Thời gian làm thay đổi nhiều thứ, và những "thảm họa" âm nhạc cũng dần được chấp nhận.
Giai điệu của một bài hát có thể khiến tâm trạng của người nghe thay đổi, tác động theo chiều hướng tích cực và tiêu cực, phần ngôn từ cũng vậy.
Ngôn từ bài hát có thể trau chuốt, cầu kỳ, ẩn dụ sâu xa (như các bài hát thời tiền chiến, cách mạng, của các thế hệ đi trước) nhưng cũng có thể rất đơn giản, dễ hiểu theo lối văn nói (điển hình là các bài hát hiện nay).
Tuy vậy, cách đây 10 năm, đã có một bài hát theo lối văn nói bị "ném đá" dữ dội là Nói Dối của ca sĩ Phương My. Với phần ca từ ngô nghê và có phần hơi "nhảm nhí", sản phẩm này đã trở thành một trong những bài hát bị đánh giá là thảm họa của năm 2011.
Phương My từng chia sẻ, Nói Dối chỉ là ca khúc cô hát cho vui chứ không mang tính nghệ thuật cao. Những tác phẩm nghệ thuật được cô làm đều có sự đầu tư rõ ràng, chứ không chỉ đọc Rap như đọc vè trên nền nhạc dance như vậy.
"Có ai giải thích được giai điệu nhạt nhẽo và lời bài hát nhảm nhí là như thế nào không? Chứ Phương My thấy ca khúc Nói Dối giai điệu rất vui, lời bài hát xoay quanh vấn đề tình yêu thôi chứ có gì đâu mà nhảm nhí", nữ ca sĩ chia sẻ trong một bài phỏng vấn cách đây nhiều năm.
Ca khúc mở đầu với phần lặp lại từ "nói dối" nhiều lần và đã trở thành một video meme hài hước của giới trẻ trong thời gian gần đây. Đoạn clip này cũng trở thành một phần hậu tố của những video trên nền tảng TikTok, khi người sáng tạo nội dung đó muốn đề cập việc ai đó đang không nói đúng sự thật.
Cũng đã có những động thái xem xét lại về việc liệu đây có thực sự là một bài hát thảm họa hay không. Nhiều người cho rằng, nếu so với một số bài hát của giai đoạn hiện nay, sản phẩm này ít ra vẫn còn có chủ đề và nội dung rõ ràng.
Nguồn: TH&PL