Ngày cuối tháng Bảy năm ngoái, ba con người của cộng đồng indie gặp nhau và làm ra một sản phẩm tưởng không có gì đặc biệt mà sau đã trở thành một hiện tượng lạ của V-Pop - "3107". Một năm sau, đúng vào ngày cuối tháng Bảy, họ đã một lần nữa làm nên hiện tượng với "3107-3"
Vào thời điểm người viết gõ những dòng này, "3107-3" đang đứng đầu top trending trên Youtube, phiên bản đầu tiên "3107" đã đạt 55 triệu lượt xem, và phiên bản "ở giữa" là "3107-2" (được ra mắt vào ngày 4 tháng Hai năm nay) cũng đã vượt qua "cột mốc" chục triệu view.
Không nhiều nghệ sĩ có thể có một màn "debut" thành công hơn bộ ba producer W/n (tên thật là Nguyễn Cao Quý Nguyên), ca sĩ Duongg (tên thật là Nguyễn Nam Dương) và rapper Nâu (tên thật là Lê Nguyễn Hoàng Vương). Nhưng họ đã thành công được những ba lần. Vậy "3107" có gì đặc biệt?
Ba phiên bản của "3107" đều có những thành tố giúp tạo "mood" sâu lắng cho một ca khúc: tiếng piano nhẹ nhàng, một phần beat lo-fi và một đoạn nhạc EDM được "cài cắm" đúng chỗ.
Có những bài hát chỉ tận dụng tiếng piano và phần beat lo-fi. Đây dường như là "công thức" chung cho một xu hướng bị "đóng khuôn" khiến nhiều người cảm thấy "mắc mệt": những bản nhạc dù ít lời hay nhiều lời, dù thuộc thể loại pop hay... bolero đều bị đưa về thể loại nhạc lo-fi với lý do tạo sự thư giãn cho người nghe, dù rằng nếu chỉ nghe tầm 3-5 bài thì hẳn bạn sẽ rơi vào trạng thái... buồn ngủ và không thể "hấp thụ" được một playlist với độ dài trung bình từ 9-11 bài.
Với bộ ba ca khúc "3107", mọi yếu tố đều được phân bổ vào đúng chỗ, làm tốt nhiệm vụ của mình trong chuyến hành trình cảm xúc. Hãy cùng nghe sản phẩm mới nhất là "3107-3": mở đầu bài hát là tiếng piano tạo nhịp, cùng với lời nhạc nhiều tự sự, giống như mở bài cho một câu chuyện.
Xuyên suốt bài hát, những âm thanh điểm xuyết làm nên chất "lo-fi" cho bài hát được thêm vào, mỗi chỗ một ít, dàn trải vừa đủ để bài hát và câu chuyện cùng có thể tịnh tiến đến một điểm ở trên đỉnh. Và khoảng một phút cuối bài, EDM và lo-fi cùng "song kiếm hợp bích", tạo nên sự thăng hoa cho người nghe, dù trước đó họ vừa đi qua một câu chuyện tình buồn.
Với "3107-3", bộ ba W/n - Duongg - Nâu chào đón thêm một giọng nữ là Titie (tên thật là Võ Thanh Tiền). Giọng hát của Titie mỏng, đúng với những gì bài hát này đang cần - một cuộc đối thoại nam-nữ, trong đó giọng hát của người con gái chính là một yếu tố giúp tạo nên tính "lo-fi" của bài hát.
Giọng hát của Titie, trong trường hợp này, đã khiến cho bài hát chạm tới nhiều người nghe hơn, cũng như khơi gợi tất cả những cung bậc cảm xúc của một chuyện tình.
Các bài hát trong chuỗi ca khúc "3107" được đón nhận rộng rãi; rất nhiều DJ, producer đã cho ra đời các phiên bản khác nhau. Có một thời gian, "3107" trở thành một bài hát được tìm nghe rất nhiều trên Soundcloud. Nhưng rồi, sau rất nhiều phiên bản phát sinh, mọi người lại tìm về với bản gốc trên Youtube.
Ba phiên bản của "3107" đều có những music video hết sức đặc biệt. Với "3107", hình ảnh của những tòa nhà cao ốc chỉ-có-một-căn-phòng-sáng-đèn, những con đường nhìn từ trên cao,... giúp người nghe cảm nhận rõ sự cô đơn, nhỏ bé của mình trong thế giới rộng lớn. Với "3107-2", ba nhân vật trong câu chuyện được kể đều bị "nhốt" trong những căn phòng đóng hộp, với những khung cảnh khác nhau, kể một câu chuyện tình phức tạp từ những động tác, cử chỉ đơn giản nhất.
"3107-3" ra đời trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp, mọi diễn biến của MV cũng đều diễn ra trong một căn phòng. Đã có nhiều sự "màu mè" hơn diễn ra trong cách xử lý hình ảnh, từ con Pikachu được xử lý hiệu ứng cho tới màn bắn kim tuyến ở phần cuối MV, "3107-3" là một bức tranh tình yêu dưới góc nhìn của một thanh niên... "tự kỷ".
Nhưng, những gì MV "3107-3" mang đến cho người xem vẫn là sự đơn giản; lần này, yếu tố được giữ cố định suốt gần bốn phút của MV là... tông màu vàng của ánh đèn thắp sáng căn phòng lạnh lùng. Ánh sáng vàng hắt lên tường biểu trưng cho "ngọn lửa" nhỏ nhoi duy nhất trong lòng người con trai, và tuy không thể xua tan sự lạnh lùng của căn phòng, "ngọn lửa" đó là lời nhắc những ai đang thưởng thức "3107-3" rằng, mọi câu chuyện tình buồn đều có một chút "tia sáng" để chúng ta tự tìm đến.
Chia sẻ về lý do ra đời những "3107" từ năm ngoái tới nay, người sáng tác ca khúc và cũng là giọng nam chính của "3107" từ bản đầu tiên tới bản mới nhất là Duongg chia sẻ, những lời nhạc đầu tiên của "3107" bắt đầu từ sự xa cách một người bạn thân. Lý do cho tên "3107" không chỉ đến từ ngày viết ca khúc, mà còn là một sự cách điệu của từ "LOVE" viết ngược.
Có thể thấy sau ba phiên bản của "3107" rằng, hoàn cảnh sáng tác chỉ là một yếu tố để làm nền cho những gì diễn ra thực sự trong những câu chuyện mà bài hát mô tả. Không gì có thể tránh khỏi tình yêu khi tâm trạng của con người ở trong những nốt trầm nhung nhớ, dù đối tượng có là ai đi chăng nữa.
"3107", rồi "3107-2" và "3107-3" đều miêu tả những nét buồn trong tình yêu: xa cách, nhung nhớ và hối hận. Những yếu tố vĩnh cửu này đã tạo sự đồng cảm giữa hàng chục nghìn bình luận trên Youtube, Facebook; thành công lớn nhất của bài hát, vượt ngoài những yếu tố của chất lượng âm nhạc, chính là khơi gợi những kỷ niệm có (và cả chưa có) trong tâm trí mỗi người nghe.
Những ngày đầu tháng Tám, dù bạn đang ở mảnh đất phía Bắc đang xen lẫn những oi nóng của mùa hạ và mát mẻ của mùa thu, hay đang phải ngồi trong căn nhà của mình ở đất Sài Gòn trong những ngày tháng khó khăn này, "3107-3" sẽ đến với bạn như một liều thuốc làm dịu những lo nghĩ và đưa bạn vào thế giới của tình yêu. Dù tình yêu đó có bị "lộn ngược" trong tiêu đề ca khúc.
Nguồn: TH&PL