Với tình tiết xoay quanh những mâu thuẫn của gia đình Người Kiến khi lạc vào Lượng Tử Giới, "Ant-Man 3" tập trung vào yếu tố tình thân, cùng cái gọi là "khoảng cách thế hệ" khiến các bậc phụ huynh phải đau đầu.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim
Ant-Man and the Wasp: Quantumania (Tựa Việt: Người Kiến Và Chiến Binh Ong: Lượng Tử Giới) là phim chiếu rạp thứ 31 thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tên phim tiếng Anh tương đối "hack não", khi nửa đầu tạo cảm giác như thể bạn vừa bỏ qua vài chục tập của một phim truyền hình (Chiến Binh Ong là ai?), nửa sau "Quantumania" tựa như một khái niệm vật lý mà lẽ ra bạn nên biết, nếu bạn tập trung hơn hồi còn ngồi ghế nhà trường.
Về cơ bản, The Wasp là Hope van Dyne (Evangeline Lilly) - người yêu của Ant-Man/ Scott Lang (Paul Rudd), đồng thời cũng là nữ anh hùng sở hữu công nghệ "hạt Pym" giúp cô tùy ý thay đổi kích thước cơ thể. Quantumania là lối chơi chữ của từ Quantum (Lượng tử) và Mania (Điên cuồng), ý chỉ những sự kiện điên rồ mà Nhà Kiến gặp phải khi rơi vào Lượng Tử Giới.
Ngay từ phần một Ant-Man, Lượng Tử Giới được giới thiệu là một vũ trụ bí mật tồn tại bên trong vũ trụ của chúng ta, chỉ có thể đến đó thông qua công nghệ "hạt Pym" của Tiến sĩ Hank Pym (Michael Douglas). Chỉ đến phần 3, khi cô con gái "báo thủ" Cassie (Kathryn Newton) tạo ra thiết bị phát tín hiệu xuống Lượng Tử Giới, cả gia đình mới bị một "thực thể" hút xuống vũ trụ bí ẩn này. Thực thể này có tên gọi Kang the Conqueror (Jonathan Majors) - một kẻ thù có tiềm năng đe dọa sự tồn vong của Đa Vũ Trụ.
Nhưng ai mong đợi Ant-Man 3 sẽ là một phim siêu anh hùng có kỹ xảo hoành tráng và độc bản, với những trường đoạn giao tranh kinh thiên động địa sẽ dễ thất vọng. Bởi trên thực tế, việc kẹt trong Lượng Tử Giới như một phép thử đối với gia đình Kiến.
Scott Lang và con gái Cassie liên tục mâu thuẫn nhau về quan điểm sống: Trong khi Kiến cha chỉ muốn an phận và khép lại chuỗi ngày hành hiệp trượng nghĩa, Kiến con lại mang tinh thần chính nghĩa đến mức ương bướng. Trong khi đó, người bà Janet (Michelle Pfeiffer) cũng có những bí mật chưa kể với chồng và con.
Kịch bản còn "quen quen" hơn, khi Cassie quyết định "báo" cha để trở thành anh hùng, khiến cả gia đình lâm vào những tình huống nguy hiểm mới. Với cấu trúc phim tuyến tính, kịch bản vốn dĩ ngắn gọn và không gây khó dễ cho người xem. Tuy nhiên, do tác phẩm dành quá nhiều thời gian để Nhà Kiến chất vấn, nghi ngờ nhau, câu truyện thành ra phức tạp quá mức cần thiết.
Phần hội thoại không chỉ dày đặc từ phía gia đình của Scott Lang, mà còn ở nhân vật phản diện Kang. Vì là kẻ có thể đi lại tự do giữa các dòng thời gian và những chiều không gian khác nhau, mỗi lời nói của Kang đều mang tính "tiên tri", hay nói đúng hơn là cài cắm tình tiết cho các phim trong tương lai của Vũ Trụ Marvel.
Nhìn chung, chuỗi thông điệp qua phần hội thoại không quá nhàm chán với các fan của Marvel, do ẩn chứa đầy "hint" về những nhân vật, hay những sự kiện hấp dẫn sắp sửa được đưa lên màn ảnh rộng (mà chỉ ai đọc truyện mới thấy sướng).
Phim còn gây tiếc nuối khi những "chiến công" của Kang chỉ là... nói mồm, chứ không được minh họa bằng những trường đoạn máu lửa và sống động. Điều này khiến gã phản diện trở nên "đầu voi đuôi chuột" ở cảnh cao trào khi hắn phải đối đầu với gia đình Kiến. Đến kết phim, khán giả khó hình dung một kẻ chỉ sở hữu đồ công nghệ như Iron-Man, thì có gì đặc biệt khiến cả Đa Vũ Trụ phải run sợ (trừ khi bạn từng xem series Loki, dành gần một tiếng để nghe các lãnh đạo nhà Marvel nói về việc họ tâm đắc với nhân vật Kang như thế nào, cũng như nán lại đến hết after-credit của Ant-Man 3).
Nguồn: TH&PL