Phát biểu 8 năm trước của ông Jon Kuyper, Giám đốc sản xuất "Mad Max: Fury Road", được nhắc lại, sau khi bối cảnh Việt Nam xuất hiện trong nhiều dự án phim Hollywood.
Theo Zing, cảnh sắc tuyệt đẹp của Việt Nam truyền cảm hứng, khiến những nhà làm phim Hollywood mê mẩn. Sau A Tourist's Guide to Love - phim Mỹ có 90% bối cảnh quay ở Việt Nam - phủ sóng và nhận nhiều quan tâm, nhiều chuyên gia cho rằng sắp tới, càng có đạo diễn nước ngoài tìm đến Việt Nam để ghi hình.
Zing trích dẫn "tiên đoán" của ông Jon Kuyper 8 năm trước: "Việt Nam đã được các nhà làm phim Hollywood để ý từ lâu. Đất nước các bạn có rất nhiều phong cảnh đẹp. Con đường ngắn nhất để phát triển du lịch chính là phim ảnh. Tôi khuyên các bạn, hãy đưa những phong cảnh tuyệt đẹp và văn hóa của đất nước mình lên phim".
Câu nói truyền cảm hứng cho rất nhiều đạo diễn Hollywood thời bấy giờ. Lần lượt ê-kíp các phim Pan (2015), Kong: Skull Island (2017), Rumbo a Vietnam ( 2017),... chọn Việt Nam làm địa điểm đặt máy quay. Tuy nhiên, phải đến A Tourist's Guide To Love, "rừng vàng biển bạc" mới hiện lên qua lăng kính chân thực, sinh động nhất. Việt Nam trở thành một quốc gia định danh, chứ không còn là một vùng đất không tên được phủ đầy kỹ xảo vi tính nữa.
Trước đó, trong buổi ra mắt bộ phim tại Việt Nam, biên kịch Eirene Tran Donohue của A Tourist's Guide To Love cho hay đối với bà, "Việt Nam là mảnh đất của tình yêu, niềm vui cùng nhiều vẻ đẹp". Eirene Tran Donohue là người gốc Việt, nên bà cũng muốn giới thiệu vẻ đẹp quê hương xứ sở với người dân trên khắp thế giới.
Nội dung liên quan
Theo Zing, điều đáng buồn ít phim Việt tạo dấu ấn khi quay bối cảnh thiên nhiên nước nhà. Cá biệt, nhiều phim khắc họa câu chuyện lịch sử, xong lại làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam do cách quay cẩu thả, tư duy nghèo nàn; chẳng hạn "thảm họa" Huyền Sử Vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ. Sau 10 ngày công chiếu, phim thu về chưa đến 50 triệu đồng tiền vé, bị bắt lỗi nhiều khi "lọt" các bối cảnh hiện đại như cột điện, bóng đèn, căn nhà cấp 4,...
"Số lượng những bộ phim tạo ra dấu ấn rõ rệt, thỏa mãn khán giả yêu phim, mê du lịch, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các cảnh đẹp không được xem như 'nhân vật chính' trong phim mà chỉ dừng lại ở bối cảnh, để phát triển đường dây câu chuyện tác phẩm. Đáng chú ý, một số tác phẩm điện ảnh khai thác về đề tài du lịch Việt lại đi vào lối mòn hoặc không tạo được hiệu ứng truyền thông", Zing nhận định.
Trả lời Zing, đạo diễn Võ Thanh Hòa - phim Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy nói nhà làm phim Việt luôn mong muốn quay cảnh thật, thay vì dàn dựng tại phim trường. Song, để khai mở được vẻ đẹp của quê hương Việt Nam đòi hỏi từ nhà làm phim nhiều thứ, bao gồm tư duy văn hóa phải tốt, tài chính phải mạnh, ê-kíp phải nỗ lược hết mình.
"Khi thực hiện các cảnh quay ở tỉnh xa, đoàn phim phải chấp nhận mạo hiểm và chịu chi, tốn kém nhất là chi phí di chuyển cho hàng chục người gồm bộ phận quay, diễn viên, trang điểm, vận chuyển máy móc… Nhưng cảnh đẹp là một chuyện. Quan trọng là nội dung phim phải hài hòa với bối cảnh để phục vụ tổng thể chất lượng của tác phẩm", đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ cùng Zing.
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL