Tại sự kiện “Mid-life crisis - Lưng chừng khủng hoảng” của Touliver, Trấn Thành tiết lộ về giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên của mình.
Khi được hỏi về chủ đề "Mid-life crisis", Trấn Thành cho biết giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên của anh vừa mới qua. Anh đã thay đổi suy nghĩ, góc nhìn cũng như định hướng trong nghệ thuật sau khoảng thời gian khủng hoảng đó.
Trấn Thành lần đầu chia sẻ: "Sau cơn khủng hoảng tuổi trung niên, nếu như Touliver rẽ hướng vẽ tranh, thì Trấn Thành đi làm phim. Sau giai đoạn đó, tôi nhìn cuộc sống với một góc nhìn và tâm thế khác. Cho nên tôi muốn truyền tải chất nghệ sĩ của mình thông qua một hình thức khác.
Thay vì qua lời nói của MC hay mang đến niềm vui cho khán giả qua gameshow trên truyền hình như ngày xưa, bây giờ tôi sẽ kể câu chuyện của mình qua phim ảnh".
Ở tuổi 36, Trấn Thành chuẩn bị ra mắt bộ phim điện ảnh thứ 3 trong sự nghiệp đạo diễn của mình. Trước đó, anh đã phá vỡ nhiều kỷ lục của điện ảnh Việt với Bố Già và Nhà bà Nữ.
Với Bố Già, anh đảm nhận vai trò đồng đạo diễn và diễn xuất vai Ba Sang. Tác phẩm thu về 426 tỷ đồng, trở thành phim điện ảnh Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại vào năm 2021.
Tới năm 2023, Trấn Thành tự "phá vỡ" kỷ lục của chính mình với Nhà Bà Nữ. Bộ phim do anh độc lập làm đạo diễn và kiêm cả vai Phú Nhuận đã vượt Bố Già để giữ vị trí top 1 doanh thu phim Việt mọi thời đại khi chạm mốc 475 tỷ đồng.
Tết 2024 năm nay, Trấn Thành tiếp tục trình làng tác phẩm điện ảnh Mai. Từ 3 năm trước, ngay sau khi hoàn thành Bố Già, Trấn Thành đã bắt tay vào chuẩn bị cho dự án này.
Bộ phim được đầu tư mạnh về bối cảnh, thiết bị, kỹ thuật ghi hình, thời gian quay cho đến kịch bản độc đáo cùng dàn diễn viên chất lượng. Trấn Thành không giấu được sự hào hứng và tự hào về dự án Mai, khẳng định đây là tác phẩm anh dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết nhất cho đến thời điểm này.
Tiếp tục chinh phục đề tài về người phụ nữ, Trấn Thành bày tỏ: "Tôi muốn làm một tác phẩm để mọi người có thể xem, cảm nhận và trân trọng những người phụ nữ xung quanh mình nhiều hơn.
'Nhà Bà Nữ' và 'Mai' là hai thế giới khác nhau về góc độ nghệ thuật cũng như câu chuyện, và cả nội tâm từng nhân vật. Ở 'Nhà Bà Nữ' là những người phụ nữ chịu tổn thương nhưng lại tổn thương người khác, còn ở 'Mai', tuy vẫn chịu tổn thương nhưng cách người phụ nữ đối diện, lựa chọn lại hoàn toàn khác".
Thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, Mai xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của một người phụ nữ cùng tên với bộ phim.
Nguồn: TH&PL