Tuyển sinh đại học năm 2022 với nhiều sự thay đổi trong phương thức xét tuyển và sự ra đời của nhiều ngành học mới.
Năm 2022, các Trường ĐH Bách khoa, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Công nghệ Thông tin có nhiều thay đổi trong tuyển sinh với việc có thêm nhiều ngành học mới và phương thức xét tuyển khác hơn so với những năm trước đây.
Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật dự kiến tuyển hơn 6.500 chỉ tiêu. So với năm 2021 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thêm phương thức xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức bên cạnh các phương thức khác như xét tuyển học bạ THPT dựa vào điểm trung bình 5 học kỳ; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường với thí sinh đạt giải 1, 2, 3 cấp tỉnh; giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; Học sinh giỏi trường chuyên và top 200; Xét điểm IELTS; Điểm SAT; Trường THPT liên kết do Hiệu trưởng giới thiệu.
Điều đặc biệt theo quy định của trường này, thí sinh được tham gia xét tuyển vào trường bằng nhiều phương thức, mỗi phương thức được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tính tới phương án kết hợp nhiều yếu tố để đánh giá toàn diện người học. Bên cạnh năng lực học tập, trường sẽ đánh giá thí sinh thông qua các hoạt động xã hội, đóng góp cộng đồng...
Trong khi đó, năm 2022, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao. Theo đó xét tuyển thẳng thí sinh đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á (thời hạn được tính để hưởng ưu tiên không quá 4 năm tính đến ngày xét tuyển vào trường).
Lý giải vấn đề này ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điều này nhằm giải quyết được câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam, để họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình, vừa có được cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn nữa sau khi giải nghệ.
"Sau khi chia tay thể thao, hầu hết các vận động viên sẽ phải bắt đầu một công việc mới để tiếp tục cuộc sống vào lúc đã ở tuổi "xế chiều". Cùng với nguy cơ thất nghiệp thì một nỗi ám ảnh khác của các vận động viên là bệnh nghề nghiệp tái phát. Đó là hậu quả của những chấn thương không thể tránh khỏi, dai dẳng trong chuỗi ngày tập luyện và thi đấu. Nếu như các vận động viên được đào tạo một tấm bằng đại học về kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ,... sẽ không còn quá lo lắng khi theo thể thao đỉnh cao nữa" - ông Khang nói.
Năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM đã có phương án dự kiến về việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong đó sẽ mở rộng địa điểm tổ chức thi và điều chỉnh thời gian thi.
Theo kế hoạch trước đây khi tổ chức kỳ thi này là mỗi năm sẽ có 2 đợt, trong đó đợt 1 cuối tháng 3 và đợt 2 sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên trong năm 2022, dự kiến ngày tổ chức kỳ thi đợt thứ 2 có thể sẽ được điều chỉnh cho phù hợp hơn, có thể được tổ chức trước hoặc sau nhưng không quá sát với thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mặt khác về địa điểm tổ chức thi, dự kiến sẽ mở rộng tại nhiều địa phương, ngoài 7 địa phương đã tổ chức là TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Đắk Lắk để thuận tiện cho thí sinh.
Bên cạnh đó, nhiều trường cũng đã mở thêm những ngành học mới để phục hợp với thực tiễn về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.
Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, năm nay trường dự kiến sẽ mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính và ngành quản lý tài nguyên và môi trường.
Trường ĐH Hoa Sen, trong năm học 2022 - 2023, trường mở một số ngành học mới liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số là công nghệ tài chính (Fintech), tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), phim, quan hệ công chúng, kinh tế thể thao… Trước đó, trường vừa mở một số ngành học như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, nghệ thuật số…
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM mở đến 9 ngành học mới, trong đó có nhiều ngành cập nhật việc phát triển mạnh mẽ của số hóa trong thời đại ngày nay. Những ngành học mới thuộc các nhóm ngành kinh tế - quản trị (kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, digital marketing, quản trị sự kiện), sinh học - môi trường - nông lâm (dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi) và truyền thông - nghệ thuật (nghệ thuật số, công nghệ điện ảnh, truyền hình). Đây đều là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực nổi bật trong nền kinh tế hội nhập thời gian tới…
Nguồn: TH&PL