U ám, hỗn loạn và đen tối, đó là những gì được diễn ra trong một cảnh viễn cảnh khác của tương lai của nhân loại, trái ngược hoàn toàn về một thế giới ''màu hồng'' với đầy tiến bộ và văn minh.
Thể loại phim phản địa đàng dường như đã là đề tài quen thuộc được khai thác phổ biến của các nhà làm phim với điểm nhận biết thường là bầu không khí u ám, âm thanh chói tai và nỗi tuyệt vọng qua từng khuôn mặt trên màn ảnh. Hãy cùng du hành thời gian để xem các nhà làm phim của chúng ta đã khắc hoạ thế giới "phản địa đàng" trong tương lai ra sau.
Sẽ ra sao nếu chúng ta buộc phải sống trong một thế giới phản địa đàng (dystopia)?
Cụm từ Dystopia (hay phản địa đàng) này có nguồn gốc từ Hy Lạp, dùng để chỉ các xã hội, thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ. Đặc trưng của các tác phẩm nghệ thuật (phim ảnh, văn học,…) về phản địa đàng thường miêu tả sự phi nhân tính, chế độ độc tài, thảm họa môi trường, và các yếu tố liên quan đến sự suy đồi của xã hội.
Dòng phim thuộc thể loại phản địa đàng ngày hôm nay được giới thiệu sẽ nói chi tiết hơn về những cơn ác mộng trong tương lai, khi mà con người phải sống ở một xã hội ngột ngạt, đầy những tệ nạn xã hội, sự bất bình đẳng, thiên tai, nạn đói thay vì một thế giới "màu hồng" với các công nghệ hiện đại cùng nền văn minh rực rỡ.
Dựa trên cách khai thác chủ đề từ những nhà làm phim, có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến một xã hội phản địa đàng đó là: chính quyền mục nát và chuyên quyền, sự kiểm soát và bành trường của một tập đoàn, cuối cùng là sự kiểm soát bởi công nghệ tân tiến do chính con người tạo ra.
Những tác phẩm thành công rực rỡ khi khai thác chủ đề về tương lai đen tối của xã hội
Thể loại phản địa đàng cũng đã mang đến cho các đạo diễn sự thành công với hàng loạt tác phẩm chạm đến cảm xúc người xem như: The Giver (Nguời Truyền Ký Ức, 2014), Nineteen Eighty-Four (1984), Equilibrium (Con Dao Hai Lưỡi, 2002), Children Of Men (Giống Nòi Nhân Loại, 2006), Brazil (1985) hay Gattaca (Công Nghệ Gen, 1997),… .
Mỗi tác phẩm, các nhà làm phim đều mang đến cho khán giả những nấc thang cảm xúc khác nhau, có nghẹn ngào và cảm động, có luyến tiếc và sự tội lỗi nhưng đôi khi cũng là nổi ám ảnh khắc sâu trong tâm trí. Có thể thấy tuy cùng đi đến một cái kết là miêu tả về xã hội phản địa đàng, nhưng mỗi bộ phim là một câu chuyện, một thông điệp rất khác về những vấn đề trong tương lai mà con người phải đối mặt.
Khi máy móc và công nghệ hiện đại làm "cạn kiệt" cảm xúc của con người
Như đã phân tích ở bên trên, sự phát triển không thể kiểm soát của máy móc và công nghệ là nguyên nhân được các nhà làm phim lựa chọn khi phát triển tác phẩm của mình về thể loại Dystopia. Hãy cùng xem qua sự thống trị của máy móc dưới góc nhìn của đạo diễn qua các loạt phim dưới đây
"Cách sinh có quan trọng hơn cách sống?" – là thông điệp mà tác phẩm Gattca (Công Nghệ Gen, 1997) mang đến, khi lên tiếng phê phán mạnh mẽ những tiến bộ của khoa học đã làm biến chất đạo đức con người trong tương lai.
Gattca mở đầu bằng một xã hội hiện đại, nơi khoa học đã có những thành tựu và bước tiến vượt bậc, và những bậc cha mẹ được lựa chọn cách mà đứa con họ sẽ ra đời. Giới tính, khả năng, sức khoẻ và tương lai của những đứa trẻ đều có thể được sắp đặt sẵn trước khi chúng chào đời. Chính điều này đã làm những đứa trẻ vốn được sinh ra một cách tự nhiên bị ruồng bỏ và luôn ở dưới đáy của xã hội.
Nhân vật chính của bộ phim là Vincent Freeman (Ethan Hawke) được sinh ra một cách tự nhiên. Ngay từ nhỏ anh đã bị chẩn đoán là sẽ bị cận thị, IQ thấp, bệnh tim và không thể sống quá 30 tuổi, vì vậy Vincent đã chịu sử ghẻ lạnh từ gia đình suốt thời thơ ấu.
