Bạn nhìn nhận thế nào về một người sau khi người đó dính “phốt”?
Gần đây, khi "phốt" và "drama" ngày càng xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội thì lại cũng xuất hiện nhiều người lấy chúng làm tiêu chuẩn để đánh giá cuộc đời và nhân cách của một người. Liệu chúng ta có nên làm vậy hay chỉ nên coi đó là những bài học để soi chiếu bản thân và học cách "nhìn người"?
"Phốt", "drama" là hai cụm từ xuất hiện trên mạng xã hội nhiều nhất những ngày này
Những năm trở lại đây, đặc biệt là năm nay, "phốt", "drama" tràn ngập trên mạng xã hội, từ người nổi tiếng đến người không nổi tiếng, từ châu Á đến châu Âu.
Khá dễ hiểu khi mà chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội phát triển chóng mặt và thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt bất kể thật giả. Chưa kể đến việc đây là khoảng thời gian mà mọi người có nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Có những người đứng lên tố cáo, "bóc phốt" làm ảnh hưởng đến sự nghiệp và danh dự của người khác nhưng đến khi làm rõ thì ngoài những vụ việc có thật, lại cũng tồn tại nhiều kết quả chỉ là làm cho có chuyện để đùa hay không có chứng cứ xác thực.
Cả một cuộc đời và nhân cách có thể đổ bể vì một lần dính "phốt"
Có một sự thật là: Người nổi tiếng chỉ cần bị "phốt" một chuyện là cư dân mạng có thể suy luận rằng tất cả thái độ, hành động trước đây của họ đều sai.
Một ví dụ cụ thể trong scandal mới đây của Lucas, nam ca sĩ Hàn Quốc là thành viên của những nhóm nhạc đình đám NCT, SuperM, là có một video ghi lại cảnh Lucas đi diễn cùng nhóm, không biết vô tình hay cố ý đụng chân vào chân của một thành viên khác khiến người đó khá đau. Trước đây, người hâm mộ cho rằng đó chỉ là hành động trêu đùa và vô tình, nhưng khi Lucas dính scandal "trai đểu", họ liền suy luận ra rằng "đểu" chính là nhân cách của anh và cho rằng sự việc đó là do anh cố ý.
Hay một câu chuyện khác có thể kể đến như câu chuyện làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên. Sự việc "ăn chặn" tiền mà mọi người ủng hộ để làm từ thiện chưa được làm rõ, tuy nhiên nhiều người bất luận đúng sai, thật giả, để lại bình luận hay những tin nhắn xúc phạm, chửi rủa không chỉ cô mà còn chửi rủa cả gia đình, bố mẹ và con cái của cô. Họ phủ nhận mọi việc cô đã làm, trong khi thực tế là cô đã từng nhiều lần thay mặt người dân ủng hộ và các mạnh thường quân, hay tự bỏ tiền túi trực tiếp đi làm từ thiện thật sự.
Trong thời đại của nhiều thông tin gây nhiễu, chúng ta cần có cái nhìn đa chiều về con người và sự việc. Đúng thì tán dương, sai thì chỉ trích. Còn việc chỉ "soi mói" sai lầm và khuyết điểm của người khác thì lại không phải là việc được khuyến khích làm.
Bởi vì "một lần bất tín, vạn lần bất tin"
Một kiểu tâm lý nghe thì có vẻ vô lý nhưng thực chất lại có thể hiểu. Thực ra chúng ta ai cũng vậy cả, chỉ cần sứt mẻ niềm tin một lần, chúng ta sẽ tự động nảy sinh nghi ngờ về mọi chuyện.
Niềm tin là một thứ rất quan trọng. Tất cả các mối quan hệ của mọi người đều được xây dựng với nền móng là niềm tin. Tin tưởng đối phương là động cơ chúng ta chia sẻ mọi chuyện cùng họ và cùng họ đi về phía trước. Vì thế mà niềm tin đổ vỡ cũng giống như bát nước bị hắt đi, không bao giờ có thể trở lại trạng thái cũ.
Có những người hâm mộ chứng kiến idol mình bị tố cáo với hàng loạt tội danh đến bị tuyên án tù. Họ là những người đồng hành và ủng hộ idol từ những ngày idol vẫn còn là tân binh, những người "mới vào nghề", cùng nhau trải qua cả chục năm đầy khó khăn để trở thành nhóm nhạc huyền thoại và fandom hùng mạnh. Nhưng khi những việc như này xảy ra, liệu còn niềm tin nào để họ bấu víu hay sự tin tưởng còn lại chỉ là mù quáng?
"Phốt" và "drama" trên mạng xã hội là những bài học, những chiếc gương để chúng ta soi chiếu lại bản thân, rút ra bài học để đời trong rèn luyện nhân cách và lối sống đúng đắn. Chỉ có thế thì chúng ta mới có thể gầy dựng được niềm tin với người khác.
Nguồn: TH&PL