Chủ nhân DirtyCoins: Mình cạo đầu, xăm liên tiếp 20 hình và bán tiêu sản vì…

Từ những "đồng tiền xương máu" của màn khởi nghiệp thất bại với The Yars Shop - thương hiệu tiền thân của DirtyCoins, founder sinh năm 1996, Khoa Sen đã bắt đầu xây dựng nên cả một nền văn hóa rất riêng.

Chủ nhân DirtyCoins: Mình cạo đầu, xăm liên tiếp 20 hình và bán tiêu sản vì…

Không dừng lại ở một thương hiệu thời trang mạnh mẽ, táo bạo và đang được ưa chuộng rộng rãi trong cộng đồng yêu thích Streetwear, DirtyCoins đã thực sự mở ra một "thời kỳ mới" của local brand - nơi một thương hiệu được làm nên bởi người trẻ đã không còn "núp" trong những căn chung cư bé xíu, "chen chúc" nhau trên một mặt bằng kinh doanh nhỏ hẹp hay xuất hiện thưa thớt ở chợ phiên mỗi dịp cuối tuần.

  "Đây là buổi phỏng vấn đầu tiên trong đời mình, nên mình rất ngại. Ngại vì thấy bản thân chưa làm được điều gì lớn lao, chưa đến lúc để mình chia sẻ. Tất cả những gì người ta thấy về Khoa Sen trên mạng là chơi, xài tiền" - Khoa Sen chia sẻ ngay khi vừa ngồi xuống trò chuyện.  

Cùng bước qua tuổi 25, cái chúng tôi đã nói với nhau trong suốt 2 tiếng đồng hồ không phải câu chuyện hữu hình về tình yêu, gia đình hay "startup" tiền tỷ, mà là một thứ vô hình nhưng khiến thế hệ của Khoa, tôi và cả những thế hệ sau chúng tôi vẫn mải miết tìm kiếm trong mỗi ngày được sống - ĐAM MÊ. 

chu nhan dirty coins minh cao dau xam lien tiep 20 hinh va ban tieu san vi - anh 0

Từ công nghệ đến tất cả mọi thứ, cái gì cũng có thể "copy" được hết, nhưng cái "chất" là thứ không thể "copy" được! 

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bắt đầu trò chuyện với Khoa Sen chính là cách mà chàng founder trẻ tuổi nói say mê về con đường học vấn. Cả bài học trên lớp và bài học mà trường đời đã dạy cho cậu ấy. Dù sở hữu bao nhiêu chiếc siêu xe, bao nhiêu căn nhà đi chăng nữa thì Khoa Sen vẫn khẳng định bản thân phải không ngừng học hỏi trên suốt hành trình nuôi lớn đam mê và ước mơ của mình.

"Đối với mình, việc tạo ra sản phẩm để bán không quá khó khăn. Bài học mà mình học nhiều nhất, nhớ lâu nhất khi làm thương hiệu lại nghiêng về con người. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Ví dụ như việc bạn làm thiết kế đẹp cỡ nào, sản phẩm xịn ra sao mà nhân sự của bạn tiếp xúc với khách hàng không ra gì thì coi như… bỏ" - Khoa Sen khẳng định. 

"Đã gọi là công ty thì không thể nào làm một mình. Nhà sáng tạo cũng phải đưa ra chiến lược để mọi người đi theo đúng hướng nhất có thể. Vận hành công ty giống như bộ máy của một chiếc xe. Chức năng gì trên xe cũng quan trọng và không thể thiếu một con ốc nào hết. Mình phải làm sao để mọi người tin tưởng mình, trở thành một người có thể đưa mọi người đến đích. Và sự tin tưởng đó không đến từ miệng mà đến từ hành động và thái độ". 

Mỗi khi nhắc đến việc điều hành cả một hệ thống bán lẻ thời trang, Khoa luôn trở nên nghiêm nghị hơn khi trả lời câu hỏi. Không còn là một cậu bạn ngang tuổi, ánh mắt của chàng founder sinh năm 1996 chợt bừng sáng, rồi kể lại một cách rành mạch về những điều mà cậu đã tích lũy được với tư cách là một doanh nhân thực thụ.

"Có thời điểm mình thấy làm đến vậy là giỏi rồi nhưng trên thương trường, bạn không cần làm gì sai mà chỉ cần bạn không cố gắng, bạn đã bị bỏ lại. Bạn chạy tới bậc thang thứ bảy và quyết định dừng, dù bạn không bao giờ rớt xuống bậc thang thứ nhất thì cũng có nhiều người đã chạy qua khỏi bậc thang bạn đang đứng, vậy coi như bạn lại đứng ở bậc thứ nhất rồi. Mình phải luôn cố gắng nhiều hơn gấp ba, gấp bốn, thậm chí gấp năm lần để team mình thấy được điều đó và mọi người cũng sẽ chạy theo như vậy". 

