Fashion Open Studio đã cộng tác với 9 nhà thiết kế tiên phong cho một loạt các hội thảo trực tuyến để đánh dấu Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu.
Trước những sự thật về ảnh hưởng kinh khủng của ngành công nghiệp thời trang tới môi trường cho đến nay, chúng ta luôn đặt ra câu hỏi rằng: Liệu chúng ta có thể thực sự giảm tác động của ngành công nghiệp này đến môi trường? Và như một tín hiệu đáng mừng, 9 nhà thiết kế tiên phong đến từ năm châu lục đang cho thấy điều đó.
Bằng cách đề ra một loạt các giải pháp cho một số thách thức mà cộng đồng của họ đang phải đối mặt, chín nhà thiết kế này đang chứng minh những gì chúng ta có thể học hỏi được từ kiến thức bản địa và cách làm việc với nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn.
Trong bối cảnh diễn ra COP26, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2021, các nhà thiết kế đã được yêu cầu phản hồi về các chủ đề về biến đổi khí hậu như thích ứng, khả năng phục hồi và thiên nhiên cho chuỗi hội thảo trực tuyến do Fashion Open Studio phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức.
Và dưới đây là 9 nhà thiết kế đáng chú ý trong COP26 năm nay.
1. Bora Studio Nepal
Bora Studio là thương hiệu "thời trang chậm", có trách nhiệm với môi trường được thành lập bởi Meena Gurung tại Nepal. Từ "Bora" bắt nguồn từ tiếng Nepal có nghĩa là một chiếc bao đay, được Gurung sử dụng lại để tạo ra các bộ sưu tập. Từ quá trình người nông dân gieo hạt trên đồng ruộng đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, bao tải vải đay được sử dụng nhiều lần và hoàn toàn có khả năng phân hủy sinh học (phân hủy dưới điều kiện tự nhiên).
Tất cả các hộ gia đình ở Nepal đều có một chiếc bao tải đang nằm ở đâu đó trong nhà của họ. Gurung nói: "Tôi muốn các trang phục của mình trở thành một phương tiện có thể truyền cảm hứng cho mọi người, thích ứng với tính bền vững và thân thiện với thiên nhiên".
Trong ba năm qua, Gurung đã làm việc với các cộng đồng bản địa địa phương trên khắp Nepal thông qua các chương trình đào tạo nhuộm tự nhiên cho phép cá nhân tham gia, bồi dưỡng nhận thức về lợi ích của nhuộm tự nhiên và các lựa chọn bền vững mà chúng ta có thể thực hiện với tư cách cá nhân.
Gần đây, Bora Studio đã làm việc với một cộng đồng bản địa từ Koshi Tappu, Sunsari, miền Đông Nepal, được gọi là "Sardar", những người đang sống ở trong và xung quanh khu vực đất ngập nước Koshi Tappu. Cộng đồng người dân địa phương đang phải đối mặt với một vấn đề lớn do một loài lục bình du nhập đang xâm chiếm đất đai của họ và mang đến nguy cơ rất cao cho các hệ sinh thái sông. Họ đã cho phụ nữ đi nhận đào tạo về cách tận dụng lục bình như một vật liệu có thể sử dụng để dệt thảm, túi xách và rèm cửa.
2. Sindiso Khuma, Nam Châu Phi
Sindiso Khumalo là một nhà sáng tạo chất liệu tại Cape Town, Nam Phi. Khumalo theo học ngành kiến trúc tại Trường Đại học Cape Town và làm việc cho Sir David Adjaye ở London trước khi cô hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Học viện Central Saint Martins nghiên cứu về dệt.
Được truyền cảm hứng từ mẹ mình, một nhà hoạt động chính trị chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, Khumalo đã được thúc đẩy để đưa các giá trị công bằng xã hội vào thương hiệu của mình, thương hiệu trùng tên cô mà cô đã cho ra mắt vào năm 2014. Cô thích sự đại diện cho phụ nữ da đen từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1980, nhìn vào bức chân dung của thời đó. Mỗi bộ trang phục đều kể một câu chuyện về Châu Phi, phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ.
