Các nước trên thế giới "chìm" trong những đợt phong toả vì Covid-19: Anh lên tới 6 tháng!

Dưới sự lây lan ngày càng khủng khiếp của các biến thể virus SARS-CoV-2, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã phải tiến hành các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Từ đó đến nay, virus liên tục biến đổi thông qua đột biến, hình thành nhiều biến thể mới.

Tại sao phải phong tỏa hay giãn cách xã hội?

Để ứng phó theo từng thời điểm dịch bệnh, Chính phủ các nước đều thực hiện triệt để giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. 

Các nghiên cứu về y tế đều chỉ ra rằng, Covid-19 lây nhiễm chủ yếu qua việc tiếp xúc gần. Không chỉ vậy, những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng vẫn có thể phát tán vi rút hoặc vi rút vẫn có thể sống nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trên các bề mặt tiếp xúc.

cac nuoc tren the gioi chim trong nhung dot phong toa vi covid 19 anh len toi 6 thang - anh 0

Giãn cách xã hội hoặc biện pháp mạnh hơn là phong tỏa chính là cách thức hữu hiệu để hạn chế cơ hội tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm hoặc những người bị nhiễm bệnh trong cộng đồng. Từ đó, số lượng người bị lây nhiễm sẽ được giảm xuống

Trong thời điểm giãn cách, lực lượng chống dịch cũng có thể tối ưu thời gian quý báu để thực hiện xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, hình thành nên bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, từ đó có giải pháp ứng phó trọng tâm, kịp thời. 

Nhìn lại thế giới chìm trong các đợt phong toả

Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiều lệnh hạn chế được ban hành khắp các quốc gia phương Tây để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 10/3/2020, toàn bộ nước Ý phong tỏa, sau đó là Pháp, Hà Lan, Séc, Ba Lan, Đức,.. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc phong tỏa một phần đến toàn phần. 

Ngày 23 tháng 3, vương quốc Anh tiến hành phong tỏa đất nước. Không ai có thể ngờ rằng, người dân Anh đã phải ở trong nhà cho tới ngày 4/7. Tình trạng này diễn ra tương tự tại Tây Ban Nha khi người dân xứ sở bò tót phải chịu cảnh phong tỏa từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 6. 

cac nuoc tren the gioi chim trong nhung dot phong toa vi covid 19 anh len toi 6 thang - anh 0
Vương quốc Anh tiến hành phong tỏa đất nước từ 23/3 đến ngày 4/7

Đến tháng 4 năm 2020, khoảng một nửa dân số thế giới phải ở trong tình trạng chung khi hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ được Chính phủ yêu cầu ở yên tại nhà. 

Trên thực tế, quá trình thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã cho thấy hiệu quả đối với việc giảm thiểu số ca mắc mới. Cho tới mùa hè, mọi thứ dường như đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, khi các nước dỡ bỏ các lệnh phong toả hoặc hạn chế, số ca nhiễm và tử vong lại tăng, khiến các biện pháp được tái áp dụng. Lệnh phong tỏa toàn quốc lần 2 được áp dụng tại các quốc gia châu Âu vào khoảng tháng 10 cho tới tận tháng 12. 

Có thể thấy, chỉ một Chính phủ lơ là trong giai đoạn dịch tạm lắng cũng có thể làm tình hình diễn tiến xấu như cũ. Vòng luẩn quẩn này cứ luôn lặp lại, lệnh giới nghiêm liên tục được gia hạn, khiến một số quốc gia hay vùng lãnh thổ bất đắc dĩ phải ban bố tình trạng khẩn cấp liên tục.

cac nuoc tren the gioi chim trong nhung dot phong toa vi covid 19 anh len toi 6 thang - anh 0
Lệnh phong tỏa toàn quốc lần 2 được áp dụng tại các quốc gia châu Âu vào khoảng tháng 10 cho tới tận tháng 12 

Philippines là một trong những quốc gia thi hành lệnh phong toả bằng cảnh sát và quân đội lâu nhất thế giới. Mặc dù Thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc đã phải chịu cảnh phong toả từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6/2020, nhưng vì lơ là các biện pháp phòng dịch, nơi đây đã phải chịu cảnh đóng cửa tiếp trong hơn 3 tháng liền ở đợt bùng dịch lần 2. 

Người dân Chile và Peru cũng phải thi hành các biện pháp nghiêm ngặt trong suốt gần 7 tháng, từ tháng 3/2020 cho đến cuối tháng 9/2020, biến hai quốc gia dẫn đầu danh sách "Nơi có số ngày phong tỏa liên tục dài nhất thế giới".

Sang năm 2021, tình hình vẫn không khả quan hơn khi nhiều biến thể mới xuất hiện, đặt các quốc gia vào tình trạng tái bùng phát làn sóng lây nhiễm mới. Ngày 4/1, Anh đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, các lệnh hạn chế cũng như biện pháp quản lý gắt gao cũng được Chính phủ nước này kéo dài cho tới ngày 19/7, trước khi dỡ bỏ hoàn toàn mọi yêu cầu kiểm soát đối với người dân. 

cac nuoc tren the gioi chim trong nhung dot phong toa vi covid 19 anh len toi 6 thang - anh 0
Chile và Peru là hai quốc gia dẫn đầu danh sách "Nơi có số ngày phong tỏa liên tục dài nhất thế giới"

Hà Lan hay Israel bắt đầu mở cửa trở lại vào khoảng tháng 6. Thế nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến hai quốc gia này phải áp dụng trở lại các lệnh hạn chế. Cuối tháng 6, Úc cũng liên tục phong tỏa các thành phố lớn trong bối cảnh biến thể Delta lây lan diện rộng.

Cách ly xã hội hay phong toả không ngăn được lây nhiễm, nhưng không thể phủ định chúng có vai trò rất lớn trong việc hạn chế các ca bệnh, giảm tải cho hệ thống y tế. Đây là biện pháp phòng dịch hiệu quả mà bất cứ quốc gia nào cũng đều phải công nhận. 

Với tình hình dịch bệnh ở nước ta ngày càng phức tạp, việc giãn cách xã hội theo tình hình của từng địa phương là cần thiết. Mong rằng chúng ta sẽ nhìn vào bài học chống dịch của các quốc gia khác, đảm bảo thực hiện yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", chấp hành nghiêm túc thực hiện giãn cách để tình hình mau chóng được ổn định trở lại. 

Bản tin Xanh Đỏ 27/8: Cả nước thêm 12.920 ca Covid-19 mới, 10.126 người khỏi bệnh

"Dân hỏi - TP trả lời": Giải đáp trực tiếp những thắc mắc về "Sức khỏe - Y tế"

"Dân hỏi - TP trả lời": Giải đáp trực tiếp về gói hỗ trợ 1,5 triệu đồng

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