Ca sĩ thế hệ trước cover nhạc trẻ: Áp lực hòa nhập có phá hỏng tư duy thẩm mỹ đã xây?

Không phải cứ giọng khủng, thần tượng "quốc dân" là sẽ có những bản cover ấn tượng.

Bản cover See Tình của Thu Minh trong những ngày gần đây đang làm dấy lên một cuộc tranh luận tương đối gay gắt về việc liệu những cái tên đình đám một thời của làng nhạc Việt có đang hơi "gồng" trong việc hòa nhập với thứ âm nhạc trẻ trung hơn so với những gì họ đã quen thuộc.

Trước đó, bản cover Có Không Giữ Mất Đừng Tìm của diva Thanh Lam hay cả vụ việc liên quan đến bản quyền của ca khúc Ai Chung Tình Được Mãi của Đan Trường cũng tạo ra không ít những "sóng gió" và tranh cãi trong cộng đồng những người yêu âm nhạc.

ca si the he truoc cover nhac tre ap luc hoa nhap co pha hong tu duy tham my da xay - anh 0

Toàn giọng khủng, thần tượng "quốc dân" nhưng lại bị chê "ô dề"?

Sau 2 năm lao đao vì đại dịch, âm nhạc Việt bắt đầu có những sự thay đổi nhanh đến chóng mặt. Những cái tên trẻ trung hơn từ lứa Gen Z bắt đầu xâm chiếm các bảng xếp hạng, top Trending và tạo ra một luồng gió đầy mới mẻ cho khán giả.

Những nhân vật thuộc thế hệ 7x, 8x như Thu Minh, Đan Trường, Thanh Thảo hay kể cả diva Thanh Lam có lẽ cũng cảm nhận được việc mình đã bắt đầu có khoảng cách thế hệ trong gu âm nhạc so với những gì khán giả đang khao khát.

ca si the he truoc cover nhac tre ap luc hoa nhap co pha hong tu duy tham my da xay - anh 0

Vì thế, những nhân vật này đang lần lượt có những bản cover dành cho các ca khúc Top Trending của những người trẻ. Như Thu Minh, cô chọn cover ca khúc See Tình - bản hit lớn của Hoàng Thùy Linh trong giai đoạn đầu năm 2022 và đã viral không chỉ ở thị trường Việt.

Với diva Thanh Lam, cô lựa chọn hát Có Không Giữ Mất Đừng Tìm của Trúc Nhân. Đây cũng là một trong những ca khúc đình đám nhất của Vpop trong năm nay và giữ vị trí top 1 trending trong một khoảng thời gian dài.

Còn với Thanh Thảo và Đan Trường, cả hai lựa chọn làm mới những ca khúc đang hot TikTok, ví dụ như Ai Chung Tình Được Mãi. Bỏ qua vấn đề về bản quyền, những phiên bản này cũng không giúp họ nhận về những lời khen.

Có thể thấy rõ, điểm chung của những bản cover này chính là việc bị khán giả trẻ chê là "ô dề". Nhưng những cái tên được liệt kê ở trên, đâu ai là "thảm họa âm nhạc". Tất cả đều là những giọng hát từng đạt được không ít những thành công to lớn trong sự nghiệp cầm mic của mình.

Những chất giọng khủng ở tầm diva của Thanh Lam, Thu Minh hay những giọng ca "quốc dân" như "anh Bo" Đan Trường và "búp bê" Thanh Thảo đều từng ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả Việt trong ngót nghét hơn chục năm.

Vậy, vì sao họ chấp nhận buông bỏ cái tôi để làm mới bản thân bằng việc cover nhạc trẻ? Phải chăng, áp lực hòa nhập với thị trường vốn đã rất khác so với những gì họ từng biết đang đè nặng lên những nhân vật này?

Người trẻ được làm mới nhạc "cũ", thế hệ trước làm ngược lại thì không?

Một giảng viên thanh nhạc từng huấn luyện Hoàng Thùy Linh, Amee và nhiều giọng ca đình đám khác sau khi nghe được một bản cover cũng đã lên tiếng trên trang cá nhân với thái độ tương đối bức xúc:

"Mỗi loại chất giọng sẽ phù hợp với kiểu bài hát, cách xử lý, bản phối khác nhau. Mỗi thể loại, style có cái khó riêng, làm sao cho phù hợp, tinh tế cũng khó lắm. Học thuật cũng phải để đúng chỗ.