Với việc để hàng dệt và hàng thủ công làm trọng tâm cho các bộ sưu tập của mình, cô hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ và có một xưởng sản xuất nhỏ ở Nam Phi và Burkina Faso, sản xuất hàng dệt tay và thêu tay độc đáo cho các bộ sưu tập của mình.
Cô thuê phụ nữ từ một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Cape Town có tên là Ignite Dignity, tổ chức hoạt động hướng tới việc phục hồi lại những người trước đây đã từng bị buôn bán và làm việc trong điều kiện bị bóc lột. Thương hiệu này cũng làm việc với một xưởng ở Burkina Faso để sản xuất vải dệt tay từ cây gai dầu, vải cotton tái chế và hữu cơ cùng các phế liệu tái chế.
3. Garcia Bello, Argentina
Garcia Bello được thành lập ở tỉnh Tierra del Fuego, phía Nam Argentina, bởi Juliana Garcia Bello, một sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế thời trang từ FADU.
Là một thương hiệu tập trung vào các phương pháp tái thiết và tái chế, Garcia Bello sử dụng các vật liệu đã bị bỏ đi, đồ cũ được quyên góp và quần áo cũ hoặc bị bỏ đi kết hợp với bông thô, có khả năng phân hủy sinh học để tạo nên các bộ sưu tập được sản xuất trong nước. Thiết kế mẫu được làm từ hai loại mẫu không rác thải, cho phép họ sử dụng quần áo cũ hiện có làm nguyên liệu thô và tận dụng tối đa những cuộn vải này.
Thương hiệu này hoạt động theo những gì họ mô tả là "một khung thời gian nhân đạo và không vội vã" với một lượng hàng nhỏ. Các bộ trang phục đều phi giới tính và kích thước của chúng phù hợp với các cơ thể khác nhau. Điều này cho phép họ tạo ra những món đồ thoải mái, bền lâu, ít tác động đến môi trường - những sản phẩm may mặc hàng ngày được thiết kế để có thể mặc trong một thời gian dài.
Bello mô tả phương pháp của cô là "sản xuất quy mô con người", nghĩa là sản xuất dựa trên việc thực hành đo lường và thiết kế mọi thứ để phù hợp với các đặc điểm thể chất và nhận thức của con người.
4. Rahemur Rahman, Bangladesh
Thương hiệu thời trang của Rahemur Rahman đang định lại ý nghĩa của thời trang "sản xuất tại Bangladesh". Sử dụng thiết kế, in ấn và dệt để tái hiện và kể lại những câu chuyện về bản sắc Nam Á, Rahman, người Bangladesh sinh ra ở London, pha trộn lịch sử và truyền thống với trí tưởng tượng, kết hợp với các họa tiết và lối dệt để tạo ra những sản phẩm đặc biệt "cho những người có tham vọng táo bạo".
Nhà thiết kế có một cách thiết kế độc đáo mà anh ấy đã dần hoàn thiện kể từ khi tốt nghiệp Học viện Central Saint Martins vào năm 2014. Bằng việc chỉ sử dụng các loại vải dệt từ sợi tự nhiên được nhuộm tự nhiên bằng kỹ thuật mộc bản di sản của Bangladesh, có tên là "Tẩy và Nhuộm dự trữ" (Wax and Resist dye), anh tập trung vào "cái chết của trang phục", theo đó mọi quyết định thiết kế đều được cân nhắc xem liệu chúng sẽ phân hủy và mục rữa như thế nào trên trái đất khi bị vứt bỏ.
Tất cả các yếu tố tự nhiên này sẽ mất từ 10 đến 20 năm để phân hủy hoàn toàn và một lần nữa trở thành Trái đất mang tới một thời cơ mới để sống khỏe mạnh. Mỗi sản phẩm may mặc do thương hiệu sản xuất cũng có một hạt nhỏ được giấu bên trong và khi bộ trang phục bị vứt bỏ, sẽ có một cái cây có thể mọc lên từ "cái chết" ấy.
