Vấn nạn về vi phạm bản quyền từ lâu đã luôn khiến cá nhà làm phim đau đầu, thậm chí là phim hoạt hình nổi tiếng, tác phẩm Oscar đình đám vẫn không tránh khỏi.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của nền công nghiệp điện ảnh thì vấn đề bản quyền lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Dưới đây là những vụ kiện và tranh chấp bản quyền khiến công chúng chấn động và tốn nhiều giấy mực báo chí nhất.
1. Parasite (Ký Sinh Trùng) đoạt giải Oscar bị tố đạo nhái kịch bản phim Ấn Độ
Parasite (Ký Sinh Trùng) là một trong những tựa phim điện ảnh Hàn Quốc đình đám từng gây "bão" phòng vé ngay thời điểm ra mắt. Nhờ tác phẩm đó mà đạo diễn Bong Joon Ho đã làm nên lịch sử tại Oscar khi "ẵm" bốn giải quan trọng gồm: "Phim hay nhất"; "Đạo diễn xuất sắc nhất"; "Phim quốc tế hay nhất" và "Kịch bản gốc xuất sắc".
Tuy nhiên ngay sau đó, Thenappan – nhà sản xuất người Tamil (ở phía nam Ấn Độ), bất ngờ ra tuyên bố rằng cốt truyện của Parasite đạo nhái từ một bộ phim hài lãng mạn năm 1999 tên Minsara Kanna do ông nắm bản quyền.
Bộ phim Minsara Kanna kể về một người đàn ông nghèo tên Kanna làm tài xế cho một gia đình giàu có và thực hiện âm mưu để đưa cả gia đình mình vào làm việc cùng nhưng phải che giấu thân phận thật sự. Chi tiết này quả thực khá giống với Parasite, khi cô con gái của gia đình vào làm gia sư, từ đây cô thực hiện nhiều thủ đoạn để đưa cả nhà mình vào làm.
2. The Shape of Water (Người Đẹp Và Thuỷ Quái) vi phạm bản quyền nghiêm trọng
The Shape Of Water từng là bộ phim dẫn đầu Oscar nhưng rồi phải đối mặt với đơn kiện vi phạm bản quyền nghiêm trọng vì quá nhiều chi tiết giống nhau đến bất ngờ giữa bộ phim và vở kịch Let Me Hear You Whisper do nhà soạn kịch Paul Zindel chắp bút.
Được biết Paul Zindel là nhà soạn kịch tài năng từng đoạt giải thưởng Pulitzer cao quý vào năm 1971 ở hạng mục kịch với vở The Effect Of Gamma Rays On Man-In-The-Moon Marigolds. Vụ kiện này diễn ra sau khi ông đã qua đời và do chính con trai mình là David Zindel khởi kiện. Sự việc sau đó đã khiến công chúng vô cùng sửng sốt bởi The Shape Of Water khi ra mắt đã gây được tiếng vang và được nhiều người đánh giá rất tích cực.
Theo kịch bản giữa hai tác phẩm, Let Me Hear You Whisper nói về tình cảm giữa một cô lao công làm việc tại trụ sở Hiệp hội phát triển sinh học Mỹ, nơi những động vật có vú được đem ra làm thí nghiệm, trong đó có một con cá heo bị nhốt trong phòng thí nghiệm. Sau khi phát hiện ra con cá sẽ bị mổ não, cô quyết định giải cứu sinh vật đáng thương này.
Nội dung trên được diễn ra tương tự trong The Shape of Water nhưng nâng cấp nhân vật cá heo lên thủy quái. Còn lại các chi tiết về bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh, nhà khoa học nghiên cứu khả năng tiên tiến của sinh vật để ứng dụng quân sự, thậm chí nữ chính chia sẻ bữa ăn với sinh vật, nhảy với cây chổi hay giải cứu bạn tình đều tồn tại trong hai tác phẩm.
