Những món ăn đặc sản trên cả nước mà chắc chắn các bạn phải đi ăn ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định.
Cùng điểm qua loạt món ăn đặc sản của Việt Nam trong chương trình Thực khách vui vẻ nhé!
Bún đậu mắm tôm
Đây là một món ăn đặc sản ở miền Bắc mà hầu như giới trẻ hiện nay cực kỳ yêu thích. Dù là món ăn miền Bắc nhưng hiện tại ở Sài Gòn không khó để có thể tìm được một quán bún đậu ngon. Huỳnh Lập cùng Lâm Vỹ Dạ đã đến ngay quán bún đậu của Mạc Văn Khoa.
Món ăn bao gồm bún ép, thịt luộc, đậu phụ rang, chả cốm cùng một chén mắm tôm mà mỗi người có thể pha theo khẩu vị của mình. Đây cũng là món ăn khiến các bạn trẻ mong muốn được ăn lại ngay sau khi hết dịch.
Bánh khoái
Bánh khoái là món bánh chiên đặc sản của Cố đô Huế. Với vẻ ngoài khá giống với bánh xèo với nhân bánh gồm có tôm, giò sống, trứng gà, thịt ba chỉ nhưng đặc biệt là nước chấm được làm từ hơn 10 gia vị: tương đậu nành, đậu phộng, mè, gan, thịt heo, nước ruốc…tạo nên loại nước chấm sền sệt mà thực khách khi đến với Huế đều không khỏi xuýt xoa.
Huỳnh Lập và Lâm Vỹ Dạ tấm tắc khen ngợi bởi độ giòn của bánh cùng loại nước đấm đặc biệt. Nếu ai chưa từng ăn qua loại bánh này thì hết dịch nhất định phải đi ăn thử nha.
Bún kèn
Bún kèn là món ăn đặc sản tại Châu Đốc - An Giang. Bún kèn thực chất là từ vay mượn của người Khmer, "kèn" ở đây ám chỉ những món ăn được nấu từ nước cốt dừa. Món ăn là sự giao hoà giữa vị ngọt tự nhiên của cá đồng cùng với cái béo ngậy trong nước dùng nấu từ nước dừa.
Cả nhóm thực khách đã có cơ hội thưởng thức và không ngớt lời khen dành cho món ăn này. Nếu có dịp về Châu Đốc - An Giang chắc chắn các bạn phải thử món ăn này nhé.
Bún quậy
Bún quậy là một món ăn có nguồn gốc từ món bún tôm Bình Định, nhưng sau khi theo chân người dân miền Trung đến đảo Phú Quốc, nó đã được biến tấu đi từ khâu nguyên liệu, khâu chế biến đến khâu thưởng thức và trở thành đặc sản ở đây.
Cái tên gọi nghe lạ lạ, vui vui tai này thực ra lại rất hợp lý. Bởi phần chả - thứ đặc biệt của một tô bún quậy, được làm từ tôm hoặc cá tươi xay nhuyễn, chan với nước dùng nóng hổi. Khi ăn, khách phải quậy đều lên để tôm, cá chín và nước dùng đều vị, thanh thanh ngọt ngọt.
Huỳnh Lập, Puka và Trà Ngọc đã được thưởng thức món ăn độc đáo này. Còn bạn nếu vẫn chưa trải nghiệm món ăn này thì khi hết dịch hãy rủ bạn bè mình cùng đi nhé.
Bánh khọt
Đây là một món bánh mà chắc hẳn ai đến Vũng Tàu cũng đều ăn loại bánh này. theo lời những người lâu năm hành nghề làm bánh khọt, loại bánh này có nguồn gốc từ bánh căn của vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, Thanh Hoá.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo nguyên chất. Người ta có thể pha thêm một ít bột nghệ để bánh có màu vàng bắt mắt. Nhân bánh khá đa dạng, có thể là sò điệp, tôm tươi, thịt bằm, chả cá,…thêm một ít mỡ hành hay chút ruốc, ăn kèm với các loại rau sống như: cải xanh, xà lách, tía tô, diếp cá, rau thơm, đu đủ thái sợi,…
Các tín đồ "Vũng Tàu" cũng sẽ có cảm nghĩ như Lâm Vỹ Dạ và Huỳnh Lập cứ mỗi lần đến đây lại thèm bánh khọt. Chắc hẳn khi hết dịch là phải đi ngay đến Vũng Tàu để thưởng thức món ngon đặc sắc này.
Nguồn: TH&PL