Ngoài những biện pháp cơ bản để tránh vận xui thì vào tháng 7 nhiều gia đình cũng thường bày mâm cúng Phật, cúng thần linh và gia tiên, cúng chúng sinh.
Tháng 7 âm lịch thường gắn liền với nhiều giai thoại của những điều tâm linh hay xui xẻo, chính vì thế trong dân gian Việt Nam thường rất chú ý đến ngày này, cũng như có sự chuẩn bị vô cùng kỹ càng trong các vấn đề tâm linh. Ngày Rằm (15/7 âm lịch) thường được biết đến là ngày xá tội vong nhân, cúng cô hồn để cầu siêu, tưởng nhớ hoặc tránh vong hồn quấy nhiễu.
Nội dung liên quan
Trong tháng này cũng có ngày lễ vô cùng ý nghĩa với mục đích hoàn toàn khác là lễ Vu Lan. Hiểu đơn giản là ngày mà con cái tưởng nhớ, tri ân và báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây là một ngày lễ với giá trị giáo dục vô cùng cao, đề cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", ghi nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.
Chuẩn bị lễ cúng như thế nào?
Không cần quá phô trương và có thể "có gì cúng nấy", quan trọng vẫn là tâm của gia đình và người cúng phải thật sự thành tâm, chân thành cảm tạ đối với trời đất, Phật, thần linh và các chư vị tổ tiên. Lễ cúng sẽ chia làm 3, bao gồm: lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh.
Lễ cúng Phật, thần linh và gia tiên cần diễn ra vào ban ngày, lễ bố thí các cô hồn thường sẽ diễn ra vào lúc chiều tối.
Một mâm cúng đầy đủ bao gồm:
- Muối gạo;
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ) hoặc 3 vắt cơm;
- 12 cục đường thẻ;
- Giấy áo, giấy tiền vàng bạc;
- Khoai lang, ngô, sắn luộc...;
- Mía;
- Bánh, kẹo, tiền mặt;
- 3 ly nước;
- 3 cây nhang;
- 2 ngọn nến nhỏ.
Phân loại 3 loại mâm cúng trong tháng 7
Lễ cúng Phật
Rằm tháng 7 là lễ lớn đối với các Phật tử, vì vậy lễ cúng Phật luôn là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, mâm cỗ không cần quá cầu kỳ mà quan trọng vẫn là lòng thành hướng về Phật.
Mâm cúng cầu đặt ở nơi cao nhất của bàn thờ trong nhà, sử dụng các loại hoa tươi như sen, huệ, cúc, mẫu đơn… Bên cạnh đó có thể bày thêm một số loại hoa quả, nước lọc, cũng như một số loại thức ăn như: chả chay, đậu hũ, canh nấm…
Lễ cúng thần linh và gia tiên
Cần được diễn ra vào buổi sáng, mâm cỗ không nhất thiết phải dùng đồ chay mà có thể sử dụng đồ mặn. Thông thường, mâm lễ gia tiên vào tháng 7 sẽ được sắp xếp "trên chay dưới mặn" nghĩa là hoa quả sẽ ở trên và bên dưới là mâm cỗ mặn. Thức ăn cúng cũng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình hay đơn giản là món ăn yêu thích trước đó của tổ tiên.
Một số gợi ý có thể cân nhắc như: Gà luộc, xôi, thịt bò xào, chả nem, canh… Các món ăn cần phù hợp với điều kiện, cũng như nhu cầu của gia đình. Cần tránh việc lãng phí thức ăn hoặc phí phạm quá mức.
Lễ cúng cô hồn
Vào khoảng chiều tối 14-15/7 âm lịch là có thể bày mâm cúng hoặc có thể diễn ra vào chiều tối những ngày trước đó ở tháng 7. Theo tương truyền thì khoảng thời gian này các vong linh sẽ từ địa ngục trở về nên dễ dàng nhận được đồ cúng, tránh làm phiền và sẽ phù hộ cho người cúng.
Không nên sử dụng đồ mặn bởi nó vô tình khơi dậy những điều tiêu cực đối với các vong linh, cần bày mâm cúng trước cửa nhà, đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm, sau đó rải các loại bánh kẹo, tiền, nước, gạo muối… ra đường, vàng mã thì có thể mang đi đốt.
Nguồn: TH&PL