3. Nữ hoàng băng giá Frozen bị kiện ăn cắp bản quyền
Là một trong những phim hoạt hình vô cùng ăn khách của Disney, nhưng Frozen vẫn không tránh khỏi việc bị kiện liên quan đến bản quyền. Cụ thể vào năm 2014, một nữ nhà văn Isabella Tanikumi đã đệ đơn kiện hãng Disney 250 triệu USD vì cho rằng bộ phim hoạt hình "Frozen" đã ăn cắp tác quyền của bà.
Các chi tiết được đưa ra như: Cả hai câu chuyện đều lấy bối cảnh tại ngôi làng nằm dưới chân một ngọn núi phủ tuyết; Bìa cuốn tựa truyện và DVD của Frozen đều có một bàn tay tung ra những ánh hoa lấp lánh; Cả Cristoff và Kristoff đều kể với người phụ nữ về một người có năng lực chữa bệnh;...cùng nhiều chi tiết khác nữa.
Tiếp đến là đạo diễn Kelly Wilson kiện Forzen lấy ý tưởng từ Snowman của mình. Cụ thể, nữ đạo diễn cho rằng nhân vật người tuyết Olaf xuất hiện trong trailer Forzen có quá nhiều điểm tương đồng với nhân vật chính trong phim hoạt hình ngắn của do mình sản xuất.
4. Lost In Thailand của Phạm Băng Băng
Dù có khởi đầu khá tốt đẹp nhưng Lost In Thailand của Phạm Băng Băng đã nhanh chóng "lên thớt" sau khi bị đạo diễn Trương Thiên Thư khởi tố. Theo đó, bộ phim Lost In Thailand được cho là vi phạm bản quyền khi quảng bá cho phim cố ý nhập nhằng cho rằng Lost In Thailand là bản tiếp theo của phim Lost On Journey.
Không những thế, phim của Phạm Băng Băng còn bị cho là đã sử dụng tên của Lost On Journey dẫn đến sự nhầm lẫn và gây hoang mang cho dư luận và khán giả khi đến xem. Đây chính là nguyên nhân Lost On Journey cáo buộc phim của Băng Băng vi phạm quyền cạnh tranh không lành mạnh.
5. Phim tiểu sử về rapper Tupac Shakur bị kiện
Được biết nhà văn Kevin Powell là tác giả của những bài báo về tiểu sử rapper Tupac Shakur, ông đã nộp đơn kiện lên Tòa án New York khi cho rằng bộ phim All Eyez On Me, được ra mắt vào đầu tháng 6 tại Mỹ đã vi phạm bản quyền của ông.
Theo đó, các bài viết về tiểu sử tiểu sử của Tupac Shakur đều được đăng trên Tạp chí Vibe, nội dung về nguồn gốc và thời thơ ấu của Shakur, về mẹ của anh, và các cuộc đấu tranh của họ. Nhà văn Kevin đã tạo ra một chuỗi nội dung xuyên suốt rằng đây "không chỉ về cuộc đời một rapper mà còn về cuộc khủng hoảng sắc tộc người da đen trẻ tuổi".
Kevin cho rằng đoàn làm phim đã không hề gọi điện xin phép mà tự động phát triển kịch bản, sản xuất, quay phim mà không được ông chấp thuận. Kevin Powell còn chỉ ra bộ phim có một nhân vật tên là Nigel, với nhiều chi tiết về mối quan hệ giữa Agnant và Shakur chắc chắn chỉ được lấy từ phẩm gốc của ông trên Tạp chí Vibe.
Trên đây là những vụ kiện khiến công chúng và giới phê bình ở thời điểm đó vô cùng hoang mang. Bởi các tác phẩm bị kiện đều là những bộ phim có sức ảnh hưởng lớn, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Từ đó cho thấy vấn đề về bản quyền luôn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu mang tính sống còn của các bộ phim và tên tuổi đạo diễn.
Nguồn: TH&PL