BÌNH TĨNH NGHE: Mood nào nghe MoodShow Bảo Anh?

Những ngày này hẳn tin tức thời sự đã làm biết bao người mỏi mệt. Không gì tốt hơn là được trốn vào một góc, cắm tai nghe và tìm đến âm nhạc nhẹ nhàng. Nếu bạn có là người phải cậy nhờ âm nhạc để cân bằng cảm xúc, Bảo Anh và "MoodShow" rất hân hạnh được phục vụ.

BÌNH TĨNH NGHE: Mood nào nghe MoodShow Bảo Anh?
binh tinh nghe mood nao nghe mood show bao anh - anh 0

Vào thời điểm bài viết này được ra đời, "MoodShow" đã lên sóng toàn bộ hai tập, thu hút được nửa triệu lượt xem mỗi tập. Chắc hẳn, trong những lượt xem kia có những con người đến vì âm nhạc, có những con người đến vì cá nhân Bảo Anh, và có những người đến vì họ đã mỏi mệt với thực tại.

binh tinh nghe mood nao nghe mood show bao anh - anh 0

"MoodShow" lựa chọn một cách tưởng chừng an toàn mà ít ai làm khi chọn những ca khúc nhạc Hoa lời Việt - phối khí lại theo phong cách lo-fi. Nếu như "Chỉ là không cùng nhau" qua sự thể hiện của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi trở thành một bản ballad ngọt ngào, "Biệt khúc chờ nhau" phiên bản của Văn Mai Hương và Bùi Công Nam pha một chút yếu tố thính phòng thì ngay từ những giây đầu của "MoodShow", khi giai điệu của "Nhớ về anh" vang lên, người nghe thấy được chất lo-fi rõ rệt, và đó chính là yếu tố xuyên suốt các ca khúc đã và sẽ được thể hiện trong show âm nhạc này.

Với nhạc lo-fi, không cần quá nhiều người để làm nên một ca khúc hay một màn trình diễn. Người làm nhạc có thể xuất hiện cùng ca sĩ hoặc đứng ngoài góc máy quay; về phía người nghe, họ cũng biết rằng để có bài nhạc mà họ đang nghe, âm thanh đã được qua xử lý một cách cẩn thận để chất lượng tuy thấp mà hiệu quả không hề thấp một chút nào.

Và producer đồng hành với Bảo Anh trên hành trình "MoodShow" là Quờ. Là cựu thành viên ban nhạc Lộn Xộn, Quờ là một "tín đồ" của nhạc hip hop và những âm thanh nặng filter. Những sản phẩm của anh qua kênh Youtube chính thức của mình như "BUZZ!!!" hay "Chạy đi đâu con sâu" là minh chứng rõ ràng cho phong cách âm nhạc của Quờ. Bảo Anh chọn Quờ là một sự lựa chọn hợp lý cho một sản phẩm khác lạ nhưng không quá khó nghe.

Về phần Bảo Anh, "MoodShow" không phải là một sản phẩm có tính toán từ trước. Như chính những gì cô đã chia sẻ, đây hoàn toàn là một quyết định cho những ngày không ai có thể đi đâu được cả. Giữa không gian của bốn bức tường, sự bí bách được là chính mình đối với nhiều người sẽ tăng lên theo từng giây phút; và với Bảo Anh, âm nhạc nói chung và "MoodShow" nói riêng là cách để cô giải thoát khỏi sự bí bách này.

Qua những khung hình của "MoodShow", khán giả thấy được sự giản đơn trong cách bài trí, sắp xếp. Bảo Anh - nhân vật trung tâm chỉ cần việc nhìn vào camera (hoặc không nhìn), nói chuyện với mọi người và hát cho mọi người nghe, từ chính phòng khách của mình. Sự đơn giản đó hóa ra lại có ích, bởi khi mọi yếu tố xung quanh đều chỉ là phụ, điểm nhấn sẽ nằm ở nhân vật chính. Mọi cảm xúc của Bảo Anh đều được âm nhạc tăng cấp, khiến "MoodShow" trở nên quý giá hơn. Nói một cách khác, trong một thế giới chỉ có âm nhạc, ấp ủ nó càng lâu thì nó sẽ càng "lên men".

binh tinh nghe mood nao nghe mood show bao anh - anh 0
Ai ngờ được "MoodShow" chỉ với hai người lại "smooth" thế này!
binh tinh nghe mood nao nghe mood show bao anh - anh 0

Âm nhạc được chắt lọc để đưa vào "MoodShow" là những ca khúc có tuổi đời đã trên 20 năm. Như một người đã bình luận: "Ai biết bài này ["Tình lỡ cách xa"] chắc cũng đã U40", "MoodShow" do đó khá phù hợp với những người đã đang ở nửa kia của những năm tháng trung niên. Và điểm hay là "MoodShow" cũng phù hợp với những người trẻ như Gen Z hiện nay.

