Trước thực trạng dư luận có cái nhìn không mấy tích cực về giới hoa hậu, những câu nói của tiến sĩ Đoàn Hương được chia sẻ rất nhiều.
"Hoa bèo nấu cám lợn"
Chia sẻ trong chương trình của VTC Now phát sóng tối 3/8, tiến sĩ khoa học Đoàn Hương phê phán gay gắt những phát ngôn được dư luận cho là có phần ngạo mạn, ảo tưởng của Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi.
Bà Đoàn Hương cho biết từng có ý định sẽ bênh Ý Nhi vì nghĩ đó là những phát ngôn nông nổi mang tính trẻ con. Tuy nhiên, khi nghe Ý Nhi so sánh bản thân với Hàn Mặc Tử, vua Quang Trung, bà Đoàn Hương cho rằng không thể tha thứ được.
Nhắc lại chi tiết Ý Nhi thản nhiên nhận: "Em, Hàn Mặc Tử rồi vua Quang Trung", bà Đoàn Hương cho rằng đây không phải kiêu ngạo mà là sự ảo tưởng vì không ai dám sánh mình với vua Quang Trung.
"Cô nàng đã khẳng định trong lời phát biểu rằng hoa hậu cần phải hoàn mỹ về mặt hình thức và cần có một trí tuệ sâu sắc. Nhưng cô dám so sánh mình với Hàn Mặc Tử, cả vua Quang Trung thì phải nói là một tư duy rất nông nổi, thiếu kiến thức.
Sắc đẹp không phải là tất cả. Bây giờ người ta sống bằng tài năng, hoa hậu cần phải có tài năng. Một người đàn bà đẹp mà không có tài năng thì khác gì một bông hoa hồng không có hương. Hoa hồng không có hương, chỉ là hoa bèo thôi. Hoa bèo cắm vào lộc bình cao quý làm gì? Cho nên nếu các nàng không cẩn thận thì các nàng không phải là những đóa hồng tỏa hương mà là hoa bèo nấu cám lợn", Tiến sĩ Đoàn Hương gay gắt.
"Thế giới đã có trường hợp bị tước vương miện nhưng chúng ta thì không"
Hiện nay, khán giả quay cuồng với nạn "bội thực" hoa hậu, khi đâu đâu cũng nghe danh xưng hoa hậu và hàng tá mỹ hiệu đằng sau. Trước thực trạng ấy, những phát ngôn của vị tiến sĩ chuyên nhận định văn hóa - bà Đoàn Hương vào năm 2016 được đào lại.
Theo ghi nhận của Báo Đại biểu Nhân dân, nữ tiến sĩ cho biết:
"Một lần nữa tôi lại phải đặt ra câu hỏi: Các cô gái thi hoa hậu để làm gì? Tôi hoài nghi mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay, không phải chỉ để tôn vinh vẻ đẹp bên ngoài. Để cuộc thi hoa hậu trở nên uy tín hơn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thí sinh phải được chọn lọc kỹ, với những tiêu chuẩn, nguyên tắc cụ thể, ít nhất phải có lý lịch tốt ở địa phương, nhà trường nơi cô ấy học.
Nếu đúng nghĩa một cuộc thi hoa hậu tầm quốc gia thì người đẹp là biểu tượng cho quốc gia, cho dân tộc, phải làm được nhiều việc cho quốc gia, cho dân tộc. Nếu chúng ta coi đó là mục đích cao nhất thì cuộc thi mới đúng nghĩa và người xem mới thấy hấp dẫn. Những người đoạt vương miện cần có điều kiện cần thiết để trở thành người đẹp của đất nước.
Tiêu chí đẹp người đã có tiêu chuẩn về 3 vòng, chiều cao, khuôn mặt. Tuy nhiên, còn một tiêu chuẩn nữa không thể thiếu đó là tính nhân văn. Điểm đặc biệt của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016 là có tiêu chí về lòng nhân ái, rất ý nghĩa. Một người đẹp bắt buộc phải có tính nhân văn. Tuy nhiên, theo nhịp sống mới, một vài hoa hậu đã có những ứng xử không đẹp, như việc Hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc lá. Vấn đề này xảy ra với người khác sẽ không nghiêm trọng, nhưng với một hoa hậu, đây là điều khó chấp nhận. Vì thế, giáo dục quy tắc ứng xử cho hoa hậu trước khi họ đoạt vương miện rất nên làm; sau đó, cần giám sát thực hiện chặt chẽ hơn, có quy định xử lý vi phạm rõ ràng.
Những vụ lùm xùm vừa qua, suy cho cùng lỗi ở Ban tổ chức đã không lựa chọn kỹ thí sinh, những người có thể trở thành biểu tượng cho sắc đẹp quốc gia và giáo dục họ.
