Dự thảo 7 của Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 liên quan đến các nhóm ngành công nghiệp giải trí đang rất được quan tâm. Luật sư Nguyễn Minh Cảnh cho rằng cần nhất thể ngay trong quản lý nhà nước.
Điện ảnh, phim ảnh nói riêng và ngành công nghiệp giải trí nói chung là một trong những lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam. Chính vì thế, hiện tại dự thảo 7 của Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 đang rất được nhà sản xuất, nhà phát hành, doanh nghiệp truyền thông, khán giả và các đơn vị hoạt động ngành giải trí tích cực quan tâm.
I. Những thiếu sót quan trọng
Nhiều ý kiến cho rằng tại Nghị định Sửa Đổi sắp ban hành đang thiếu quy định nhất thể trong quản lý nhà nước, không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước và chưa đề cập đến một số vấn đề nghiêm trọng như sau:
1/ Quản lý nội dung trên không gian mạng và nền tảng trực tuyến: Các nội dung truyền phát trên các nền tảng trực tuyến và không gian mạng rất đa dạng, bao gồm cả phim và sản phẩm ghi hình không phải phim (tin tức, gameshow, trò chơi điện tử,…) nhưng không được đề cập trong Nghị định 06 Sửa Đổi, và cũng không được điều chỉnh trong Luật Điện Ảnh. Như vậy hoạt động này đang hoàn toàn bỏ trống, không ai quản lý và giám sát.
2/ Quản lý hoạt động của doanh nghiệp xuyên biên giới: Nghị định 06 Sửa Đổi chỉ mới đưa ra quy định quản lý đối với doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình có sử dụng tên miền do Việt Nam quản lý, các doanh nghiệp ngoài nước sử dụng tên miền quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Netflix, iQIYI, WeTV,… lại không được đề cập. Hoạt động của các doanh nghiệp này hiện không có luật nào quy định, hoàn toàn bỏ ngỏ, và không có kiểm soát.
3/ Không dẫn chiếu Luật Viễn Thông, Luật Điện Ảnh, Luật An Ninh Mạng: Nghị định 06 Sửa Đổi có nội dung xuyên suốt liên quan mật thiết đến sản phẩm của điện ảnh, nền tảng truyền phát trên hạ tầng viễn thông và nội dung phổ biến trên không gian mạng. Chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Điều 5 cũng có đề cập việc tuân thủ pháp luật về điện ảnh và viễn thông. Tuy nhiên, Nghị định 06 Sửa Đổi lại không có dẫn chiếu đến Luật Viễn Thông, Luật Điện Ảnh và Luật An Ninh Mạng tại phần Căn cứ.
II. Tầm quan trọng của nhất thể trong quản lý
Trước những trăn trở trên, chúng tôi liên hệ luật sư Nguyễn Minh Cảnh để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Theo luật sư, quản lý các nội dung trên không gian mạng là một vấn đề phức tạp và để giải quyết cũng như quản lý gameshow và các loại hình khác trên không gian mạng thì Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò quan trọng.
Ngoài ra, sự nhất thể trong hành pháp, phân cấp quản lý logic nhất quán là rất cần thiết.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Minh Cảnh chia sẻ:
Căn cứ quy định hiện hành về chức năng của Bộ Thông tin Truyền Thông thì cơ quan này có nhiệm vụ:
a) Quản lý về dịch vụ trò chơi điện tử và dịch vụ nội dung thông tin, ứng dụng cung cấp thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định của pháp luật.
b) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về trò chơi điện tử trên mạng và thông tin điện tử trên mạng theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định 06 sửa đổi sắp ban hành là văn bản dưới luật nên không thể bao gồm nội dung chi tiết của các luật như Luật An ninh mạng, Luật Điện ảnh, Luật Viễn thông mà khi xử lý vi phạm trong các lĩnh vực này cần phải căn cứ vào luật liên quan. Hiện nay sự quản lý gameshow và các loại hình khác trên không gian mạng khá khó khăn phức tạp đòi hỏi cần nhất thể quản lý, không có đơn vị nào khác hơn là Bộ Thông tin Truyền thông.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng với sự quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông tình hình trật tự hoạt động trên không gian mạng sẽ ổn định và phát triển tốt".
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Tuấn Tú - Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Phía Nam cũng nêu quan điểm rằng: "Trên thực tế, khi sản xuất một nội dung để truyền phát trên các nền tảng thì thông thường sẽ có rất nhiều quy định liên quan. Ngoài Nghị định 06/2016 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình và Luật Điện Ảnh, còn rất nhiều văn bản khác quy định các vấn đề về nội dung trên không gian mạng và nền tảng trực tuyến, điển hình như:
a) Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
b) Nghị định 158/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
c) Luật Sở hữu trí tuệ, Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông…
Mới nhất còn có Luật an ninh mạng và Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
"Như vậy, không thể nói không có quản lý hay bỏ trống giám sát mà trên thực tế lại đang bị chồng chéo quyền hạn giữa các cơ quan có thẩm quyền. Thường thấy cơ quan quản lý, thanh tra và ra quyết định xử phạt các nội dung không phù hợp trên không gian mạng đó thuộc Bộ thông tin và truyền thông.