Gần như mọi giai điệu, hòa âm của những ca khúc xưa cũ đều được giữ nguyên trong "MoodShow". Công việc của Bảo Anh và Quờ chỉ là truyền tải nó dưới một sự sắp đặt mới - không cần nhiều ngân nga, luyến láy, giọng hát "phối hợp" cùng âm thanh được tối giản tạo nên một trải nghiệm khác với những gì mọi người hay nghe về nhạc Hoa lời Việt. Nếu ở thời điểm ra đời, những bài hát đó vẫn còn mang một màu C-Pop khá rõ rệt, thì nay các yếu tố địa lý đã bị âm nhạc xóa sạch; sản phẩm cuối mà người nghe thưởng thức là những ca khúc nhẹ nhàng, đúng nghĩa "chill".

Và cũng không biết do tình cờ hay có chủ đích, mà những ca khúc trong "MoodShow" cũng cùng chung một màu tâm trạng: cô đơn, trống trải, nhung nhớ, và biết bao cảm xúc mà một người thất tình có thể cảm nhận được. Đặt vào bối cảnh ra đời của những ca khúc, "MoodShow" là tiếng lòng của tình yêu đổ vỡ - một dấu ấn trong âm nhạc của Bảo Anh, người khá nổi tiếng với những "Trái tim em cũng biết đau" hay "Ai khóc nỗi đau này". Đặt vào bối cảnh hiện nay, chuỗi ca khúc trong "MoodShow" vẽ nên một bức tranh khá "thời sự": hình ảnh những con người mất kết nối với nhau, nhung nhớ về một ngày xưa đẹp và nhớ đến cả một mai sau được sum vầy trong đầy ắp tình cảm. Những gam màu tâm trạng này được trộn vào nhau với một tỷ lệ vừa đủ cho từng ca khúc để khiến cho "MoodShow" không quá ủy mị, sến súa nhưng cũng không "lệch pha" sang một thứ âm nhạc xa lạ nào khác.

binh tinh nghe mood nao nghe mood show bao anh - anh 0
Nghe "MoodShow" cũng được, xem "MoodShow" khán giả cũng sẽ không hề thất vọng

"MoodShow" làm thỏa mãn cả những người nghe và người xem. Bảo Anh có gầy hơn, nhưng cách cô lựa chọn trang phục vẫn làm tôn lên vẻ đẹp mà mọi người từng thấy ở một Bảo Anh của những ngày đầu bước chân vào âm nhạc. Ở trong "MoodShow", cô là người chủ căn phòng, với phong thái nhẹ nhàng, không quá lố; Quờ bước vào camera từ bài hát "Xa vắng", và trở thành vị khách mời cùng Bảo Anh "chơi" với âm nhạc - một điều rất nhiều người thèm muốn ngay lúc này, nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng làm được.

binh tinh nghe mood nao nghe mood show bao anh - anh 0

Tất nhiên, nếu "MoodShow" hay thật hay thì cũng có lý do để không nhiều người nghe "MoodShow" trong thời gian này. Chuỗi ca khúc được Bảo Anh thể hiện từ nhà vô tình rơi vào một cuộc tranh luận nổi lên gần đây về việc liệu những ca khúc nhạc Hoa lời Việt có đang "xâm chiếm" V-Pop hay không, và ít nhiều cũng có những ý kiến cho rằng Bảo Anh không thực sự thích hợp để đi theo xu hướng này.

Nếu "MoodShow" cũng chỉ đơn thuần là hát lại những ca khúc nhạc Hoa mà không có một chút nào sáng tạo, Bảo Anh sẽ không còn là một nghệ sĩ, mà là một nghệ sĩ "cover" - một tên gọi có khả năng "phá giá" sự nghiệp của bất kỳ một nghệ sĩ nào. Nhưng "MoodShow" không phải vậy, và Bảo Anh vẫn là Bảo Anh; việc chỉ quay có tám ca khúc là đủ để khiến cô không quá nhớ những ngày còn hoạt động âm nhạc bình thường, cũng như giúp các "tuyệt phẩm" nhạc Hoa lời Việt giữ nguyên giá trị của mình.

Hai tập của "MoodShow" ra đời không nhằm để Bảo Anh biến đổi mình sang một màu âm nhạc khác; những giai điệu trong đây đơn thuần là một "biến thể" của Bảo Anh được sinh ra từ những ngày phải ở nhà chống dịch. Hẳn là các fan của cô cũng biết điều đó, và nhờ vào tình yêu của các "fan", "MoodShow" đã, đang và sẽ là "liều thuốc" cho những ai đang cần được âm nhạc xoa dịu những ngày không được đi đâu.

BÌNH TĨNH NGHE: Bao nhiêu "Sài Gòn" trong No Nê - Suboi?

BÌNH TĨNH NGHE: Pháo x Tyga, biến thể mới của "Hai phút hơn" chưa xuất sắc

Những cách giúp chúng ta vượt qua tình trạng "đau mood"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