Video Game vs Gen Z: Thế lực giải trí mới nổi và thế hệ người dùng công nghệ "đáng gờm" nhất

Video Game, hay trò chơi điện tử, ắt hẳn là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi Gen Z. Tuy nhiên, nền công nghiệp này đang ngày càng lớn mạnh, đi cùng với thế hệ người tiêu dùng sành điệu nhất!

Sự đi lên thầm lặng của thế lực giải trí mới

Trò chơi điện tử (hay Video game) đã trở thành một xu hướng giải trí hấp dẫn với giới trẻ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2020, vị thế và vai trò của video game đối với xã hội đã thay đổi mạnh mẽ. Những tác động của giãn cách xã hội đã làm video game trở nên phổ biến hơn đến mọi lứa tuổi. Tại Mỹ, các chính trị gia cố gắng hoà nhập với giới trẻ bằng các trò chơi điện tử, thay vì là âm nhạc như lúc trước. Tháng 10 năm 2020, nữ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez đã livestream tựa game “Among Us” trên nền tảng Twitch và thu hút hơn 700,000 lượt xem. Rõ ràng, trò chơi điện tử đang được lan tỏa rộng rãi đến nhiều tầng lớp hơn trong quá khứ, đồng thời được xem như một công cụ để tiếp cận giới trẻ, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

video game vs gen z the luc giai tri moi noi va the he nguoi dung cong nghe dang gom nhat - anh 0

Sự phát triển nhanh chóng bất ngờ của ngành công nghiệp mới này đã tác động đáng kể đối với những ngành công nghiệp khác. Các lĩnh vực hào nhoáng như âm nhạc và thời trang cũng bắt đầu chú ý hơn với sự đi lên đầy tính đe dọa của các trò chơi điện tử. Họ bắt đầu hợp tác, khai thác sâu hơn vào hệ sinh thái của các trò chơi. Hãng thời trang nổi tiếng Balenciaga nhanh chóng bắt kịp xu hướng khi phát hành bộ sưu tập mùa thu 2021 của mình dưới dạng trò chơi điện tử, với chủ đề Afterworld: The Age of Tomorrow. Trò chơi cho phép người tham gia có thể tự “custom” những bộ trang phục của mình bằng những sản phẩm mới nhất trong bộ sưu tập. Về mặt âm nhạc, Travis Scott và Lil Nas X đã hợp tác với Fornite và Roblox cho những sản phẩm mới của mình. Tại buổi hoà nhạc Scott’s Astroworld, sự kiện đã thu hút hơn 12 triệu lượt xem và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Rõ ràng, video game đang ngày càng lớn mạnh một cách thầm lặng và trở thành một thế lực đáng gờm trong nền công nghiệp giải trí thế giới.

Những con số bất ngờ

Trong năm 2020, sự kiện ra mắt tựa game đình đám Cyberpunk 2077 đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo thống kê của The Guardian, kinh phí để phát triển tựa game này lên đến 317 triệu đô la. Để dễ hình dung, chi phí sản xuất cho bộ phim ăn khách bậc nhất mọi thời đại Avengers: Endgame cũng “chỉ” là 356 triệu đô la, chênh lệch với con số 317 triệu một ít. Cũng theo The Guardian, một công ty nghiên cứu thị trường có tên Morning Consult đã công bố kết quả một cuộc khảo sát các Gen Z là nam tại Mỹ. Theo kết quả cuộc khảo sát này, số người biết đến Youtuber PewDiePie, một người chuyên đánh giá, trải nghiệm trò chơi điện tử, thậm chí còn nhiều hơn số người biết đến siêu sao bóng rổ nhà nghề LeBron James! Bên cạnh đó, doanh thu của ngành công nghiệp video game tại Mỹ đã chạm mốc 139 tỷ đô la vào năm 2019, và dự kiến sẽ đạt 180 tỷ đô la trong năm 2020. Doanh thu này thậm chí bỏ xa tổng doanh thu 4 giải thể thao nhà nghề nổi tiếng tại Mỹ (NFL, NBA, MLB và NHL) cộng lại.

video game vs gen z the luc giai tri moi noi va the he nguoi dung cong nghe dang gom nhat - anh 0

Gen Z:  người “tiêu dùng” video game thực thụ

Lớn lên trong kỷ nguyên số, không quá kỳ lạ khi Gen Z vẫn hay được gọi là “iGen”, nhằm chỉ khả năng được hỗ trợ mạnh mẽ của Internet đối với thế hệ này. Chính vì lý do đó, cách các Gen Z nhìn nhận video game cũng thực sự khác với góc nhìn của các thế hệ trước. Đối với các người đi trước, họ thường quan niệm chơi game là một việc giải trí (hoặc vô bổ) bằng cách dành hàng giờ đồng hồ ngồi trước màn hình, cũng như hàng đống tiền cho việc mua vật phẩm, hàng hoá trong thế giới ảo. Tuy nhiên, “iGen” có một góc nhìn khác. Việc chơi game đối với họ không còn đơn thuần là việc chạy theo trò chơi, nhân vật một cách mất ý thức và hoang phí. Gen Z “tiêu thụ” video game một cách có ích hơn rất nhiều.

video game vs gen z the luc giai tri moi noi va the he nguoi dung cong nghe dang gom nhat - anh 0

Theo Forbes, Gen Z có xu hướng chọn những trò chơi cho phép họ tạo ra thế giới ảo cho riêng mình, nơi họ có thể thỏa sức sáng tạo và chia sẻ với bạn bè. Những video game này được sử dụng như một phương tiện kết nối Gen Z với bạn bè, cho phép họ trải nghiệm các thế giới kỹ thuật số này cùng nhau, kích thích óc sáng tạo đồng thời giúp họ gắn kết, hiểu nhau hơn, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Trong năm 2020, Gearbox Software đã cho phát hành Borderlands Science (thuộc series game Borderlands đình đám), cho phép người chơi có thể lập bản đồ hệ vi sinh vật trong đường ruột con người và thực hiện các nghiên cứu y tế. Rõ ràng, cả Gen Z và các nhà phát hành video game đều nhận ra được những tiềm năng, triển vọng và khả năng đóng góp cho xã hội bằng phương tiện giải trí kỹ thuật số này.

Đứng trên góc nhìn của những người trẻ, Gen Z, những người tiêu dùng công nghệ thông minh, đang nỗ lực để thay đổi định kiến, đồng thời khai thác những giá trị tích cực mới mẻ từ video game, một thế lực đáng gờm mới nổi trên nền công nghiệp giải trí thế giới.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