TRẦN MINH NHỰT: NHÌN NGHỆ THUẬT DƯỚI CON MẮT SI TÌNH

Trần Minh Nhựt, một nhà nghiên cứu trẻ, với vai trò là người làm nghiên cứu mỹ thuật học và giảng dạy trong lĩnh vực thời trang.

Đầu tháng 03/2023, Trần Minh Nhựt đã công bố công trình nghiên cứu đầu tiên mang tên "Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX". Cuốn sách là nỗ lực của anh trong công cuộc truy vết bộ tranh lừng danh Grande Tenue de la Cour d'Annam (tạm dịch: Đại Lễ phục triều đình An Nam) đang lưu lạc ở nước ngoài, và tìm kiếm lai lịch bí ẩn của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân. Với kiến thức chuyên môn sẵn có về thời trang và nghệ thuật, anh đã có một số chia sẻ về cảm thụ nghệ thuật trong nghiên cứu.

tran minh nhut nhin nghe thuat duoi con mat si tinh - anh 0
Trần Minh Nhựt

Tác phẩm "Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX" có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

Tôi không nghĩ rằng mình là một người giỏi nghiên cứu, nhưng với tôi, sự nỗ lực nào cũng đáng ghi nhận. Cuốn sách là chất chứa nhiều tâm huyết và mối quan tâm của tôi dành cho nghệ thuật xứ Huế. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng cuốn sách của mình được nhiều người quan tâm đến vậy, có lẽ bộ tranh Grande Tenue de la Cour d'Annam của ông Nguyễn Văn Nhân quá nổi tiếng, nên khi nghe tin bộ tranh gốc được in thành sách đã gây sự chú ý đến giới thời trang và nghệ thuật. Cuốn sách có ý nghĩa lớn đối với sự nghiệp của tôi, nhờ đó mà tôi có thêm nhiều động lực để cho ra đời những công trình khác sau này.

Người ta vẫn thường nói nghiên cứu là công việc khô khan, vậy anh đã cân bằng giữa cảm thụ nghệ thuật và nghiên cứu như thế nào?

Tôi nhìn nghệ thuật dưới con mắt si tình, bằng con tim chân thành và bằng cả sự rung cảm, cho nên chẳng có một rào cản nào để tôi đưa những cảm xúc riêng mình vào trong nghiên cứu. Nói vậy không có nghĩa là tôi làm nghiên cứu bằng cảm tính, công trình tôi thực hiện luôn có những dẫn chứng rõ ràng, vì tôi là một người rất cẩn trọng trong từng câu chữ. "Nhìn nghệ thuật dưới con mắt si tình" nghĩa là tôi nhìn những tác phẩm nghệ thuật trong góc nhìn riêng tôi, bằng những điểm chạm giữa tôi và chúng. Một khi tôi rơi vào yêu với một tác phẩm nào đó, tôi sẽ tự khắc tìm hiểu về nó, dù có phải đánh đổi thời gian, sức khỏe, tôi đều muốn chinh phục cho bằng được. Nói một cách trừu tượng, tình yêu đó có thể là những hạnh phúc, có thể là những đau khổ, nhưng dù ở trong những cảm xúc nào thì tôi cũng đều có những rung động đặc biệt với nghệ thuật.

tran minh nhut nhin nghe thuat duoi con mat si tinh - anh 0
Trần Minh Nhựt: "Nhìn nghệ thuật dưới con mắt si tình"

Theo anh, có những điểm tương đồng nào giữa công việc nghiên cứu và thiết kế thời trang? 

Hai công việc này tuy 2 mà 1, để sáng tạo một bộ sưu tập thời trang thì không thể nào thiếu đi những nghiên cứu ban đầu. Nghiên cứu ở đây mang nhiều hình thức: nghiên cứu ý tưởng, nghiên cứu xu hướng, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu chất liệu, nghiên cứu phom dáng trang phục,... Hai công việc này luôn bổ trợ cho nhau. Muốn để lại dấu ấn riêng, thời trang phải luôn hàm chứa những câu chuyện phía sau nó, được nghiên cứu kỹ lưỡng qua nhiều công đoạn. Do đó, một bộ trang phục sẽ trở nên vô hồn nếu nó không được hình thành từ quá trình nghiên cứu ý tưởng.

