Đâu là bài học đắt giá mà người trẻ rút ra khi lọt vào thảm cảnh chôn chân trong nhà?
Cuộc sống trong những ngày giãn cách đã đẩy những đứa trẻ Gen Z vào những hoàn cảnh khốn đốn nhất. Người bị kẹt lại thành phố vì không kịp chuyến xe cuối cùng về quê trong những ngày phong tỏa. Người nương náu một mình trong phòng trọ gần 4 tháng, phải đối mặt với nỗi cô đơn và nhiều cảm xúc tiêu cực.
Đại dịch đã bóc trần những điều tồi tệ không bao giờ ngờ tới có thể xảy đến đối với thế hệ trẻ. Nhưng đó cũng là lúc người trẻ dần nhận ra những giá trị cuộc sống mà lâu nay bị lãng quên đó là sức khỏe, gia đình, tiền bạc. Đây cũng là lúc người trẻ tự nhìn nhận lại chính bản thân mình, rút ra những bài học giá trị mà có lẽ, nếu đại dịch không xảy ra, chúng ta sẽ không có cơ hội để trải nghiệm.
Hậu giãn cách, Gen Z đã rút ra được cho mình những bài học "xương máu" nào? Và Gen Z sẽ làm gì để củng cố bản thân trong giai đoạn sắp tới?
Sức khỏe tinh thần là điều vô vùng quan trọng và không thể "mát như dưa hấu" để giải quyết vấn đề
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống của con người rơi vào trạng thái "đứng yên". Dịch bệnh khiến mọi người phải ở trong nhà, ngột ngạt và tù túng. Dịch bệnh khiến những kết nối phần nào đứt quãng. Từ công việc, học tập đến trao đổi, hội họp đều chuyển sang trạng thái "offline".
Chia sẻ với về những ngày quanh quẩn trong nhà, Bảo Hân tâm sự: "Sức khỏe tinh thần trong mùa dịch là điều quan trọng và cần được điều chỉnh, trấn an theo cách phù hợp. Bởi vì một tháng qua bản thân mình đã bị mắc kẹt trong chính nỗi sợ của mình và không tìm thấy lối thoát.
Có lúc mình nghĩ đến những điều gọi là "điên rồ" khi mỗi ngày phải nghe những con số biết nói trên ti vi. Nó làm mình mệt mỏi và khó thở. Mình tìm đến bác sĩ và mình đã bị suy nhược cơ thể, tim đập nhanh.
Sau đó là những ngày mình đấu tranh để điều trị tâm lý bằng cách vẽ tranh, suy nghĩ đến những điều tích cực, tìm kiếm niềm vui cuộc sống từ gia đình và mình dần ổn. Lúc trước mình từng nói 'để giải quyết một vấn đề, trước hết chúng ta hãy mát như dưa hấu'.
Nhưng khi gặp vấn đề chúng ta sẽ không buộc bản thân mình làm như thế được, chỉ có cách " đấu tranh" và điều chỉnh nó theo cách phù hợp nhất. Mình đã từng đọc câu nói 'người ta đang chết vì đói, chứ làm gì có ai chết vì buồn'. chúng ta hãy cố gắng xây dựng cho mình một tình thần lạc quan trước quan trước dịch bệnh để đối mặt với một cách bình tâm nhất".
Đại dịch đã ảnh hưởng đến mỗi người theo nhiều cách khác nhau và sức khỏe tinh thần trong mùa dịch là điều mà nhiều người đang bỏ quên hoặc không dám thừa nhận hay lên tiếng. Vì thế, không riêng Bảo Hân mà nhiều bạn trẻ khác đang mắc kẹt trong chính những suy nghĩ tiêu cực của mình thì hãy thoát ra nó càng nhanh càng tốt.
Bạn Hoài Thương bộc bạch: "Biết được tầm quan trọng của sức khoẻ nên mình đã cải thiện đồng hồ sinh học của mình, sống và sinh hoạt có nề nếp hơn. Bên cạnh đó, điều quan trọng mà hậu giãn cách mình rút ra được là tầm quan trọng của gia đình.
Đại dịch này ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt, nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì nhờ vào khoảng thời gian giãn cách này mà mình được gần gũi với ba mẹ hơn, hiểu ba mẹ hơn cũng như là giải quyết được những mâu thuẫn giữa ba mẹ và mình".
