Giá xăng dầu, thực phẩm đồng loạt tăng cao gây sức ép lên đời sống sinh hoạt khiến nhiều người dân rơi vào cảnh chật vật.
Cơn bão lạm phát đang gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Giá cả của hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ xăng dầu, đồ ăn thức uống... cho đến vật liệu xây dựng đều lên đến con số kỷ lục. Bão giá không chỉ khiến người dân mà cả cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy đuối sức, từ đó đặt ra bài toán cho Nhà nước để kịp thời kiểm soát và giải quyết tình hình.
Hàng hóa bình ổn lung lay
Thời gian gần đây, chi phí đầu vào và giá nguyên liệu đang tăng từ 20-40% so với đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp bình ổn không thể giữ được mức giá cũ và xin điều chỉnh tăng.
Mới đây nhất, trứng gà - vịt loại 1 vỉ 10 quả tăng thêm 2.000 đồng, lần lượt từ 29.500 đồng lên 31.500 đồng/hộp và từ 35.000 đồng lên 37.000 đồng/họp. Giá thức ăn chăn nuôi cũng đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá heo hơi tăng 16% lên 60.000 đồng/kg so với đầu năm, còn giá gà lông màu, già công nghiệp thậm chí tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trước đó, các sản phẩm như dầu ăn, mì tôm tại các siêu thị, cửa hàng cũng điều chỉnh tăng giá bán từ 5% đến 10%.
Trong tình hình này, những người làm công ăn lương, công nhân nghèo và lao động tự do hiện đang là những đối tượng bị tác động nhiều nhất. Bởi lẽ thông thường, giá một dĩa cơm bình dân chỉ dao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng thì nay đã vọt lên 35.000 - 38.000 đồng. Chỉ riêng một tô bún bò cũng đã có giá 40.000 đồng, tăng đến 5.000 đồng so với trước đây.
Thực phẩm nào cũng tăng giá nên không lấy làm lạ khi một bữa cơm gia đình cũng tăng lên vài chục nghìn mỗi bữa. Những người nội trợ cũng phải "thắt lưng buộc bụng" để xoay xở một bữa cơm sao cho phù hợp với túi tiền song vẫn phải đảm bảo chất lượng.
Quả thật, thu nhập không tăng, thậm chí giảm nhưng giá cả mỗi thứ đều tăng đột biến mỗi ngày khiến cuộc sống người dân không khỏi lao đao.
Xăng tăng giá: Tài xế đòi bỏ nghề, người dân tìm đến phương tiện công cộng
Cùng với giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng cũng tăng sốc lên mốc kỷ lục với 33.000 đồng/lít, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Theo đó, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này đã tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 110 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng mỗi lít. Giá dầu DO 0,05s-II tăng 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng/lít; dầu hoả tăng 950 đồng, lên mức 28.780 đồng/lít. Đây cũng là lần tăng giá thứ 7 liên tiếp tính từ đầu năm đến nay ở nước ta trong 16 kỳ điều chỉnh với 13 kỳ điều chỉnh tăng.
Giao thông vận tải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng giá xăng, dầu. Riêng với các dịch vụ xe ôm công nghệ, làn sóng nghỉ việc đang ngày càng lan rộng do thu nhập teo tóp, lại thêm giá nhiên liệu điều chỉnh nhiều lần, và nếu tiếp tục chạy sẽ ngày càng lỗ. Vì vậy, giới tài xế phải tạm thời "ngủ đông" để vượt qua giai đoạn này.
Tuy nhiên, tình trạng tài xế tắt app lại ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu lưu thông của người dân. Trước đây, chỉ cần mở app nhập địa chỉ cần đến, trên màn hình sẽ hiển thị rất nhiều xe. Sau khi xác nhận tầm 1 - 2 phút là có tài xế tới đón. Nhưng nay người dân phải chờ khá lâu, tầm 15 - 30 phút là chuyện bình thường.
Mặt khác, nhiều người dân đã tìm đến các phương tiện công cộng nhằm giảm chi phí đi lại. Những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang gặp khó khăn trong câu chuyện hạn chế xe cá nhân vào nội đô thì việc tăng giá xăng sẽ trở thành "yếu tố tự nhiên" để khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện.
Không chỉ có học sinh, sinh viên, dân công sở giờ đây cũng thay đổi phương án di chuyển sao cho hợp lý nhất. Tại Hà Nội, xu hướng mang xe đạp gấp lên tàu điện đang dần nở rộ bởi tính đa dạng về nhu cầu, phù hợp với mọi lứa tuổi mà chi phí cũng không quá lớn. Việc sử dụng xe điện, ngoài ra, cũng được nhiều người trẻ cân nhắc.
Nội dung liên quan
Trong tình trạng giá xăng tăng cao, những phương tiện công cộng hay những phương tiện di chuyển không dùng đến nhiên liệu là một sự lựa chọn tối ưu nhất. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí cũng như giá thành phù hợp với đại đa số người dân, việc thay đổi thói quen đi lại có thể xem là bước khởi đầu cho việc chuyển hướng sang sử dụng các loại hình giao thông xanh nhằm bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: TH&PL