Không chỉ đơn thuần căng thẳng, áp lực, các cuộc thi mà các sĩ tử phải đối diện hiện nay đôi khi còn gay cấn, hồi hộp không kém gì các thước phim hành động.
Không khí trong của cuộc thi THPT Quốc gia đang nóng lên theo từng giờ. 12 năm dùi mài kinh sử của các bạn học sinh sẽ quyết định trực tiếp trong những ngày trọng điểm này. Thế nên việc áp lực mà các sĩ tử đối mặt là điều không thể tránh khỏi.
Những cuộc thi cử chưa bao giờ là điều dễ dàng với các bạn học sinh. Không những đối mặt với những áp lực thông thừng, đôi khi nó còn gay cấn, hồi hộp không kém gì những thước phim hành động của Hollywood. Điển hình cho tình huống đó, mọt phim có thể thấy rõ ở bom tấn phòng vé một thời của Thái Lan - Thiên Tài Bất Hảo.
Cuộc sống học sinh vốn rất đa dạng, phong phú. Nhưng không có quá nhiều kiểu người mưu mô, lo toan trong cuộc sống giống người trưởng thành, đôi khi phân loại học sinh trong môi trường học đường chỉ đơn giản là người đi quay bài, người bị quay bài, còn không thì là người chuyên mách lẻo việc gian lận kia.
Cả ba thành phần vừa kể đều có mặt trong Thiên Tài Bất Hảo. Đó là Lynn - thần đồng toán học có gia cảnh không lấy gì làm sung túc, Grace và Pat - một cặp đôi nhà giàu diễn kịch giỏi nhưng học thì siêu dốt, và Bank - học giỏi, nhà nghèo hơn cả Lynn và cực kỳ ghét quay cóp.
Nhưng nghèo giỏi hay dốt giàu thì đều phải lên đại học, đều cần điểm và tiền. Bởi thế, Thiên Tài Bất Hảo khởi đầu câu chuyện với việc Lynn "giúp đỡ" các bạn học của mình vượt qua các kì kiểm tra bằng các phương pháp gian lận không ai có thể tưởng tượng nổi, đảm bảo khiến người xem phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Với học lực thuộc hàng top trường và kèm theo đó là một trí nhớ siêu việt cộng với phản xạ siêu nhanh, việc gian lận của Lynn trở nên dễ dàng với những phương thức khó ngờ như chép tài liệu lên cục tẩy, hoặc thậm chí là sử dụng cả mã vạch bút chì để ăn gian đáp án...
Câu chuyện được đẩy đến cao trào khi khả năng của Lynn được sử dụng ở một mục đích khác, vượt xa ý định ban đầu là giúp đỡ bạn bè - Kiếm tiền. Khi vướng vào các phi vụ thương mại, mức độ gian lận trong các cuộc thi còn tinh vi hơn và kêu gọi thêm nhiều người tham gia hơn. Không chỉ Lynn, sau này nam thần Bank từng nổi tiếng chính trực cũng tham gia vào phi vụ gian lận.
Một anh chàng học giỏi chuyên "mách lẻo" bây giờ phải đứng giữa ranh giới giữa đúng và sai khi được đặt trước ma lực của đồng tiền. Hay sâu xa hơn là đứng giữa việc làm một con người chân chính bị số phận ngược đãi hay chấp nhận trở thành một kẻ gian lận tinh ranh nhưng làm chủ được cuộc đời của mình.
Gian lận học đường là thực trạng ở bất kì quốc gia nào chứ không chỉ ở Thái Lan. Thiên Tài Bất Hảo đã rất thành công trong việc mô tả chân thực cho người xem những cái nhìn đa chiều về điều vấn nạn này. Để có thể chỉ bài được cho không chỉ một mà còn nhiều người bạn, Lynn đã có những sáng kiến đúng kiểu "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" như: viết lên gôm, ra kí hiệu trắc nghiệm bằng việc gõ ngón tay lên bàn theo nhịp piano…
Nghe thì đơn giản nhưng phải tận mắt xem những góc quay cận mặt và lia nhanh khung cảnh mới thấy được sự nỗ lực và tập trung cao độ trong từng hành động của Lynn, người xem mới cảm nhận được hồi hộp và choáng ngợp không thua gì một bộ phim hành động gay cấn.