Giảng dạy trong lĩnh vực thiết kế thời trang, những điều gì mà anh nghĩ rằng các bạn trẻ cần trau dồi?

Đó là đào sâu kiến thức về văn hóa thời trang và tập luyện cách rung cảm với nghệ thuật. Nghe có vẻ vĩ mô và khó thực hiện, nhưng thực sự đúng là vậy, ngành công nghiệp thời trang rất khắc nghiệt nếu bạn không có đủ những tố chất cần có của một nhà thiết kế. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ đều bão hòa, khó có thể tạo ra những cuộc cách mạng thời trang như những thế kỷ trước. Do đó, hiểu biết về văn hóa là một ưu thế giúp cho những thiết kế trở nên có chiều sâu hơn, thực tế hơn. Ngoài ra, cảm thụ nghệ thuật cũng là bài học vỡ lòng cho những ai muốn theo đuổi ngành thời trang, bạn phải học cách rung động trước cái đẹp, biết hòa tâm hồn mình vào nó để hiểu nó, yêu nó và vận dụng nó một cách thấu đáo. Bằng những việc rất đơn giản như là xem phim, nghe nhạc, xem kịch, đọc sách, hay thường xuyên đến những cuộc triển lãm nghệ thuật.

tran minh nhut nhin nghe thuat duoi con mat si tinh - anh 0
Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật

Việc nghiên cứu sâu về văn hóa - nghệ thuật sẽ mang đến điều gì cho công việc thiết kế thời trang?

Theo tôi, tính bản địa có lẽ đang còn thiếu trong lĩnh vực thiết kế thời trang tại nước mình, văn hóa - nghệ thuật là yếu tố quan trọng trong thiết kế ở mỗi quốc gia. Dù xu hướng thời trang có thay đổi thế nào, thì văn hóa luôn là một yếu tố ứng dụng không thể chối bỏ. Việc đi sâu vào nghiên cứu lịch sử hội họa sẽ giúp các nhà thiết kế thấu hiểu về mỹ thuật trang phục của người Việt như: màu sắc, họa tiết, kiểu dáng, chất liệu nhằm sáng tạo những bộ trang phục phù hợp với con người và khí hậu nước ta. 

Anh có những kế hoạch nào cho những dự án tương lai của mình?

Tôi luôn khắc khoải về di sản nghệ thuật của cha ông sẽ phai mờ trong lòng của nhiều thế hệ sau này, tôi vẫn mãi ấp ủ những dự án nghiên cứu kết hợp với thiết kế đương đại. Đây cũng là cách lưu truyền văn hóa qua hình thức sáng tạo. Tôi mong rằng mình sẽ có đủ điều kiện, thời gian để tiếp tục theo đuổi định hướng này.

Trần Minh Nhựt tốt nghiệp Cử nhân ngành Thiết kế Thời trang, trường Đại học Hoa Sen - Mod'Art International Paris (2014); Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật TP.HCM (2019). Anh có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thiết kế/kỹ thuật ngành may tại Áo dài Sĩ Hoàng (thực tập), Quỳnh Paris (thực tập), Traval Vai Co.Ltd và các hãng thời trang nội địa. Anh giảng dạy thiết kế thời trang tại các trường Cao đẳng/Đại học ở TP.HCM. Hiện anh là giảng viên tại trường Đại học Hoa Sen.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Đau đáu làm phim nghệ thuật

Chưa có tác phẩm nghệ thuật, không thể tự nhận là nghệ sĩ

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn thực hiện triển lãm nghệ thuật tại Pháp

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