Xã hội ngày càng phát triển đẩy khoảng cách của bố mẹ và con cái ra xa hơn bao giờ hết, những cuộc nói chuyện "face to face" cũng ngày một ngày càng ít đi.
Trong tập 9 của chương trình Siêu Trí Tuệ mùa 2, trước câu nói vui của thí sinh Duy Anh: “Chỉ mong mẹ hiểu và sau này đừng có hỏi con nhiều nữa”, hành động hỏi ở đây có nghĩa là người mẹ đã quá quan tâm đến con cái bằng cách đặt ra hàng loạt câu hỏi trước khi con quyết định làm một việc gì lớn lao. Đến nỗi cậu đã giấu mẹ và một mình đến sự thi chương trình Siêu Trí Tuệ.
Lúc này, MC Trấn Thành đã chia sẻ một quan điểm rằng: “Bố mẹ luôn luôn không đặt niềm tin cho con cái, đó là một tâm lý đúng vì bố mẹ luôn lo lắng tụi nó chưa đủ trưởng thành để quyết định một số thứ trong cuộc sống. Chúng ta luôn sợ chúng va vấp vì dễ gặp phải những cạm bẫy hoặc lầm đường lạc lối…"
Con cái trách: "Tại sao ba mẹ không hiểu con?"
Đúng là như vậy, có lẽ chính vì tâm lý "lo sợ con chưa đủ trưởng thành" nên không ít bố mẹ chưa thực sự hiểu con mình muốn gì? Hệ lụy lớn nhất của việc này đó là bố mẹ tự quyết định thay con mọi chuyện trong cuộc sống và nghĩ điều đó mới thực sự tốt cho con mình.
Đây là câu chuyện không ít bạn trẻ gặp phải khi đến kỳ tuyển sinh Đại học mỗi năm, hàng loạt các trang confession đều đăng tải những bài chia sẻ cảm xúc của các bạn học sinh đại loại như là “Bố mẹ cấm mình học ngành A vì nó không tốt cho tương lai” hay "Mình thích học trường B, đó là ngôi trường mơ ước của mình nhưng bố mẹ lại cấm thậm chí còn hăm dọa sẽ từ mặt mình nếu mình chọn ngôi trường đó!". Điều đáng nói những bài viết này đều nhận được sự đồng cảm rất lớn từ các bạn trẻ.
Một niềm đau khác mà bất kỳ học sinh nào cũng từng trải qua đó chính là: “Mình chưa bao giờ trở thành một đứa con mơ ước của bố mẹ”. Đúng như bạn nghĩ, đó chính là khái niệm “con nhà người ta” mà bất kỳ đứa con nào cũng ám ảnh, trừ khi bạn thật sự xuất sắc để trở thành người "được so sánh" thay vì "bị so sánh". Dần dần những tư tưởng áp đặt của bố mẹ khiến con cái bất mãn...
Ba mẹ trách: "Tại sao con không chịu chia sẻ với mình?"
Mỗi khi gặp khó khăn hoặc có nỗi buồn thầm kín, con cái ít khi chia sẻ với ba mẹ mà thường tâm sự với bạn bè hoặc thà tâm sự với một người xa lạ nào đó còn hơn. Vì họ cho rằng: "Ba mẹ là người không hiểu mình nhất!”.
Khái niệm "gia đình" đối với nhiều người trẻ hiện nay có lẽ chỉ đơn thuần là một nơi để trở về đúng nghĩa đen của nó chứ không còn là một nơi ủi an tâm hồn. Họ mất dần đi thói quen chia sẻ với ba mẹ khi có những buồn vui trong cuộc sống. Ở thế kỉ 21, con người nói chuyện với nhau nhiều hơn thông qua chiếc màn hình điện thoại thay vì những cuộc nói chuyện trực tiếp. Chính vì thế, để giúp người lớn hiểu những việc mình đang làm, người trẻ cũng chọn cách hành động để chứng minh hơn là dùng lời nói để thuyết phục.
Có một câu hỏi hơi khó nghĩ, nếu bây giờ được cho cơ hội nói chuyện với ba mẹ một cách nghiêm túc, bạn sẽ chọn chủ đề gì để nói? Khó nghĩ lắm đúng không? Vì khi càng lớn cái tôi cá nhân của bạn càng rõ rệt, bạn không còn là những đứa trẻ ngây thơ của 10 năm trước để thoải mái luyên thuyên với bố mẹ mai sau con muốn trở thành người như thế này, thế kia. Càng lớn bạn cũng ngại đón nhận những "phản ứng" của bố mẹ về những vấn đề khó khăn mà bạn gặp phải trong cuộc sống.
Nếu bất hòa với bố mẹ, bạn không muốn chia sẻ vì… dù gì bố mẹ cũng có hiểu mình đâu! Ngược lại, nếu không bất hòa với bố mẹ, bạn cũng ngại chia sẻ vì không muốn bố mẹ lo lắng về những khó khăn trong cuộc sống của mình. Có đủ muôn hình vạn trạng những lý do để bạn không thể mở lòng chia sẻ với người đã sinh ra mình, nhưng lý do cốt lõi có thể là...
Khoảng cách về tư tưởng thế hệ!
Rõ ràng, thế hệ bố mẹ 8x trở về trước phải sống trong thời kỳ bao cấp khó khăn dĩ nhiên họ sẽ có lối sống và suy nghĩ khác với lớp trẻ được sinh ra trong thời đại "cái gì cũng có".
Chưa cần phải bàn đến những quyết định lớn lao về ngành học hay nghề nghiệp tương lai của con cái mà ngay cả những sở thích bình thường giữa hai thế hệ cũng đã có sự khác biệt lớn. Con thích nhuộm tóc màu này cho sành điệu, nhưng bố mẹ lại cho rằng đó là hư hỏng. Con thích mặc một chiếc quần Jeans rách gối cho hợp thời, nhưng bố mẹ lại trách mắng "Trông chẳng khác gì một đứa ăn mày không?''.
Sự khác biệt về tư tưởng thế hệ có lẽ là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc bố mẹ - con cái khó có thể hiểu nhau, từ đó dẫn đến những tranh cãi không đáng có. Nhưng đã là tư tưởng thế hệ thì không có ai đúng, ai sai. Bố mẹ luôn hiểu con mình, chỉ là họ không hiểu nổi tư tưởng của thời đại con đang sống và con cái cũng vậy.
Do đó, giải pháp phải lẽ và khả thi nhất là: Nói. Trò chuyện luôn là giải pháp quan trọng nhất để rút ngắn khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. Hãy loại bỏ những ngại ngùng mà chính chúng ta tự tạo ra, hãy thử một lần chia sẻ với bố mẹ những tâm tư tình cảm của mình, bạn sẽ "giật mình" nhận ra: "Không ngờ bố mẹ lại hiểu mình đến vậy!".
Với ba mẹ, sự chu toàn cho con cái luôn là nhất, cho dù cách thức chưa đúng đắn chăng nữa!
Nguồn: TH&PL