Không phải cứ mình có giọng khủng, mình hát lại các bài của mấy bạn trẻ, kể cả những người được cho là vocal không xuất sắc thì sẽ hát hay hơn đâu. Mình cứ hát những bài tầm cỡ là hay rồi. Xin đừng lấy bài của các bạn ấy cover lại nữa. Nó phá hỏng cái nhìn về giọng hát và tư duy thẩm mỹ mình đã xây lắm".

ca si the he truoc cover nhac tre ap luc hoa nhap co pha hong tu duy tham my da xay - anh 0
Ngay khi nhận được những góp ý về bản cover cho ca khúc See Tình, Thu Minh cũng đã có những "phản pháo" tương đối gắt gỏng.

Đã xấp xỉ 10 năm trôi qua kể từ thời hoàng kim, sức hút của những giọng ca này cũng đã vơi bớt phần nào trong mắt khán giả. Chính vì thế, để quay lại với thị trường âm nhạc, họ cần một thứ đi thẳng đến cảm xúc của lớp người nghe đầy mới mẻ và tương đối khác biệt so với những tệp fan quen thuộc của họ.

Tuy nhiên, nói rằng những bản cover này đang "phá hỏng tư duy thẩm mỹ đã xây" là hơi khắt khe. Âm nhạc là để kết nối, mà nói như Thu Minh rằng cô mong muốn "xây dựng nó ở các khía cạnh mà mọi người chưa nhìn thấy, chưa khai phá".

Lựa chọn cover như thế này, chắc chắn những cây đa, cây đề cũng đã chấp nhận việc sẽ tạo ra những trái chiều trong dư luận. Chia sẻ về việc này, chủ nhân bản hit Taxi bày tỏ quan điểm: "Đôi lúc cũng có ý kiến trái chiều là không giống bản gốc. Nếu tôi cover phải như thế chứ không kiểu có bao nhiêu nốt của bài đấy là tôi sẽ hát y như vậy thì tôi không làm được".

Việc những giọng ca gạo cội lựa chọn cover và làm mới những ca khúc nhạc trẻ dường như có những nét tương đồng với việc những người trẻ đang cố gắng làm mới nhạc Trịnh như EP GenZ Và Trịnh, hay kế thừa những giá trị đặc biệt như Hứa Kim Tuyền đã làm trong Shay Nắng với sample từ Hai Mươi của Mỹ Tâm hay trong Lucy cũng mang nguồn cảm hứng từ Chú Voi Con Ở Bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Vì sao người trẻ làm mới nhạc của thế hệ trước được, mà thế hệ trước làm điều tương tự lại bị chê? Mượn lời nhạc sĩ Mew Amazing khi nói về việc Gen Z làm mới nhạc Trịnh để đặt vào tình huống này là:

"Các bạn không có quyền thay mặt tác giả để yêu cầu nghệ sĩ được hay không được thể hiện âm nhạc mà họ muốn góp giọng. Nút 'tắt nhạc' luôn ở đó cho các bạn dùng".

ca si the he truoc cover nhac tre ap luc hoa nhap co pha hong tu duy tham my da xay - anh 0

Âm nhạc suy cho cùng cũng chỉ là để kết nối và chữa lành. Liên kết các thế hệ với nhau, khán giả sẽ có hẳn một bàn tiệc thú vị hơn rất nhiều so với việc chỉ suốt ngày ăn một món nguyên bản. 

Những sản phẩm âm nhạc của những ngôi sao thế hệ trước tuy có vấn đề, nhưng phần nào đó vẫn cho thấy được sự nỗ lực của họ trong việc làm nghệ thuật "sạch sẽ" và nghiêm túc. Tất nhiên là trừ việc "hát chùa", còn lại vẫn là những thứ đáng khích lệ và tôn vinh.

Thu Minh cover "See Tình": Quá viral vì nghe xong là "see nhược"

Khi các diva cover nhạc trẻ: Thanh Lam "ô dề", Hà Trần lại toàn lời khen

Đan Trường chốt hạ 2 vụ "hát chùa": Xin lỗi vì sử dụng, gỡ bỏ trên YouTube và không diễn thêm nữa!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