Trung thu của Hàn Quốc là một dịp lễ lớn, thường được trang hoàng rất nhiều món ăn và chính điều này khiến nữ giới thấy “bất bình”.
Cũng giống như các nước phương Đông, Hàn Quốc cũng có lễ "Trung thu". Tuy nhiên, không giống như Việt Nam chỉ coi Tết Trung thu là "Tết Thiếu nhi" mà Trung thu bên Hàn Quốc lại là một dịp lễ chính thức. Các nhân viên văn phòng và học sinh, sinh viên đều được nghỉ vào dịp lễ này.
Tưởng chừng như một dịp lễ để nghỉ ngơi, dành thời gian thoải mái bên gia đình, nhưng dịp lễ này nói riêng và các dịp lễ lớn của Hàn Quốc nói chung lại đang ngầm đặt lên vai những người phụ nữ áp lực và gánh nặng nấu nướng, chuẩn bị đồ cúng bái, đồ ăn cho gia đình.
Trung thu (Chuseok) là dịp lễ lớn và ý nghĩa đối với Hàn Quốc
Dịp lễ Chuseok hay Trung thu của Hàn Quốc là ngày mà người Hàn dành để thể hiện sự biết ơn về đất đai và mùa màng bội thu như một biểu tượng của sự sung túc. Các gia đình thường tụ tập lại với nhau và mang theo lễ đi viếng mộ tổ tiên. Ngày xưa, truyền thống tôn vinh lễ trung thu của Hàn rất được coi trọng. Bởi vì vào thời điểm đó, hầu hết người Hàn Quốc vẫn còn làm nông nghiệp.
Vào dịp trung thu, mỗi gia đình đều cho rằng họ phải thực hiện ba nghi thức chính để giữ lễ nghĩa với tổ tiên. Một trong số đó là tảo mộ. Truyền thống nhổ cỏ trên mộ của tổ tiên là một biểu hiện tôn trọng đối với tổ tiên. Thứ hai là mang theo thức ăn như rượu, trái cây, thịt đến mộ tổ tiên và cúng bái.
Thứ ba là lễ cúng Tết, chủ yếu được thực hiện vào buổi sáng, cả gia đình tụ tập, cúng vái, bày tỏ lòng biết ơn và cầu nhận được phúc từ tổ tiên. Đồ cúng bao gồm nhiều món ăn như cơm, canh, trái cây và rau quả, món thịt, bánh gạo và đồ uống, tất cả các món ăn phải được đặt lên bàn theo thứ tự được định sẵn.
Một vài món ăn truyền thống trong dịp Trung thu của Hàn Quốc
1. Bánh songpyeon
Bánh songpyeon là loại bánh tượng trưng cho lễ Trung thu của Hàn Quốc, tương tự như bánh trung thu của Việt Nam.
Đây là loại bánh gạo có phần vỏ bánh được làm bằng cách nhào bột gạo tẻ với nước nóng, sau đó cho phần nhân như đậu xanh, hạt dẻ, vừng vào bên trong rồi nặn thành hình bán nguyệt. Cuối cùng đem hấp cùng lá thông.
2. Canh khoai sọ
Theo sử sách ghi lại, canh khoai sọ là món ăn truyền thống của Hàn Quốc từ thời Goryeo. Đến thời Joseon thì món ăn này trở thành món ăn đặc trưng trong dịp lễ Trung thu và được dùng làm đồ cúng lễ. Món canh này được nấu từ nước đun thịt ức và sườn bò, sau đó cho khoai sọ và tảo biển.
3. Nureumjeok - món thịt, rau nướng que
Đây là món xiên thịt, rau củ đã được thái dài và mỏng vào que rồi tẩm bột mì và trứng, rồi đem rán chín trên chảo.
4. Bánh Yuldanja
Đây là loại bánh hấp bột gạo nếp, sau đó nhào bột rồi cho nhân vào trong, nặn thành hình tròn rồi bôi mật ong hoặc nước đường lên vỏ và lăn bột khô phủ ngoài bánh.
5. Món giá nộm (sukjunamul)
Những món nộm làm từ giá đỗ đã trở thành món truyền thống không thể thiếu trong dịp lễ Trung thu của Hàn Quốc từ ngày xưa.
Những dịp này, phụ nữ lại thấy áp lực chuyện "bếp núc"
Như đã đề cập bên trên, vào những ngày lễ Trung thu, người Hàn thường làm rất nhiều món ăn để cúng tổ tiên, càng đặc biệt hơn khi những món ăn đó lại đều là những món ăn truyền thống.
Chính vì vậy mà sẽ không khó để thấy hình ảnh những người phụ nữ, từ con dâu đến mẹ chồng, dậy từ sáng sớm, tảo tần nấu nướng trong bếp để khi mặt trời lên, cả nhà thức giấc là có thể dâng lễ, cúng bái tổ tiên.
Sẽ không có gì đáng nói nếu đồ cúng chỉ là một, hai món ăn đơn giản. Nhìn vào các bàn đựng đồ cúng của người Hàn, có lẽ chúng ta đều phải thốt lên ngạc nhiên khi mâm cúng nào cũng mười mấy món. Vậy mới thấy những người phụ nữ Hàn Quốc cần phải chuẩn bị dày công như thế nào.
Và rồi, từ ngày này qua tháng nọ, dần dần, việc chuẩn bị bếp núc, chuẩn bị đồ cúng, nấu ăn cho cả nhà, họ hàng ba bữa một ngày trong các dịp lễ khiến những người phụ nữ thấy áp lực và gánh nặng. Họ thấy bất công khi nam giới không hề giúp đỡ họ. Gần đây, đã có nhiều người lên tiếng hơn về vấn đề "công bằng" trong chuyện bếp núc, họ bức xúc rằng "Tại sao chỉ có phụ nữ phải làm?". Họ muốn mọi người cùng giúp đỡ nhau thay vì phân biệt nam nữ.
Cũng giống như câu chuyện bạn nữ nào đó trên TikTok từng chia sẻ quan điểm về việc rửa bát, điều phụ nữ muốn nhiều khi chỉ là sự cùng san sẻ việc nhà. Bởi vì là dịp lễ, ai cũng muốn nghỉ ngơi và dành nhiều thời gian hơn bên gia đình chứ không phải là sớm tối chỉ xoay quanh bếp núc và nấu nướng.
Nhiều người cho rằng việc đề cao truyền thống cũng quan trọng nhưng trên tất cả, việc cả gia đình có thể cùng nhau trải qua quãng thời gian hạnh phúc và vui vẻ vẫn là điều quan trọng nhất. Nếu mọi thứ biến thành một cuộc "đấu tranh" và nhiều cãi vã, bực tức thì liệu ngày nghỉ lễ còn ý nghĩa gì chứ?
Nguồn: TH&PL