5. Toton, Indonesia
Thương hiệu Toton tại Jakarta được thành lập vào năm 2012 bởi Toton Januar, tốt nghiệp trường Parsons New School và là đối tác của Haryo Balitar. Dựa trên nền văn hóa, thiên nhiên và di sản phong phú của Indonesia, thương hiệu này cam kết hợp tác với các thợ và nhà máy địa phương để bảo tồn các kỹ thuật di sản đã được các thế hệ đi trước truyền lại. Đồng thời giảm thiểu thiệt hại tới môi trường do các nhà máy lớn gây ra hay việc sử dụng vô trách nhiệm và lãng phí hóa chất.
Vào năm 2017, thương hiệu bắt đầu sử dụng vải denim tái chế với mục đích mới để tạo ra một bộ sưu tập được làm hoàn toàn từ các vật liệu có trong nhà và studio của họ. Thương hiệu không chỉ bắt đầu với denim từ mảnh vải thừa lại hậu tiêu thụ, mà còn cả phế liệu denim trước khi tiêu thụ từ các nhà máy vừa và nhỏ xung quanh Jakarta.
Tính hạn chế của vật liệu phế thải đã thúc đẩy thương hiệu sáng tạo hơn trong việc nghiên cứu các kỹ thuật bền vững cho cả thẩm mỹ lẫn sản xuất. Kể từ đó, Toton đã làm việc độc quyền với vật liệu phế thải cho các sản phẩm denim trong mỗi bộ sưu tập, với mức sử dụng phế thải denim trung bình khoảng 150 m3 đến 200 m3 mỗi tháng. Januar cho biết: "Đó vẫn là một con số nhỏ nhưng chúng tôi hy vọng sẽ tăng chúng theo một cách thực sự hữu cơ. Chúng tôi muốn sản xuất những sản phẩm bền lâu, chứ không chỉ là một sản phẩm khác mà sẽ sớm bị đưa ra bãi rác một lần nữa".
6. Vimbai Natasha Naomi, Zimbabwe
Vimbai Natasha Naomi là một thương hiệu của Zimbabwe được thành lập bởi Vimbai Mupfurutsa. Thương hiệu sử dụng phương thức ứng dụng mới và hữu ích với các thiết bị, vật liệu cũ đã qua sử dụng; đổi mới và thử nghiệm với việc sử dụng cẩn thận và tái sử dụng các loại vải, mẫu và quần áo đã qua sử dụng và bị vứt bỏ có nguồn gốc địa phương.
Mupfurutsa, người sử dụng các mẫu vải bị từ chối, được giải cứu từ một nhà máy bông địa phương đã ngừng hoạt động gần đây, chia sẻ rằng: "Tôi cân nhắc cẩn thận việc tiêu thụ, tái chế và quản lý chất thải về đóng góp của chúng đối với con người, nền kinh tế và môi trường". Bằng cách hồi sinh những vật liệu không còn được dùng đến, cô ấy muốn khuyến khích hệ sinh thái thời trang từ các nhà máy đến người tiêu dùng áp dụng các phương pháp bền vững như tập trung vào chất lượng hơn số lượng, định giá con người hơn lợi nhuận khi sản xuất và khuyến khích tái sử dụng đồ cũ bằng cách mua quần áo đã qua sử dụng.
Làm việc với những phụ nữ đến từ các cộng đồng bị thiệt thòi và có hoàn cảnh khó khăn, cô dạy họ cách tái sử dụng vải - cụ thể là cách tạo ra hàng dệt mới, để họ có thể tiếp tục thực hành bền vững và dạy những người khác trong cộng đồng của họ cách giảm thiểu chất thải cũng như sự ô nhiễm.
7. Iro Iro, Ấn Độ
Khi Bhaavya Goenka ra mắt thương hiệu Iro Iro, cô ấy đã bắt đầu với câu hỏi: Tại sao một thứ hữu cơ và tự nhiên như quần áo và thời trang lại gây ô nhiễm và có hại cho môi trường như vậy? Giải pháp của cô là một công việc kinh doanh sử dụng các loại vải dệt tay được tái sử dụng từ các loại vải dệt bị bỏ đi, được dệt bằng tình yêu và sự tận tâm của những người thợ dệt từ một ngôi làng gần Jaipur, Ấn Độ.