Hóa ra, điều mà Gen Z chán ghét bấy lâu nay giờ đây đã trở thành chân ái - học offline
Ngày chưa có dịch, nỗi ám ảnh mỗi sáng thức dậy đến trường luôn làm người trẻ oằn mình, ngán ngẩm. Ai cũng khóc than cảnh 5 tiết học dài quá đỗi, ngáp ngắn ngáp dài ở lớp, vậy mà giờ đây khi dịch diễn ra, được ở nhà, không phải đến trường nhưng chẳng vui tí nào!
Bạn Ngô Thơm đã có những chia sẻ thật lòng với : "Hậu quả của dịch Covid-19 quá nặng nề khiến cho cuộc sống thường ngày bị đảo lộn. Trong giai đoạn này, các bạn trẻ Gen Z phải chuyển từ offline sang học online và mình cũng vậy! Thực sự rất khó khăn khi phải học online khi thiếu các thiết bị học tập khác nhưng mình nghĩ là đó cũng là cách kiểm soát dịch tốt nhất từ Chính phủ".
Khi sử dụng internet để học tập thì có rất nhiều thứ làm mình bị phân tâm bởi vô vàn những thứ hay ho khác trên mạng xã hội, các bộ phim hay ở trên YouTube hay những màn đấu game quyết liệt. Điều này khiến cho hiệu quả những lần học online mình thấy không cao".
Sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện đời sống của con người, đặc biệt là người trẻ. Khi lần đầu tiên, Bộ Giáo dục phải tính toán đến phương kế học online kéo dài trong nhiều tháng. Suốt khoảng thời gian ấy, chúng ta đã phải chứng kiến biết bao sự thay đổi về kinh tế, xã hội, đời sống đến học tập của các bạn trẻ. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc học trực tiếp ở trường trở nên khó khăn hơn.
Nhiễm Covid và đối mặt
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm lý của mỗi cá nhân. Sống trong đại dịch, chúng ta không khỏi lo sợ về tình trạng sức khỏe của chính mình, của người thân hay bất kỳ ai xung quanh. Lo sợ sự tiếp xúc với mọi người trong trạng thái kỳ thị hay bị kỳ thị. Sống trong sự cách ly, người ta không khỏi tránh những tâm lý hoang mang, nỗi sợ đến từ sự cô đơn khi bị đứt gãy các kết nối.
"Trong những ngày gồng mình chống dịch, mình bị nhiễm Covid khi đang cách ly tại nhà (vì mình di chuyển từ Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi nên phải cách ly). Mọi thứ gần như suy sụp, mình phải hứng chịu khá nhiều gạch đá từ dư luận với những tin đồn thất thiệt vì lúc đó ở khu vực, mình là ca nhiễm đầu tiên. Nhưng may mắn vì chấp hành tốt quy định cách ly nên mọi thứ xung quanh đều an toàn và không ai bị nhiễm bởi nguồn lây từ mình.
Cũng từ đó mà mình nghĩ nên bình tĩnh đối diện với mọi thứ và không nên "xù lông nhím" khi gặp những điều tiêu cực. Vì thời gian, hành động sẽ tự chứng minh cho điều đó. Hãy bình tĩnh và đối diện với mợi thứ thì điều tốt đẹp sẽ đến. Hậu giãn cách, việc đầu tiên mình làm đó chính là nạp năng lượng. Bởi đôi khi ở nhà làm chúng ta bị ngột ngạt". Đây là những lời chia sẻ của Phan Linh về những điều mà bạn đã trải qua trong những ngày giãn cách.
Phan Linh hay những bạn đã từng là nạn nhân của dịch Covid-19 đều bị ám ảnh tâm lý trong một thời gian dài vì những di chứng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của đại dịch. Tuy nhiên để thích ứng với tình hình dịch bệnh, các bạn trẻ không ngại giải phóng mình trước những điều tiêu cực mà tìm đến nhiều niềm tích cực.
Trong hoàn cảnh đặc biệt như thế này, mỗi bạn trẻ sẽ rút ra cho mình nhiều bài học khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta hãy tin rằng cuộc sống sẽ lại vận hành theo đúng quỹ đạo của nó và việc của chúng ta bây giờ là định hình lại thế giới quan của mình.
Nguồn: TH&PL