Không cần đến súng đạn, đua xe hay đánh nhau đổ máu, chỉ với giấy thi và bút chì thôi thì Thiên Tài Bất Hảo cũng sẽ đủ khiến tim người xem như ngừng đập với những nhịp đồng hồ tích tắc được lồng kèm những đoạn nhạc căng thẳng. Chỉ có tiếng đồng hồ thôi chưa đủ, nhà sản xuất còn sử dụng thêm những câu nói quen thuộc của giám thị như: "Hết giờ!", "Bỏ bút xuống!", hay những màn đập tay lên bàn khiến khán giả rạo rực nhớ về một thời thi cử.
Đằng sau những tiếng cười nhẹ nhàng, Thiên Tài Bất Hảo đã thành công trong việc khiến người xem phải suy nghĩ về thực trạng bất công của xã hội ngày nay. Pat và Grace là đại diện rõ ràng nhất của tầng lớp thượng lưu nơi mà con người có đầy đủ mọi điều kiện để phát triển toàn diện nhất cho dù có bất tài vô dụng đến thế nào. Điển hình cho câu nói: "Cái gì cũng có thể mua được bằng tiền hoặc không thì sẽ bằng rất nhiều tiền".
Họ có thể không hề có ý xấu hay muốn làm hại một ai, nhưng có một điều chắc chắn rằng họ nhận biết được ưu điểm tuyệt đối của mình là một người có tiền và cơ hội thành công của họ sẽ nghiễm nhiên cao hơn rất nhiều. Nhưng sâu xa bên trong hai nhân vật này, ta vẫn thấy được nguyên nhân khiến họ trở nên như vậy là do áp lực quá nặng nề từ phía gia đình. Phải dùng tiền để đạt được mục đích của mình nhưng Grace và Pat vẫn không bị tha hóa nhân cách quá nhiều. Bằng chứng là xuyên suốt bộ phim, cặp đôi này vẫn luôn coi trọng tình cảm bạn bè.
Trong khi đó, Lynn và Bank lại là một bức tranh đầy nhức nhối của tầng lớp người nghèo. Cho dù xã hội ngày nay có công bằng đến như thế nào người nghèo đều là những người thất bại, còn người giàu thì sinh ra đã chiến thắng. Thật vậy, trải dài bộ phim là những mảnh đời cơ cực, đó là một thầy giáo già "gà trống nuôi con" hay cậu bé Bank chứng kiến cảnh người mẹ gồng mình giặt từng thau đồ của khách.
Cũng vì thế mà càng về cuối phim, hai cô cậu bé học sinh ngây thơ đã nhận ra rằng dù họ có học giỏi đến thế nào, có cố gắng đến cỡ nào thì cơ hội đổi đời là cực kỳ nhỏ nhoi. Vì vốn dĩ trong cuộc đua đường đời, họ luôn phải xuất phát trễ hơn và bị bỏ xa bởi những người đầy đủ điều kiện như cặp đôi Grace và Pat.
Thiên tài bất hảo không chỉ là phim giải trí. Nó có rất nhiều bài học. Ví dụ như cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Không thể phủ nhận rằng, những chiêu trò gian lận của Lynn là những mánh khóe đúng kiểu thiên tài, chỉ những ai có bộ óc thần đồng mới nghĩ ra. Bên cạnh đó còn là những ý nghĩa to lớn khác như sự trung thực và lựa chọn của tuổi trẻ.
Xem xong bộ phim, ta ngẫm ra rằng quay cóp đúng là tiêu cực, nhưng nó không phải vấn nạn lớn nhất của ngành giáo dục. Cách giảng dạy và đánh giá cào bằng mọi thứ mới là vấn đề đáng lưu tâm.
Những câu chuyện về nhân cách, về thái độ sống trước những bất công của xã hội cũng được Thiên Tài Bất Hảo cài cắm một cách sâu sắc. Ở lứa tuổi học sinh, đáng lẽ họ phải có một cuộc sống trong sáng vô tư vô lo, nhưng chính những điều tiêu cực trong xã hội đã biến những đứa trẻ "thiên tài" trở nên thực dụng, bất chấp hay nói đúng hơn là đánh mất chính mình.
Áp lực trong những cuộc thi như một điều tất yếu, nếu không có nó có lẽ những kì thi đã không trở nên đặc biệt đến vậy. Tất nhiên, mỗi người đều nên đi trên đôi chân của chính mình để bước đi ấy trở nên vững vàng, chắc chắn hơn và có nền tảng tiếp tục phát triển trong tương lai.
Nguồn: TH&PL