Vượt qua mọi định kiến, Vincent đã không ngừng tập luyện và học tập để thực hiện ước mơ chinh phục vũ trụ của mình. Với quyết tâm không ngừng, nam chính cuối cùng đã có thể gia nhập tập đoàn hàng không lớn để từng bước hiện thực hoá ước mơ của mình.
Thế nhưng, đạo diễn đã không để mọi thứ trở nên dễ dàng khi đặt nhân vật chúng ta vào một vòng luẩn quẩn mà ở đó cả anh cùng khán giả phải suy ngẫm về hai từ "đạo đức". Dù đã gia nhập vào tập đoàn hàng không nhưng Vincent cũng không được bước chân vào phi thuyền do chính bộ gen "tự nhiên" của mình.
Vicent đã phải vay mượn thân thể của một người có bộ gen hoàn hảo khác nhưng do tai nạn đã không còn đi lại được. Từ đây, cuộc đời của Vincent cũng bước sang một trang mới, những hào nhoáng, sự nổi tiếng và thành công anh luôn khao khát cũng trở thành hiện thực.
Bộ phim không có những cảnh đen tối hay không gian u ám như đặc trưng thường thấy của dòng phim phản địa đàng, mà thay vào đó Gattca lại chiêu đãi người xem về mặt nội dung và thông điệp khi đã thẳng thắng cảnh báo về mặt trái của công nghệ trong tương lai. Không dừng lại ở nội dung, đạo diễn còn chiều lòng những khán giả khó tính bằng các thước phim đẹp nức lòng với cách phối màu sắc đầy chủ đích theo đúng diễn biến tâm lý của từng nhân vật.
"Sẽ ra sao nếu bạn bị bắt giam và kết án cho một tội danh mà bạn chưa làm?". Một thông điệp từ đại diện tiếp theo ở thể loại phim phản địa đàng là Minority Report – Báo Cáo Mật (2002), do đạo diễn Steven Spielberg xây dựng dựa trên một tiểu thuyết cùng tên. Minority Report đã tạo nên dấu ấn thành công lúc bấy giờ bởi lối khai thác đề tài mới mẻ, đặt nhiều nghịch lý khiến người xem vô cùng phấn khích.
Minority Report đưa khán giả đến với Washington D.C năm 2054 khi mà Chính phủ đã phát minh ra một hệ thống cảnh báo tội phạm trong tương lai. Hiểu đơn gia là chính bạn sẽ bị cảnh sát bắt giam cho một hành động phạm pháp chưa hề xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Hệ thống cảnh báo trên dựa vào năng lực của bộ ba tiên tri, thực chất là cặp song sinh nam và một cô gái trẻ. Họ bị đối xử như những xác ướp, đầu nối sợi cáp dài để truyền tải hình ảnh dự đoán trong não bộ, từ đó cảnh sát nhanh chóng tìm ra hung thủ và chặn đứng hành vi phạm pháp.
Nghi ngờ về độ chính xác và những nghịch lý thời gian, thanh tra Danny (Collin Farrell) quyết tâm điều tra về sự thật của "cỗ máy" tiên tri này. Kết quả anh lại bị dự đoán rằng sẽ trở thành hung thủ cho một vụ án mạng, mà người bị hại lại với anh ta không hề quen biết nhau.
Từ đây, bức màn sự thật cũng những âm mưu đen tối dần được phơi bày, liệu Danny sẽ tiếp tục trốn chạy cho đến một ngày anh trở thành hung thủ giết người như hệ thống đã tiên tri hay quyết tâm chứng minh tương lai đó không hề xảy ra?
Điều làm nên thành công của Minority Report – Báo Cáo Mật (2002) so với những tác phẩm cùng chủ đề nằm ở cách khai thác cốt truyện có sự kết hợp hài hoà giữa khoa học – chính trị, xen lẫn yếu tố tâm lý tình cảm.
Rất khó để nhận ra một xã hội phản địa đàng trong tác phẩm trên nhưng nếu chịu khó để ý các tình huống mà bộ phim mang lại, chúng ta sẽ ngỡ ngàng nhận ra khi xã hội càng tiến bộ, máy móc đã vô tình thay thế quyết định của con người.
Hãy thử suy ngẫm, một xã hội văn minh và tốt đẹp như trên có phải là điều mà tất cả chúng ta hướng đến không? Rằng một ngày khi đang thưởng thức bữa sáng cùng gia đình, bạn lại bị một đội cảnh sát áp giải vì lý do ngày nào đó bạn sẽ giết người!
