Giọng hát hào hùng của Tùng Dương cộng hưởng với giai điệu cùa 1979 Chi Lăng khiến người nghe phải "nổi da gà".
Trong những ngày đầu năm 2022, Tùng Dương đưa khán giả trở về mùa xuân hào hùng của ông cha khi góp giọng trong tác phẩm 1979 Chi Lăng do nhạc sĩ Nguyễn Đức sáng tác.
Ca khúc như một bản thiên anh hùng ca, nhắc nhớ về cột mốc 1979 - Cuộc chiến không thể lãng quên trong lịch sử dân tộc. 42 năm về trước, quân dân Việt Nam đã anh dũng, kiên cường đánh trả cuộc tấn công của quân Trung Quốc.
Thông qua giai điệu hào hùng, 1979 Chi Lăng ca ngợi công cuộc bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ phía Bắc của nhân dân tỉnh Lạng Sơn nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung.
Đồng thời, tác phẩm tưởng nhớ những hy sinh của ông cha và các vị anh hùng, cũng như ca ngợi chiến thắng vẻ vang của đất nước trong thời kỳ Chiến tranh biên giới Việt - Trung.
1979 Chi Lăng không chỉ nhắc về cuộc Chiến tranh biên giới mà còn gợi lại lịch sử chống giặc giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam từ thời Đinh - Lê - Lý - Trần.
"Chập chùng sông máu núi xương
Mượn thơ Nguyễn Trãi chiêu hồn giặc Minh".
Tiếp đến, tiếng guitar của nghệ sĩ Hoàng Minh cùng tiếng trống dồn dập hơn và giọng hát của Tùng Dương thêm phần mạnh mẽ, nhấn nhá khiến người nghe như xem một thước phim lịch sử đặc tả về chiến thắng mùa xuân năm 1979.
"Sáng hôm ấy mùa xuân bình yên
Bỗng mặt đất gầm gừ rung chuyển
Giặc biển người tiếng chân rầm rập
Bánh xích xe tăng nghiền nát xóm làng
Xuân năm ấy toàn dân giữ nước
Tiếng đại pháo trời gầm đất lở
Người nối người tiến ra tiền tuyến
Trai gái chung vai cùng giữ quê nhà"
Đặc biệt, ở ca khúc này, Tùng Dương đã hát lên quãng tám khoe giọng ấn tượng. Cộng hưởng giữa tiếng hát và giai điệu của 1979 Chi Lăng là phần hình ảnh tư liệu được ghép nối nhịp nhàng khiến người nghe phải "nổi da gà".
Vừa dứt phần cao trào, nhịp của ca khúc trở nên nhẹ nhàng hơn với tiếng sáo, cùng với đó là hình ảnh đất nước bình yên.
"Ải Chi Lăng có Quỷ Môn Quan
Đất phương Nam, mồ chôn giặc Bắc"
Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn mượn câu ca ngợi được khắc trên bia dựng ngay ở Quỷ Môn Quan để đưa vào ca khúc: "Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn" (nghĩa là Cửa Quỷ Môn, Cửa Quỷ Môn, mười người đi, một người về).
Với chiến thắng mùa xuân 1979, quân dân Việt Nam đã biến Trung Quốc thành bại binh, nhưng những tổn thất của quân ta cũng không kể xiết. Vì vậy, đoạn cuối của ca khúc không chỉ ca ngợi chiến thắng mà còn là lời tưởng nhớ đến những người dân, người lính đã hi sinh.
Nguồn: TH&PL