Nối tiếp phần trước, ở mùa 2 Magne bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp để chống lại bọn người khổng lồ do Vidar Jutul lãnh đạo.
Sau thành công vang dội ở mùa đầu tiên (được ra mắt vào năm 2020), Ragnarok mùa 2 tiếp tục được lên sóng với chuỗi các trận chiến giữa những chư thần cùng người khổng lồ (Titan) tại xứ Edda (miền Tây Na Uy). Từ đây, nhiều tình tiết bất ngờ được hé lộ khiến người xem không khỏi tò mò.
Kịch bản thành công nhờ khai thác hiệu quả Thần thoại Bắc Âu theo hơi hướng hiện đại
Chủ đề thần thoại Bắc Âu đã không còn quá xa lạ với các nhà làm phim, tuy nhiên trong mỗi bộ phim lại có cách khai thác khác nhau mang một giá trị nhất định nào đó theo chủ ý từ đạo diễn.
Ragnarok ở cả hai mùa đã thành công nhờ hiện thực hóa những câu chuyện về thần thoại Bắc Âu vào ngay cuộc sống hiện đại của con người ngày nay. Lựa chọn sự kiện Ragnarok, đây là chương cuối cùng của Thần Thoại Bắc Âu, kể về chuỗi các sự kiện đen tối dẫn đến một trận chiến lớn – sự kết thúc của vũ trụ và cái chết của nhiều vị thần.
Đạo diễn đã đẩy mạch phim lên cao trào bằng những nhân vật là hiện thân của các vị thần như thần Thor, Loki,… chiến đấu với gia đình người khổng lồ Vidar. Mùa 2 của bộ phim mở đầu bằng một tiếng nổ lớn từ cuộc giao chiến trước đó giữa Magne (hiện thân của thần Thor) và Vidar Jutul, báo hiệu cho những trận chiến không khoan nhượng sắp diễn ra.
Bước sang mùa thứ hai, đạo diễn vẫn có thể giữ chân khán giả của mình bằng cốt truyện vừa thần thoại lại vừa hơi hướng hiện đại khi xây dựng thành công sự hoà nhập giữa thần – người khổng lồ vào cuộc sống con người. Hiện thân các vị thần vẫn đến trường để học những bài giảng về Thần thoại Bắc Âu hay người khổng lồ thì thành lập nên tập đoàn công nghiệp lớn thứ năm ở Na Uy. Đây được xem là một trong những yếu tố lý giải sức hút của loạt phim thần thoại trên bởi kịch bản không tạo sự nhàm chán cho người xem.
Một trận chiến lịch sử luôn được bắt đầu bằng hàng loạt những sự kiện và mâu thuẫn trong quá khứ
Trận chiến cuối cùng trong vũ trụ quan Thần thoại Bắc Âu luôn được xâu chuỗi với nhau, mà ở mùa hai của Ragnarok – Hoàng hôn của chư thần, nó được bắt đầu từ những sự thật bị che giấu trong quá khứ với những diễn biến tâm lý xuất sắc của các nhân vật trong phim.
Khai thác bối cảnh xã hội hiện đại, bộ phim không có nhiều cảnh quay về những trận chiến các vị thần mặc đầy áo giáp, tay cầm tia chớp hay điều khiển tự nhiên mà thay vào đó là những mâu thuẫn đời thường cùng một vài cuộc đối đầu chỉ dùng sức mạnh đơn thuần. Tuy nhiên, điều dẫn đến cuộc chiến giữa Titan – thần tại xứ Edda lại đến từ loạt mâu thuẫn đan xen nhau một cách rất "đời thường".
Nhân vật chính Magne cùng gia đình của mình chuyển về Edda sinh sống sau nhiều năm xa cách, tại đây cậu được đánh thức sức mạnh và phát hiện sự thật không bình thường tại vùng đất được xem là yên bình nhất xứ Na Uy. Gia đình Titan Vidar với tập toàn công nghiệp giàu thứ năm của quốc gia, gần như "điều hành" cả vùng đất và đầu độc môi trường tại đây bằng nước thải nhà máy của mình.
Magne cùng nhóm sinh viên đấu tranh đòi quyền lợi thì ngay lúc này thân thế về người em trai– Laurits Seier (Jonas Strand Gravli) được mẹ cậu tiết lộ. Hoá ra, người này chính là hóa thân của vị thần Loki, và là con của Titan Vidar Jutul.
Đỉnh điểm mâu thuẫn được phát triển sau cái chết của Vidar do Magne ra tay, người em Laurits quay lưng với anh trai mình, gia đình Jutul liên tục khiêu khích và trả thù gia đình nam chính khiến nội tâm anh trở nên khủng hoảng, sự căm thù trổi dậy – báo hiệu một trận "Ragnarok" lịch sử lại sắp bắt đầu giữa vùng đất linh thiên – Edda.
