Bảo lưu kết quả học tập: Có phải là quyết định "một đi không trở lại"?

Quyết định bảo lưu kết quả học tập, nghỉ ngơi chút xíu... rồi sao nữa?

Hiện nay, thuật ngữ "bảo lưu kết quả học tập" không còn xa lạ đối nhiều sinh viên hay thậm chí với các bậc phụ huynh. Lý do cho việc tạm ngưng học tập được đưa ra rất nhiều, nhưng lý do chính để nhiều sinh viên muốn tạm dừng việc học của mình, hầu hết là vì bản thân đang phải học một ngành học mà mình không thích, hoặc lơ là dẫn đến kết quả học tập kém, không còn động lực để tiếp tục theo học. Như vậy, việc quyết định bảo lưu lúc này trở thành một hành trình "gap year'' đầy táo bạo, mà không phải sinh viên nào cũng hiểu rõ cơ hội và rủi ro của nó.

bao luu ket qua hoc tap co phai la quyet dinh mot di khong tro lai - anh 0

Quyết định bảo lưu để đổi lấy những cơ hội nào?

Việc bảo lưu kết quả học tập ở trường giúp chúng ta có thêm thời gian để tự suy ngẫm, sắp xếp công việc và định hình lại bản thân. Lợi ích lớn nhất của việc dành thời gian nghỉ ngơi, khám phá bản thân, và cuộc sống, là nó mang lại cơ hội khám phá sở thích nghề nghiệp. Khoảng thời gian này sẽ mang đến cho bạn một loạt các trải nghiệm mới, cho phép bạn quyết định cái nào hấp dẫn nhất. Cũng là thời gian để nhìn sâu hơn vào tâm hồn mình và khám phá ra những tham vọng và mong muốn của bản thân. Điều này giúp sinh viên tìm ra niềm đam mê thực sự của mình, là nền tảng cho một sự nghiệp viên mãn sau này.

“Đậu vào ngành Báo chí - truyền thông của trường ĐH KHXH&NV Hiếu thực sự rất hạnh phúc. Một năm ở Sài Thành, Hiếu nhận ra rằng, Sài Gòn khơi dậy nơi Hiếu một niềm đam mê ca hát cháy bỏng mà khi ở quê, Hiếu không có nhiều cơ hội để học và thực hiện ước mơ ấy. Vì vậy, mình muốn dùng hai học kì bảo lưu để luyện tập và ôn thi vào Nhạc Viện TPHCM, nếu đậu, Hiếu sẽ học song song hai trường, nếu chưa có duyên, Hiếu vẫn có thể quay trở lại, tiếp tục theo học ở trường cũ” - Bạn M.Hiếu (Sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn) chia sẻ.

bao luu ket qua hoc tap co phai la quyet dinh mot di khong tro lai - anh 0

Nhiều sinh viên, sau khi bảo lưu kết quả học tập, họ tự giải phóng những suy nghĩ tiêu cực và ức chế của bản thân bằng việc đi làm thêm. Việc làm thêm giúp họ có thêm thu nhập, có thêm khoản chi phí để trang trải sinh hoạt, ăn uống. Đi làm thêm, sẽ giúp ta hiểu hơn được quá trình lao động kiếm tiền như thế nào? Là cơ hội để trải nghiệm được việc tự lập tài chính. Tạo cho chúng ta có thói quen kiểm soát và chi tiêu hợp lý hơn.

Hơn nữa, việc đi làm thêm giúp bạn nâng cao các kỹ năng cho bản thân, được thực hành những lý thuyết mà trước đây chúng ta chỉ được nghe giảng vào trong công việc. Việc làm thêm cho sinh viên sẽ khiến chúng ta làm quen dần với những khó khăn trong công việc, học được cách giải quyết và điều chỉnh được những áp lực công việc. Giúp mọi người học cách quản lý thời gian biểu của mình tốt hơn. Tiếp xúc với môi trường công việc sớm, giúp bạn có thêm nhiều nền tảng vững chắc hơn cho công việc sau này.

Bảo lưu kết quả học tập: Tạm dừng hay kết thúc?