Sự mục nát và chuyên quyền của hệ thống chính trị là một trong những yếu tố được khai thác trong thế giới phản địa đàng
Nineteen Eighty-Four (1984), được xem là đại diện sáng giá nhất cho thể loại phim trên khi được xây dựng từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả George Orwell. Trước đó thì bộ phim đã gây được tiếng vang lớn khi lần đầu ra mắt vào năm 1956, nhưng cho đến khi bản thứ hai chiếu vào 1984 thì Nineteen Eighty-Four mới thực sự chạm đến đỉnh cao.
Bộ phim lấy bối cảnh ở một đất nước mà tất cả quyền lực đều năm trong tay một Đảng phái duy nhất, và hoạt động nhân danh một người tên Big Brother – vĩ lãnh tụ cầm quyền vĩ đại của nhà nước Ignsoc. Tại đây tất cả công dân đều bị kiểm soát từ biểu cảm, hành động cho đến suy nghĩ bên trong của mình.
Các toà nhà dù của Nhà nước đến tư nhân hay cá nhân mỗi công dân đều đặt những màn hình hai chiều, mà qua đó Chính phủ sẽ theo dõi nhất cử nhất động của họ. Chỉ cần bị nghi ngờ có hành động hay tư tưởng lệch lạc với chủ trương của Đảng cầm quyền, họ sẽ ngay lập tức bị đội cảnh sát tư tưởng bắt giam.
Nhân vật chính của bộ phim là Winston Smith (do John Hurt thủ vai), Đảng viên Outer Party, làm công việc hằng ngày là chỉnh sửa dữ liệu từ quá khứ sao cho phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng ông hiện nay. Nhìn bề ngoài, khán giả sẽ lầm tưởng rằng nhân vật chính của chúng ta một mực trung thành, nhưng thật ra ông lại luôn căm ghét chính quyền và ôm mộng đảo chính Big Brother.
Có thể thấy, bộ phim đã mang đến góc nhìn chân thực về một xã hội ngột ngạt, không lối thoát và nỗi thống khổ của người dân dưới ách cai trị của Đảng cầm quyền. Với lỗi diễn xuất và khả năng biểu đạt suy nghĩ qua từng ánh mắt, cử chỉ, nhân vật chính Winston đã thực sự mang đến cho người xem một bầu không khí mà ở đó con người không khác gì robot.
Đại diện tiếp theo lấy gốc rễ của xã hội phản địa đàng từ hệ thống chính trị là Equilibrium - Con Dao Hai Lưỡi, được phát hành lần đầu vào năm 2002.
Tác phẩm được xây dựng trên một tương lai hư cấu rằng nhân loại đã trải qua thế chiến thứ III, và đất nước Libria được thành lập từ những người còn sống sót. Trải qua những đau thương và mất mát từ chiến tranh, Chính phủ Libria cho rằng cảm xúc của con người là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong và chiến tranh kéo dài.
Thiết Quân luật đã được ban hành ở quốc gia này nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi cảm xúc của con người. Ngày qua ngày, mỗi công dân tại Libria phải uống loại thuốc đặc chế nhằm kiểm soát cảm xúc, bất kỳ ai không tuân theo ngay lập tức sẽ bị xét xử, thậm chí là khai tử bởi Đội Hành pháp Grammaton Clerics.
Suốt mạch phim, người xem được theo chân nhân vật chính John Preston (Christian Bale thủ vai), thành viên cấp cao của Đội hành pháp. Anh vừa đóng vai là "chúa", vừa là tên "đồ tể" sẵn sàng ban cái chết cho bất kỳ công dân nào dám mang trong mình cảm xúc.
Dù bị giới phê bình phim cho rằng bộ phim vẫn chưa có chiều sâu về nội dung và thông điệp, tuy nhiên nếu nhìn nhận ở góc độ người xem dễ tính, có thể thấy Equilibrium cũng đã làm rất tốt vai trò của mình. Bên cạnh đó, tác phẩm đặt một vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm "liệu mất đi cảm xúc là cái giá thích đáng cho hoà bình nhân loại?" và rồi "nếu chúng ta sống giữa hoà bình nhưng tất cả đều không có cảm xúc thì đó có phải là kết cục nhân loại hướng đến?".
Xã hội phản địa đàng vẫn còn rất nhiều khía cạnh mà các nhà làm phim có thể khai thác để thu hút khán giả
Tạm kết lại về thế giới trong tương lai của con người bị thống trị bởi công nghệ và Chính phủ chuyên quyền, độc đoán, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng không khỏi ám ảnh về viễn cảnh có phần ảm đạm và u tối này.
Tuy nhiên, những bộ phim trên vẫn chưa khai thác hết các yếu tố dẫn đến một thế giới Dystopia, vẫn còn đó rất nhiều khía cạnh khác cho một thế giới "không màu hồng" mà chúng mình sẽ được tìm hiểu ở các phần tiếp theo.
Nguồn: TH&PL