"Từ công nghệ đến tất cả mọi thứ, cái gì cũng có thể 'copy' được hết, nhưng cái 'chất' là thứ không thể 'copy' được! Cái 'chất' được hình thành từ người chủ, có ảnh hưởng rất lớn để tạo nên văn hóa công ty. Ví dụ mình xăm hình rất nhiều, các cấp chủ quản trong công ty mình cũng xăm hết. Nó là một văn hóa, một nét riêng mà có thể các nơi khác không có. Cách mình chơi xe, chơi đồ hiệu cũng làm nhân viên thích và cố gắng để đạt được như mình". 

Từ chối nhận mình là một người nổi tiếng khi tôi đặt câu hỏi: DirtyCoins đã nổi tiếng đến vậy, còn Khoa Sen thì sao? Rất nhiều người cũng tìm kiếm cậu như một từ khóa hot, tò mò về những chiếc siêu xe Khoa sưu tầm hay những món đồ phiên bản giới hạn Khoa khoác lên người. 

"Gọi là người nổi tiếng thì mình không muốn tự nhận đâu. Đúng là mọi thứ đã thay đổi rất nhiều kể từ khi mình có DirtyCoins. Mình sinh năm 96 nhưng nhìn không giống 96 lắm nhỉ? Nhiều người bằng tuổi mình rất vui và thoải mái. Còn mình thì đôi lúc thấy áp lực nặng nề. Mình cảm giác ở tuổi mình nhưng lại không giống mình cho lắm". 

Suốt khoảng thời gian dài vừa qua, hầu như tất cả local brand đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Khoa Sen thừa nhận mình stress kinh khủng đến mức cạo đầu, xăm đến hai mươi mấy hình xăm: "Thần kinh bị ảnh hưởng tới độ mình nằm mơ lái xe không thấy đường. Trong giai đoạn cửa hàng phải đóng cửa do dịch bệnh, tiền mặt bằng, tiền hàng cứ phải trả, nhân viên nghỉ dần, cũng không có khách. Mình phải bán bớt tiêu sản để trang trải chi phí, rồi hỗ trợ cho những bạn nhân viên đang ở trọ 1 triệu - 1,5 triệu đồng. Cũng may doanh nghiệp của Khoa nhỏ, nếu mà lớn hơn có khi cũng tiêu rồi". 

Khiêm tốn về quy mô kinh doanh là vậy nhưng khi nghe Khoa kể tiếp về hành trình "thai nghén" đến lúc thương hiệu đủ cứng cáp đứng vững trong thị trường local brand, chắc mọi người sẽ hiểu để có được cái "nhỏ" mà Khoa nói cũng chẳng dễ dàng đâu...

Mình làm đủ nghề, từ shipper đến đi rửa chén để có tiền vốn mở DirtyCoins

Tôi còn nhớ trong một khoảnh khắc giữa buổi phỏng vấn, Khoa đột nhiên hỏi: "Cậu học cấp 3 ở đâu?". Quá bất ngờ, tôi chỉ trả lời ngắn gọn: "Ừm, tớ học ở một trường chuyên". Và Khoa đáp lại rất nhanh: "Đó chính là cuộc sống mà mình chưa từng trải qua đấy!". 

"Khoa học cấp 3 ở một trường không có gì 'xịn' hết, đó là trường Giáo dục thường xuyên" - Khoa Sen bắt đầu câu chuyện trong sự ngạc nhiên của tôi. "Lớp Khoa có những anh chị sinh năm 92, 93 và đủ mọi thành phần bất hảo. Như một tổ hợp luôn á!". 

Trước khi đến buổi phỏng vấn này, tôi đọc một vòng bình luận về "ông chủ của DirtyCoins" và nhận ra Khoa Sen chủ yếu được nhắc đến bằng những từ ngữ như "rich kids", "nhà vợ giàu", "chơi bời"... Nhưng dường như tất cả chỉ "nghe nói vậy", còn nghe ai nói thì không rõ, bởi đây mới là lần đầu tiên Khoa tỏ bày những khó khăn, thử thách mà cậu từng kinh qua.

chu nhan dirty coins minh cao dau xam lien tiep 20 hinh va ban tieu san vi - anh 0

"Đó chỉ là những lời đồn thổi. Mình từng là một người không có gì hết: vợ giàu cũng không, gia đình giàu cũng không luôn! Mình làm đủ nghề, từ shipper đến đi rửa chén để có tiền vốn mở DirtyCoins. 100% việc kinh doanh của mình từ đầu đến giờ đều do bản thân tự xoay sở. Gia đình mình thuộc dạng khó khăn, cho đến khi mình thành công, thứ duy nhất mình có được là sự đồng ý từ gia đình". 

"3 - 4 tháng đầu lập ra DirtyCoins, mình ăn rất ít. Một mình ở Sài Gòn trong một cửa hàng chừng 10 mét vuông. Mình tính toán rất chi li để chi phí cá nhân thấp cực kì. Khoảng thời gian đó, mình bị bệnh về bao tử luôn vì không đủ ăn, còn suy nghĩ nặng nề về tiền. Nhưng dù trải qua những chuyện đó, mình cũng chưa bao giờ bỏ cuộc. Thứ nhất, mình không còn gì để mất cả, thua thì làm lại. Thứ hai, những suy nghĩ về gia đình luôn níu mình lại, từ trước đến nay, mình luôn cảm giác mình phải là trụ cột". 