Mỗi thành phẩm của Iro Iro đại diện cho sự hồi sinh của một truyền thống thủ công đang dần lụi tàn và lợi nhuận mỗi sản phẩm bán ra được dùng để hỗ trợ một gia đình thợ dệt, giúp họ có thể theo đuổi nghề mà họ đam mê.
Việc nghiên cứu về tái sử dụng và sáng tạo trong tái sử dụng chất thải dệt công nghiệp thông qua các hoạt động thủ công bản địa của Ấn Độ đã giúp Goenka truyền bá một hệ thống sản xuất vòng tròn mới. Như vậy, Iro Iro hợp tác với các doanh nghiệp khác để tái sử dụng chất thải của họ thành chất liệu cho thời trang và nội thất, tạo ra công việc cho 20 người thợ tại một ngôi làng gần Jaipur.
Goenka nói: "Động lực không ngừng của chúng tôi chính là hình dung lại hệ thống sản xuất thời trang chứ không chỉ giới hạn sự đổi mới của chúng tôi đối với sản phẩm. Từ một hệ thống chia sẻ lỗ chứ không chia sẻ lợi nhuận, chúng tôi hướng đến mục tiêu tạo ra thời trang thịnh vượng chung trong toàn bộ chuỗi giá trị của nó".
8. Brukram, Thái Lan
Bhukram là thương hiệu thời trang Thái Lan do Pilan Thaisuang thành lập, sử dụng quần áo làm phương tiện để kể những câu chuyện về lối sống của cộng đồng người Phu Phan và môi trường tự nhiên nơi đây.
Nghệ thuật thêu phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa các thành viên trong và ngoài cộng đồng và giữa con người với thiên nhiên. Thương hiệu sử dụng quy trình cho phép cá nhân tham gia để làm việc với các thành viên của làng Ban Nang Toeng, huyện Phu Phan, tỉnh Sakon Nakhon, Thái Lan.
Đối với mỗi bộ sưu tập, nhóm thiết kế giám sát các khía cạnh thiết kế tổng thể bao gồm bóng, vải và các đối tượng được mô tả bằng cách thêu, sau đó họ phối hợp với một nhóm thợ đa dạng. Đặc biệt, thợ thêu là những người kể chuyện chính và chia sẻ câu chuyện của họ để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn nếp sống truyền thống. Màu sắc dịu nhẹ của Bhukram được lấy từ thiên nhiên, phản ánh thiên nhiên của Phu Phan, lối sống và cả tri thức truyền thống.
9. Huner, Turkey
Huner là một thương hiệu phụ kiện thời trang tại Istanbul, chuyên sử dụng lại những cánh buồm đã qua sử dụng để tạo ra những chiếc túi và phụ kiện bền bỉ. Mặc dù vật liệu cơ bản của vải buồm được làm từ sợi carbon và lớp phủ nhựa, nhưng bằng cách biến vật liệu này thành những chiếc túi có thể sử dụng nhiều lần hơn so với hình thức ban đầu của nó (buồm chỉ được sử dụng một vài lần trước khi chúng giảm hiệu suất và bị thay thế), họ cam kết tìm ra phương pháp sử dụng lâu dài cho một dòng chất thải cụ thể.
"Mục tiêu chính của chúng tôi là sản xuất, mà không cần đến bất cứ nguyên liệu mới tinh nào được sản xuất cho chúng tôi", Hüner Aldemir, người thành lập thương hiệu này vào năm 2017, đã lớn lên trong việc làm đồ từ vải phế liệu tại nhà dì của mình, chia sẻ.
Cô nhận bằng BFA về Thiết kế Thời trang từ Học viện Pratt ở Brooklyn, sau đó học việc với nhà thiết kế Peter Som ở New York. Sau đó, cô làm việc tại nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau ở Istanbul, nơi cô cảm thấy không thoải mái về mức độ tiêu thụ và sản xuất hàng loạt.
Nguồn: TH&PL