Netflix sẽ làm gì để cứu vãn tình thế sụt giảm lượt đăng ký trầm trọng thời gian qua?
Netflix vẫn đang quay cuồng với sự sụt giảm cổ phiếu của mình khi lần đầu tiên bị mất đi lượt người đăng ký khủng trong gần một thập kỷ qua (sụt giảm 200.000 người đăng kí trả phí trong quý 1/2022 và dự đoán con số này sẽ gấp 10 lần trong quý 2/2022).
Để thay đổi tình thế, các nhà phân tích đã đề nghị thêm quảng cáo và kiểm soát việc chia sẻ mật khẩu. Tuy nhiên, có một giải pháp khác là Netflix tự giúp mình bằng cách hợp tác với ngành công nghiệp "đối thủ" suốt thời gian qua - rạp chiếu phim. Có vẻ như, triển vọng "lật đổ" nền công nghiệp phim chiếu rạp của Netflix đang ngày càng khó có thể xảy ra, thậm chí đây có thể là "giấc mơ không có thực".
Trước đó, mặc dù Netflix đã phát hành nhiều bộ phim chiếu rạp và thậm chí đã mua một vài rạp chiếu phim để khởi động nhưng hầu hết các bản phim phát hành tại rạp đều bị hạn chế có chủ đích. Bây giờ, khi các dịch vụ phát trực tuyến đang chịu tổn thất nặng nề và các rạp chiếu phim từ từ hồi phục sau đại dịch thì đây chính là thời gian hợp lý để hai bên hợp tác.
Netflix cần nhượng quyền thương mại, rạp chiếu phim cần sản phẩm
Netflix cần nhượng quyền thương mại và rạp chiếu cần phim. Do đó, bằng cách phát hành nhiều phim hơn tại rạp, Netflix có thể mang lại nguồn thu mới từ doanh thu phòng vé, mở rộng thương hiệu đến nhiều khách hàng tiềm năng hơn và giúp cho bộ phim của mình đáng nhớ hơn. Mặc dù là công ty hàng đầu trong việc phát trực tuyến với 221 triệu người đăng ký toàn cầu, giành được nhiều giải Oscar và làm việc với một số tên tuổi lớn nhất ở Hollywood, thế nhưng Netflix không có nhiều bộ phim tạo được hiệu ứng yêu thích từ người xem.
Điển hình như Red Notice (Thông Báo Đỏ) là bộ phim được xem nhiều nhất của nền tảng này từ trước đến nay, với sự tham gia của Dwayne "The Rock" Johnson và Gal Gadot. Đù đạt rating cao nhưng tác phẩm được cho là thất bại trong việc không tạo ra bất kỳ dấu ấn nào trong nền văn hóa giải trí chung. Như vậy có nghĩa rằng các sản phẩm trên Netflix cần một đầu ra để khẳng định chất lượng và tạo ấn tượng trong lòng khán giả.
"Về cơ bản, không thể xây dựng một thương hiệu phim lớn nào mà không cần đến bản phát hành rạp" - Andrew Hare, phó chủ tịch nghiên cứu cấp cao tại Magid chia sẻ với CNN Business. Bàn về việc một công ty mở rộng các dịch vụ của mình, ông nói thêm: "Một số bộ phim cần có không gian rạp để có thể tối ưu trải nghiệm của người xem".
Ở khía cạnh ngược lại, hợp tác tốt với Netflix cũng là ý tưởng hay cho các rạp chiếu phim. "Bây giờ các rạp chiếu phim cần nội dung hơn bao giờ hết" - Jeff Bock, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu giải trí Exhibitor Relations cho biết. Ngoài ra, cả Hiệp hội Các Chủ sở hữu Rạp chiếu Quốc gia cũng cởi mở với ý tưởng này, khi cho rằng: "Rất nhiều bản phát hành Netflix có tên tuổi lớn kèm theo, vì vậy điều này chắc chắn sẽ đưa họ qua các cửa kiểm duyệt và dễ tiếp cận khách hàng hơn".
John Fithian, Giám đốc điều hành của NATO chia sẻ vài tháng trước: "Cánh cửa của chúng tôi luôn rộng mở để sẵn sàng phát hành các bộ phim của Netflix. Chúng tôi rất quan tâm đến các dự án điện ảnh nền tảng này".
Cái "KHÓ" của Netflix là...?
Một trong những rào cản lớn nhất đối với Netflix và các rạp chiếu phim là cả hai bên đã nhiều lần tranh cãi về việc một bộ phim nên ra rạp trong bao lâu. Hoạt động kinh doanh của Netflix dựa trên việc đăng ký, vì vậy họ không muốn người dùng chờ đợi phim, trong khi các chủ rạp chiếu phim muốn độc quyền càng lâu càng tốt.
Cuộc tranh luận này đã gây sốt vào năm 2019 khi hai bên không thể thống nhất về thời gian The Irishman - phim kịch tính - tội phạm của Martin Scorsese - nên ra rạp trước khi đến với nền tảng phát trực tuyến bao lâu. Theo New York Times, các rạp chiếu phim muốn có chính sách độc quyền trong 70 ngày, còn Netflix lại muốn con số ấy không vượt quá 45 ngày.
Tuy nhiên đại dịch đã thay đổi mọi thứ, ngành công nghiệp rạp chiếu phim thuộc phân khúc bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Do đó, ngay cả các hãng phim truyền thống như Warner Bros và Universal Pictures hiện đang phải phát hành các bộ phim chiếu rạp trên nền tảng phát trực tuyến chỉ sau vài tuần hoặc thậm chí cùng một thời gian phim đang chiếu rạp.
Bên cạnh đó, việc đưa nhiều phim ra rạp hơn có thể làm tổn hại chính mô hình của Netflix. Giả sử rằng bạn có thể đi xem một bộ phim Netflix mà bạn rất yêu thích ngay ngoài rạp thì bạn có cần phải chờ và bỏ tiền đăng ký tài khoản không?
Tóm lại, có những ưu và nhược điểm mà Netflix cần suy xét kỹ lưỡng trong việc hợp tác với các rạp chiếu phim. Tuy nhiên, đã đến lúc công ty cần phải điều chỉnh hướng phát triển của mình trong khi các rạp chiếu đang dần hồi phục bình thường."Tôi nghĩ Netflix tiếp tục ở chế độ thử nghiệm. Bây giờ nếu không thử nghiệm thì tương lai nào dành cho Netflix ở phía trước?" - Andrew Hare cho biết.
Nguồn: TH&PL