ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM thông báo chính thức đi vào hoạt động với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2022.
Sáng 24/11, ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM thông báo chính thức đi vào hoạt động với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2022 là hơn 600 sinh viên. Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) có diện tích khoảng 80.000 m2, được quy hoạch bài bản và đồng bộ, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, thiết kế và xây dựng theo mô hình các trường đại học danh tiếng thế giới.
Trong năm học đầu tiên, nhà trường sẽ tuyển sinh ở 5 ngành đào tạo là Công nghệ thông tin, Bất động sản, Truyền thông đa phương tiện, Marketing và Quản trị kinh doanh.
TS Trần Nam Quốc, Trưởng khoa Kinh doanh của ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM nhấn mạnh Công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn của trường. Ngành học này sẽ được chú ý đào tạo về ứng dụng thực tiễn và thực hành chuyên nghiệp, dựa trên nền tảng của chương trình học cập nhật theo hướng phát triển mới và nhu cầu của thị trường lao động.
UMT sẽ tập trung đầu tư chương trình đào tạo chuẩn công dân toàn cầu, đề cao tinh thần khai phóng; cơ hội trải nghiệm quốc tế, thực tiễn doanh nghiệp xuyên suốt chương trình học; cơ sở vật chất quy mô, hiện đại.
Bên cạnh đó, trường tích cực tổ chức các hoạt động sinh viên phong phú, đặc sắc và phát triển toàn diện; hướng đến các giá trị phát triển bền vững. Chuyên gia đầu ngành, giảng viên doanh nhân sẽ cùng hoạt động học tập tương tác, thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, trải nghiệm hạnh phúc.
Ở ngành Bất động sản, TS Trần Nam Quốc cho biết sinh viên khi theo học sẽ có lợi thế tiếp thu các kiến thức mới về bất động sản và sở hữu chương trình học tập tích hợp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực.
Truyền thông đa phương tiện là ngành được ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM định hướng phát triển về Quản trị công nghệ truyền thông, tích hợp trên nền tảng số hóa và Sản xuất truyền thông đa phương tiện.
Đối với Marketing, nhà trường phát triển theo hai chuyên ngành là Marketing số và Quản trị thương hiệu.
ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM cũng định hướng phát triển chuyên sâu ngành Quản trị kinh doanh ở hai nhóm chuyên môn là Kinh doanh số và Khởi nghiệp sáng tạo.
Mức học phí các ngành được nhà trường công bố dao động từ 18 triệu đồng đến hơn 35 triệu đồng, tùy theo từng chương trình đào tạo.
Phát biểu tại buổi họp báo, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Cố vấn hội đồng trường nhận xét điểm khác biệt lớn nhất của ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM so với các trường đại học truyền thống là sự trẻ trung.
"Điều mà chúng tôi nhìn thấy ở một trường đại học 'trẻ' là đội ngũ quản lý, giảng viên; chương trình đào tạo và cơ sở vật chất. Có lẽ đây là một trong những đại học hiếm hoi khởi công xây dựng cơ sở vật chất trước khi có quyết định thành lập trường" - Tiến sĩ chia sẻ.
Nguồn: TH&PL