Chúng ta thấy bất cập lớn nhất đó chính là chưa phân loại được các nội dung truyền hình, chưa có bộ quy chế phân loại và kiểm duyệt nội dung. Khi phân rõ ràng các tiêu chí trên thì việc Quản lý giám sát sẽ dễ dàng hơn rất nhiều", luật sư Nguyễn Tuấn Tú cho hay.
III. Cần tách riêng nhóm Quy định về các nội dung trên internet thành các văn bản Luật riêng, tách bạch với nhóm Phát thanh Truyền hình theo Nghị định 06/2016
Bên cạnh đó, sự thiếu công bằng trong việc kiểm soát các OTT nước ngoài và trong nước cũng khiến các doanh nghiệp nội địa trăn trở. Trả lời về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tuấn Tú khẳng định:
"Tương tự như trên, khi một Doanh nghiệp vào Việt Nam thì phải tuân theo các quy định pháp lý về ngành đó ở Việt Nam. Tức là theo nguyên tắc khi các OTT như Netflix, iQIYI, WeTV, iFlix,... vào Việt Nam và trở thành nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến tại lãnh thổ Việt Nam thì bắt buộc phải đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam và cạnh tranh công bằng với các đơn vị trong nước, các đơn vị trong nước đang phải chịu rất nhiều Quy định đã có sẵn.
Tức là cơ chế thì đã có, tuy nhiên vấn đề lớn nhất là các công ty nước ngoài họ không đăng ký chính thức tại Việt Nam mặc dù đã nhiều lần chính phủ Việt Nam yêu cầu họ tuân thủ. Khi không đăng ký chính thức thì không có cách nào yêu cầu họ tuân thủ Pháp luật Việt Nam. Đây là 1 cách lách luật rất khôn ngoan của các công ty nước ngoài nhằm né Thuế, đỡ phiền phức về pháp lý cũng như rào cản về kiểm duyệt nội dung. Cách duy nhất để chính phủ Việt Nam có thể làm là đưa các công ty dạng này ra các đơn vị quản lý quốc tế yêu cầu chi trả các chi phí tại Việt Nam cũng như thực hiện nghiêm túc pháp luật nước sở tại.
Trên thực tế không chỉ Việt Nam mà hầu hết ngành sản xuất nội dung trực tuyến tại các quốc gia khác cũng chịu cảnh tương tư. Một số Quốc gia thì đưa ra các Tòa án Quốc tế và Tổ chức Quốc tế để kiện các công ty nước ngoài, một số nước thì chẳng cần phiền phức, chỉ đơn giản nhất là chặn mọi hoạt động của các công ty này tại nước mình. Đơn cử là Trung Quốc, Quốc gia chặn hầu hết mọi nền tảng Quốc tế tại lãnh thổ mình".
Ngoài ra, luật sư cũng nêu thêm về những bất cập đã xảy ra khi OTT nước ngoài không được kiểm soát. Luật sư Nguyễn Tuấn Tú chia sẻ: "Đã nhiều lần Netflix đưa nội dung không được kiểm duyệt lên nền tảng của mình như tuyên truyền phản động, xuyên tạc lịch sử, không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Quốc gia Việt Nam, kích động bạo lực, ma túy, sống phóng túng, lệch lạc, cờ bạc,... Đây là những hành vi không thể chấp nhận được cả về tình và lý".
Đặc biệt, luật sư Nguyễn Tuấn Tú góp ý biện pháp nâng cao việc kiểm soát với OTT trong nước. "Nhập gia tùy tục nhưng các ứng dụng OTT quốc tế đang thiếu sự tôn trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của OTT nội địa. Chúng ta không thể chậm trễ hơn, cần có quy định, chế tài rõ ràng đối với các hành vi này và kiên quyết xử lý. Thậm chí nên tách riêng nhóm Quy định về các nội dung trên internet thành các văn bản Luật riêng, tách bạch với nhóm Phát thanh truyền hình theo Nghị định 06/2016 hiện tại, vừa dễ xử lý lại đúng theo Quy định của Liên hợp quốc (phân loại hàng hóa CPC 846, phiên bản 2.1) và các quy ước chung với WTO về nội dung trên internet", luật sư Nguyễn Tuấn Tú chia sẻ.
Nguồn: TH&PL