Làm local brand tức là mình phải chọn: Trở thành người tạo ra xu hướng hay chạy theo xu hướng?

Từ năm 2016 trở lại đây, kinh doanh local brand thực sự là một "trận chiến" khắc nghiệt, nhiều thương hiệu mới chào sân nhưng cũng nhanh chóng biến mất chỉ sau một thời gian ngắn ngủi. Đây chính xác là cuộc chơi mạo hiểm của những thế hệ. Local brand là sự "chiều chuộng" khách hàng trong nước, nhưng lại không được phép lạc hậu so với xu hướng quốc tế. Vừa phải dẫn đầu, vừa phải chạy theo, đó là bài toán khó tìm ra công thức giải chính xác nhất.

chu nhan dirty coins minh cao dau xam lien tiep 20 hinh va ban tieu san vi - anh 0

"Làm local brand tức là mình phải chọn: Trở thành người tạo ra xu hướng hay chạy theo xu hướng? Bạn không thể tạo ra xu hướng cho cả thế giới được, việc đó quá lớn lao. Nhưng mình muốn tạo ra xu hướng cho người Việt Nam, đem xu hướng từ nước ngoài về nước mình và làm sao để nó phù hợp nhất với người Việt Nam. Nếu thành công, mọi người sẽ đi theo, còn thua thì là một bài học". 

"Mọi bài học của mình đều phải trả giá bằng thời gian, tiền và rất nhiều tiền luôn" - Khoa Sen trầm ngâm. Có lẽ xuyên suốt cuộc trò chuyện này, từ khóa lặp đi lặp lại nhiều nhất chính là "học". Chủ đề ấy khiến chúng ta thở dài mỗi lần nhắc đến lúc còn trẻ, nhưng lại làm tất cả phải suy tư sau khi tự mình vấp ngã, thất bại và vẫn còn hiện diện ngay ở thời điểm bạn đã thành công. 

"Nếu bây giờ không làm nữa thì vẫn có tiền sống đến già. Cũng chưa chắc chơi tiếp cái game này, mình sẽ thắng. Nhưng Khoa đang làm vì nhiều thứ lắm, nhiều người đi làm vì đặt niềm tin vào tư tưởng của mình, vì họ muốn đóng góp cho mình, không thể bảo mình mệt mỏi quá rồi, mình dừng lại lấy tiền xài đây. Đó là quyết định của người tầm thường. Khoa không làm vì tiền, ai nghe mình nói như vậy sẽ bảo mình 'nổ' á. Nhưng không ai hâm mộ bạn vì tiền, người ta tôn trọng bạn vì những cái bạn làm được". 

chu nhan dirty coins minh cao dau xam lien tiep 20 hinh va ban tieu san vi - anh 0

Tất cả vẫn chỉ là điểm khởi đầu

Cuối cuộc trò chuyện, tôi hỏi Khoa: "Bạn nghĩ mình sẽ còn đi được đến đâu nữa?". Khoa chỉ đáp ngắn gọn: "Mình sẽ không dừng lại. Mình từng nói với anh em, dù trở thành một ông chú 50, 60 tuổi, mình vẫn sẽ làm ngành này. Mình còn nhiều cái để học kinh khủng. 4 năm chưa là gì hết, mình thích ngành này lắm, tất cả vẫn chỉ là điểm khởi đầu". 

Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện này từ điểm xuất phát khi Khoa Sen hoàn toàn trắng tay, và một lần nữa, đưa độc giả quay trở lại điểm bắt đầu khi chàng founder tự nhận "tất cả vẫn chỉ là điểm khởi đầu" dù đã sở hữu khối tài sản trong mơ với nhiều người ngoài kia. 

Không phải là một câu chuyện sặc mùi "tiền tỷ" cổ vũ bạn không học Đại học cũng có thể thành công, hay thúc giục bạn hãy mạo hiểm "start-up" đi vì đó là tuổi trẻ, điều tôi lắng nghe được từ Khoa Sen, và mong muốn bạn - những độc giả dù thuộc thế hệ nào cũng sẽ đón nhận câu chuyện này bằng tâm thế: Luôn sẵn sàng ở vạch xuất phát vào bất kì thời điểm nào để mở lòng đón nhận một bài học mới và không bao giờ nghĩ mình an toàn ở vạch đích dù đi qua nhiều bài học. 

Hội "doanh nhân" Gen Z: Người bỏ học kiếm 250 triệu/tháng, người sở hữu chuỗi local brand "tiền tỷ"

Fanci Club: Local brand của founder Gen Z có gì mà BLACKPINK "bê" vào MV mới?

Gương mặt Gen Z triển vọng của VTV: Toàn "nam thanh nữ tú" lại thêm diễn xuất ổn áp thế này!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