ngày, mẹ tôi la hét, ném đồ đạc, khóc lóc. 

ngay cua bo toi chot nhan ra minh cung tung co bo - anh 0

III. 

Bố đã tự tử. Đó là điều tôi và mẹ không muốn nhìn vào, và không muốn để bất kì ai được biết. Có lẽ cả hai chúng tôi đều cảm thấy cái chết ấy là lỗi tại mình và loay hoay tìm cách đổ lỗi cho người còn lại trong gia đình. 

Bố là một người nghiện thuốc phiện. Phải, là thứ tệ nạn xã hội mà thời bây giờ thì lạ, nhưng trong xóm tôi khi ấy, đầy rẫy những “thằng nghiện” vật vờ, bố là một trong số đó. Bố đã tự tử vì cố tình dùng “thuốc” quá liều, gây chết não. Và mua số “thuốc” ấy bằng chính số tiền cầm cố chiếc đàn guitar của tôi. 

Tôi lớn lên trong những cuộc tranh cãi triền miên không dứt của bố mẹ. Chứng kiến ông bà ngoại đuổi bố ra khỏi nhà, nghe tiếng mẹ khóc hằng đêm, thỉnh thoảng bố sẽ đi đâu đó rất lâu rồi lại trở về nhà. Tôi chẳng bao giờ dám hỏi thẳng bất kì ai về chuyện bố “nghiện”, nhưng tôi ngầm hiểu được qua những lời bàn tán từ đầu đường đến cuối ngõ. Tôi lớn lên trong những tiếng thì thầm của hàng xóm: “Dạo này bố đi đâu rồi có biết không?”, “Khổ thân quá, có thằng bố không ra gì!”… Họ chẹp miệng, tiếc rẻ, bàn tán và tôi cứ thế, lớn lên. 

ngay cua bo toi chot nhan ra minh cung tung co bo - anh 0

IV. 

Tôi trở lại trường sau quãng thời gian chịu tang bố. Tôi cười nói thoả thích, giấu đi chiếc bảng đen “báo tang” phải đeo hết một năm trong balo mỗi lần ra ngoài. Nhưng hằng đêm, tôi lặng lẽ nằm quay mặt vào tường rơi nước mắt, tôi cứ nằm như vậy cả đêm, nếu nhắm mắt ngủ thì sẽ lập tức mơ về đám tang hôm ấy. 

Nhưng lạ kỳ là, một thời gian dài về sau, điều khiến tôi bất giác nhớ rằng “mình từng có bố", lại là những chuyện rất nhỏ nhặt. Mỗi lần nạp thẻ điện thoại, tôi chợt nhớ bố từng gửi mình những chiếc thẻ điện thoại 20 nghìn đồng qua tin nhắn khi tôi đi học xa nhà. Thỉnh thoảng, bố sẽ gọi điện hỏi tôi đang làm gì, còn tôi thì cắm cảu trả lời câu được câu mất rồi tắt máy. Bố giấu mẹ cho tôi vài đồng tiền lẻ, để tôi mua hình dán của thần tượng Hàn Quốc ở tiệm tạp hoá cổng trường. 

Tôi chợt nhớ mình đã từng có lúc rất sợ mất bố. Mỗi lần bố mẹ cãi nhau ngày tôi còn bé, bố sẽ ở lại ăn cơm với tôi rồi mới bỏ đi. Bố chỉ ngồi vậy, không ăn mà nhìn tôi rất lâu, thỉnh thoảng dặn tôi ở nhà phải ngoan, bố đi vài hôm rồi về. Những lúc như thế, tôi sẽ hỏi đi hỏi lại “Bao giờ bố đi?”, rồi mặc cả “Hôm nay đừng đi nhé". Buổi tối, tôi lên giường đi ngủ mà giữa đêm vẫn tỉnh dậy, ngó đầu xuống nhà, lén nhìn xem bố còn nằm ở phòng khách không mới yên tâm. 

ngay cua bo toi chot nhan ra minh cung tung co bo - anh 0

Tôi lớn lên trong những lời đồn đại của hàng xóm, lớn lên trong những trận cãi vã không hồi kết, lớn lên trong cả những lần bố bỏ nhà đi, lớn lên bằng cả hàng trăm nghìn lần vùng vằng nói “Con không cần một người như bố"... nhưng cũng lớn lên, trong tình yêu thương của bố. Thứ mà tôi nhớ nhất, suốt cuộc đời còn lại, không phải chuyện mình có một người bố “nghiện ngập”, một gia đình đầy rẫy những cuộc tranh cãi, mà là chuyện, mình mãi mãi không còn có bố nữa. 

V. 

Tôi từng chứng kiến một người bạn cùng phòng ký túc xá quát “Bố im đi", “Bố không biết gì cả" và bật khóc nức nở. Tôi, khi ấy, chỉ nhẹ nhàng bảo: “Này, đừng nói như vậy nữa. Cậu sẽ hối hận đấy!”. Và thâm tâm tôi chắc chắn, cô ấy sẽ hối hận, như cách tôi đang hối hận trong suốt cuộc đời. Vào thời khắc mãi mãi không thể gặp lại người đàn ông đầu tiên mình yêu thương trong đời, tôi nghĩ, nhiều người trong chúng tôi sẽ hối hận thật nhiều. Vì đã không thể nói với người đàn ông khắc khổ, kiệm lời, và hiền từ ấy những lời tử tế hơn. 

Ngày của Bố năm nay nhắc tôi rằng, tôi không còn có bố nữa. Còn Ngày của Bố những năm trước, lại là ngày chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc trốn tránh vội vã khỏi cảm giác nếu mình yêu thương bố sẽ là một tội lỗi. Nhưng làm gì có đúng - sai với người đã sinh ra mình? Dù họ là một kẻ nghiện ngập, nát rượu, hay xấu xa trong lời nhiều người ngoài kia. 

ngay cua bo toi chot nhan ra minh cung tung co bo - anh 0

Tôi đã có một cuộc đời bất hạnh, không phải vì gia đình tôi thiếu đi kiểu hạnh phúc của một gia đình bình thường, mà bất hạnh vì không đối xử tử tế với người thân của mình khi họ còn sống. Đừng nói “Con Yêu Bố” cùng những hoa quà đắt đỏ vào ngày hôm nay, chỉ thật lòng mong bạn sẽ nói những lời tử tế với Bố, Mẹ và người thân, vào mọi ngày, vào mọi khoảnh khắc bạn còn có thể ở bên họ. 

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