Đầu tiên phải kể đến việc bạn sẽ phải đối mặt với việc quên hết các kiến thức đã được dạy trước đó. Có nhiều sinh viên khi tìm đến bảo lưu kết quả học tập với mong muốn đơn giản là chỉ tạm dừng, và suy nghĩ sẽ cố gắng tự học để lấy lại kiến thức khi quay trở lại sau bảo lưu, thế nhưng hầu như rất khó để các bạn có thể nắm bắt và tiếp tục theo kịp bài vở trên lớp, hơn nữa chúng ta thường luôn bị chi phối bởi rất nhiều thứ, việc tìm lại niềm hứng thú với ngành học, hay là theo kịp tiến độ học là một thách thức rất lớn mà chúng ta phải cân nhắc trước khi bảo lưu.

bao luu ket qua hoc tap co phai la quyet dinh mot di khong tro lai - anh 0

Thứ hai, nhiều sinh viên trong thời gian tạm dừng học tập, kiếm được rất nhiều tiền từ các công việc làm thêm, tìm được nơi để họ thỏa sức tung tẩy với những sở thích, đam mê của bản thân ngoài trường học,... Rất nhiều trong số đó chọn cách xin thôi học để tiếp tục những lý tưởng tuổi trẻ của mình.

“Mình đã từng nghe rất nhiều người bảo rằng, học Đại học sướng lắm, thời gian mình mới vào Sài Gòn, mọi thứ cũng như thế. Hầu hết thời gian mình đều dành cho bạn bè, cho việc đi ăn uống, xem phim, khám phá những điều mới lạ. Nếu hôm nào siêng thì mình sẽ đến lớp, còn nếu đang lỡ giấc thì mình sẽ cúp hẳn buổi học hôm đó luôn. Hậu quả là đến giờ kiến thức nền tảng của mình không có, mình có cố gắng bao nhiêu cũng không thể bắt kịp bài vở trên lớp, kết quả thì vẫn không khả quan, nên mình muốn tạm dừng học tập để suy nghĩ lại liệu mình có nên bỏ để chuyển sang một con đường khác hay không?” - B.Trâm ( Sinh viên ĐH Hutech) tâm sự.

bao luu ket qua hoc tap co phai la quyet dinh mot di khong tro lai - anh 0

Không ít bạn sinh viên có hoàn cảnh giống như Trâm, nhưng không phải ai cũng đủ táo bạo để quyết định rẽ sang một con đường khác trong khi vẫn chưa xác định được bản thân mình thật sự đang thích điều gì. Nếu như dành ra một năm hoặc hơn, cho việc tạm dừng học tập chỉ vì những mục đích không xác đáng của cá nhân, thứ chúng ta mất, không đơn giản chỉ là tiền bạc, kiến thức, mà quan trọng hơn hết đó là thời gian. Thời gian tuổi trẻ qua đi rất khó để lấy lại. Nếu không suy nghĩ kĩ, rất có thể khi bạn bè cùng trang lứa chúng ta đã tốt nghiệp và đi làm, chúng ta vẫn phải chật vật vì không biết phải làm gì, khi chuyện học cũng chưa hoàn thành, và sở thích thì cũng không tài nào thực hiện được. Thất nghiệp, tệ nạn xã hội,... cũng một phần khởi nguồn từ đây.

Tạm kết

Với mỗi một người khác nhau, cuộc hành trình ấy cũng không giống nhau, và những quyết định của chúng ta cũng như thế! Khi quyết định tạm dừng học tập, chúng ta cần có trách nhiệm giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong thời gian bảo lưu. Vậy nên cần có sự cân nhắc thật kĩ về việc bảo lưu kết quả học tập của mình, từ đó, đưa ra sự lựa chọn tốt nhất. Vì việc bảo lưu kết quả học tập thực sự chỉ nên dành cho các trường hợp không thể xử lý theo cách khác mà thôi!

Bỏ học đại học: một lần "xé nháp" cho những quyết định tuổi trẻ?

Chọn trường Đại học thế nào để "không hối hận"?

Có bằng Đại học nhưng thất nghiệp là lỗi do ai?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