Tôi nghĩ rằng cần đặt ra chuẩn mực đối với hoa hậu, cả về đạo đức và nhân cách, bên cạnh học vấn. Đây là điều mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải vào cuộc và tiến hành sớm, xây dựng quy chế về chuẩn mực ứng xử, đạo đức cho hoa hậu. Bởi thi hoa hậu là vấn đề về con người, sản phẩm của cuộc thi đó là biểu tượng cho sắc đẹp và văn hóa quốc gia.
Thế giới đã có trường hợp bị tước vương miện khi hoa hậu làm ảnh hưởng đến thể diện cuộc thi của họ, nhưng chúng ta thì không. Chưa kể, ngay cả việc thi xong, ban tổ chức, ban giám khảo không còn đảm đương trọng trách thì ai có quyền tước vương miện hoa hậu vi phạm quy chế? Vì thế, cần có quy định rành mạch và kiểm soát chặt chẽ các cuộc thi nhan sắc, chứ không phải cứ đẩy người đẹp lên sân khấu, cho đội vương miện là xong".
"Tôi đề nghị các em vượt qua hào quang"
Câu nói của Á hậu Kim Duyên rằng "Hoa hậu cũng là một cái nghề" đã từng tạo nên làn sóng tranh luận gay gắt năm 2022.
Trong bài nói chuyện của nữ tiến sĩ Đoàn Hương tại Chương trình tư vấn hướng nghiệp với chủ đề "Định hướng tương lai" tại trường Cao đẳng truyền hình (Thường Tín, Hà Nội), bà cho rằng hoa hậu chỉ là danh xưng và không phải một dạng nghề nghiệp. Giới trẻ đừng dựa trên nhan sắc sẽ có nhiều nguy hiểm đi kèm hệ lụy, cần phải nỗ lực từ chính trí tuệ của bản thân.
"Sắc đẹp thì có nhiều cho nên rồi các em sẽ bị thời gian nó đánh. Có lần tôi ngồi cạnh một bà hoa hậu đầu tiên của Việt Nam trong một chương trình mà khi bà ấy thú nhận là hoa hậu đầu tiên, tôi ngất đi, tí tôi chết trên ghế. Đừng mơ thi hoa hậu để lấy tỷ phú.
Đừng mong thi hoa hậu về lấy tỷ phú, tỷ phú giờ khôn lắm. Thà lấy một bà vợ mũm mĩm xinh đẹp vừa đủ, 3/5 điểm thôi, rồi về nhà hằng ngày có người cơm bưng nước rót hiền lành còn hơn… cả ngày chỉ xắn quần đòi túi Hermes v.v..
Có một số nghề sốc nổi hào quang, tôi đề nghị các em vượt qua cái hào quang đó để thấy bản chất của nó, đừng đầu tư vào đấy", nữ tiến sĩ nói.
Sau một loạt phát ngôn đanh thép suốt nhiều năm về giới hoa hậu, một số người cho rằng bà Đoàn Hương "có thù" với các người đẹp. Những người là sinh viên cũ của bà từng lên tiếng: "Nếu ai đã từng xem và biết tới cô Đoàn Hương qua các chương trình như Đa Chiều hay Cafe sáng, những chương trình mang tính xã luận thì không lạ gì với những phát ngôn của cô. Đứng trên góc nhìn của riêng cá nhân mình thì cô Hương là người có cá tính mạnh, dám nghĩ, dám nói và dám lên án phê phán một sự việc nào đó".
Song, một số quan điểm trái chiều cho rằng thời đại Internet cho phép một lời nói có thể tới tai cả triệu người, triệu cách hiểu. Vì vậy một lời nói sai, nói quá sẽ chẳng có cơ hội chữa cháy:
"Trên thực tế, có không ít người đẹp chọn các cuộc thi hoa hậu như một cách để đổi đời nhưng vẫn có những hoa hậu, á hậu vừa có sắc vừa có tài và có cống hiến, đóng góp nhiều cho xã hội. Và ngành nghề, lĩnh vực nào trong cuộc sống cũng có người thế này thế kia, ta không nên phán xét chung cả một ngành nghề, lĩnh vực chỉ dựa trên quan điểm cá nhân", một bạn đọc nêu quan điểm.
Bất chấp việc bị cho là mang góc nhìn định kiến về giới sắc đẹp, những phát ngôn của Tiến sĩ Đoàn Hương phần nào cho thấy những mặt trái của chiếc vương miện, đồng thời chê trách những người tổ chức vẫn đang khẳng định quan điểm: "Càng nhiều hoa hậu càng tốt".
Nội dung liên quan
Từ thông tin trên báo Dân Việt Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương từng tham gia giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn và Khoa Báo chí Truyền thông (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Nhiều năm trở lại đây, bà thường xuyên xuất hiện trong các chương trình truyền hình VTV, mang tính xã luận. Khán giả truyền hình đã khá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ có mái tóc ngắn, chất giọng khàn đặc trưng cùng lối tư duy, lập luận vô cùng sắc bén, đưa ra những lời khuyên cá tính.
Nguồn: TH&PL