Màn "so găng" kịch tính giữa giới Thần và giới Titan
Trái ngược với mùa đầu tiên và một số tác phẩm khai thác chủ đề tương tự khác, Ragnarok mùa 2 vẫn chưa thực sự khiến người xem hài lòng vì những cuộc giao tranh giữa thần – Titan còn "khiêm tốn". Mỗi tập phim kéo dài khoảng 45 phút, tuy mỗi tập đều có các phân cảnh giao tranh, thậm chí đánh nhau quyết liệt giữa hai bên nhưng so với cái tên bộ phim được đặt thì đây đúng là điểm thiếu sót lớn.
Tuy nhiên bộ phim vẫn mang đến những cảnh "so găng" sức mạnh giữa thần và Titan đáng giá cho người xem. Đặc biệt là cảnh quyết đấu giữa Magne với Vidar tại nhà riêng của người khổng lồ, đã dẫn đến cái chết của người đứng đầu gia đình Titan lúc bấy giờ. Tại đây, bộ phim cũng hé lộ sức mạnh của nhiều vũ khí cổ đại có khả năng đoạt đi mạng sống của các vị thần.
Hay phân đoạn chạm trán giữa phe thần là Magne, Laurits với phe nhà Jutul, lúc này chỉ còn lại Ran, cậu con trai cả Fjor và cô em gái Saxa. Ngay lúc Laurits bị Fjor dồn đến đường cùng thì Magne đã xuất hiện với chiếc búa của thần sớm đã khiến gia đình Jutul gặp một phen "hú vía". Sức mạnh của hiện thân thần Thor đã quay trở lại trong nam chính, cũng ngay lúc này thì một thế lực cổ đại đáng sợ bắt đầu trỗi dậy.
Bất bình đẳng giới, ô nhiễm môi trường cùng nhiều vấn đề xã hội khác tạo nên dấu ấn riêng cho bộ phim
Như đã nói, Ragnarok mùa 2 mang đến cho khán giả không chỉ đơn thuần là câu chuyện về cuộc chiến giữa những vị thần và Titan, mà còn là bức tranh "phô bày" những góc khuất và định kiến của xã hội ngày nay.
Bất bình đẳng giới là thông điệp nổi bật trong mùa 2 khi lãnh đạo nhà Jutul là Vidar qua đời, em gái Saxa sắp sửa lên nắm quyền điều hành gia tộc thì Fjor – anh trai của cô bất ngờ quay lại sau một khoảng thời gian bỏ mặc gia đình, để dành lấy quyền lực. Dù đã có thoả thuận từ trước nhưng Fjor vẫn được mọi cổ đông công ty đồng thuận, thậm chí ngay cả người mẹ là Ran cũng cho rằng Saxa tuy giỏi nhưng không thể làm lãnh đạo: "Vì là con gái".
Các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cùng bức tranh về đói nghèo dường như là thông điệp đi xuyên suốt mạch phim ngay từ những tập của mùa đầu tiên và được phát triển hơn ở mùa 2.
Công ty của Jutul sau bao năm giấu giếm cuối cùng đã bị vạch trần là thủ phạm khiến toàn bộ nguồn nước ở Edda bị nhiễm thủy ngân, nhưng vẫn không bị truy tố vì thế lực gia đình quá lớn. Tâm lý Laurits (hiện thân của Loki) lại yêu quý Vidar vì cậu được bù đắp bởi vật chất xa hoa mà suốt tuổi thơ không hề có được do kinh tế gia đình eo hẹp.
Ragnarok mùa 2 có thực sự đáng xem?
Liệu với phần thể hiện của đạo diễn Mogens Hagedorn đã đủ để khiến khán giả, nhất là fan hâm mộ thể loại thần thoại nhấn vào xem? Câu trả lời vẫn nằm ở cách mà chúng ta đón nhận cũng như bối cảnh mà bộ phim mang lại.
Dù có một số ý kiến cho rằng Ragnarok mùa 2 có tình tiết dài dòng, lan man và không cần thiết. Tuy nhiên xét về hoàn cảnh và chủ ý của tác giả là tạo nên nhiều nút thắt, khiến khán giả phải đặt dấu chấm hỏi khi xem thì hoàn toàn có thể hiểu được.
Hiện tại bộ phim đã ra mắt mùa 2 nhưng vẫn chưa có thông báo chính thức nào về liệu mùa 3 sẽ ra mắt, tuy nhiên các fan có thể yên tâm vì phần cuối mùa hai, đạo diễn đã để lại cái kết mở về một năng lực cổ đại thức tỉnh, đủ để hiểu rằng phần tiếp theo sẽ rất đáng mong chờ.
-----
Cùng CineON "Renew Your View" trong từng bộ phim đình đám. Mỗi tác phẩm lại ẩn chứa những tình tiết, thông điệp và câu chuyện riêng mà biết đâu bạn đã bỏ lỡ? Tuyến bài Renew Your View sẽ mang đến cho độc giả loạt phát hiện, khám phá thú vị về những bộ phim đã trở nên quen thuộc nhưng còn ẩn chứa điều mới lạ trên màn ảnh Việt Nam và thế giới.
Nguồn: TH&PL