Trân Đài đang ngày càng toả sáng tại sàn đấu Miss International Queen 2022.
Đứng trên tâm thế nối gót Hương Giang, Đỗ Nhật Hà và Bùi Đình Hoài Sa, nàng hậu Phùng Trương Trân Đài tiếp tục mang sứ mệnh truyền tải thông điệp tích cực về bình đẳng giới, xây dựng cộng đồng LGBT Việt Nam ngày càng vững mạnh. Ngay từ những giây phút đầu nhập cuộc Miss International Queen 2022, phần thể hiện của cô nàng đã nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của giới chuyên môn. Trứ danh nàng hậu "tắc kè hoa", Trân Đài liên tục chiêu đãi người hâm mộ bằng những trang phục đơn giản, khoe trọn hình thể. Hơn hết, thiết kế "Kim Thực" được ekip Trân Đài dày công chuẩn bị cũng tạo tiếng vang lớn và được xem như thiết kế trang phục dân tộc đẹp, ý nghĩa nhất trong lịch sử. Vậy đâu chính là lý do khiến bộ quốc phục này đáng nói nhiều?
Tinh tế trong cách hiện đại hoá quốc phục
Từ những năm 2017 đến nay, người đẹp Việt Nam đang dần có bước chuyển hướng đầy mạnh mẽ trong cách định nghĩa về trang phục dân tộc. Áo dài, áo tứ thân truyền thống dần mất vị thế "độc tôn" dù từng là thiết kế được "chọn mặt gửi vàng" trong suốt nhiều năm. Sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ nhanh nhạy này đôi khi lại trở thành điểm trừ lớn khiến cộng đồng người hâm mộ Việt Nam khó lòng thích ứng trong ngày một, ngày hai. Dễ có thể thấy, người đẹp Việt đang quá "sa đà" vào việc tôn vinh sự cá tính, mạnh mẽ, gai góc thông qua những bộ bodysuit ôm trọn hình thể mà quên đi "bản ngã" dịu dàng, thuần tuý của người phụ nữ Việt.
Tránh việc "chạy nước rút" như đồng nghiệp, nàng hậu chuyển giới Trân Đài lại chọn cách hiện đại hoá quốc phục một cách nhẹ nhàng, đầy tinh tế. Bằng việc kết hợp song song giữa áo dài và áo tứ thân, thiết kế "Kim Thực" được cô trình diện tại Miss International Queen 2022 lạ rẽ hướng đến những nét văn hoá truyền thống của người phụ nữ Việt. Dù vậy, thiết kế này vẫn đảm bảo sự dung hoà tính hiện đại mà không "cộp mác" sến sẩm hay xưa cũ. Xét về độ hoành tráng, "Kim Thực" cũng không phải dạng vừa khi đạt đến cân nặng 9kg, giúp Trân Đài dễ dàng "so găng, kèn cựa" với dàn đối thủ đến từ nước bạn.
Tham lam, "nhồi nhét" nhiều chi tiết văn hoá có phải lựa chọn thông minh?
Điểm nổi bật nhất trong bộ quốc phục của Trân Đài chính là việc "thâu tóm" quá nhiều chi tiết văn hoá trong một thiết kế. Nhìn tổng thể, bộ quốc phục này phần lớn trình làng nền nông nghiệp lúa nước của người Việt thông qua gam màu vàng bắt mắt cùng chi tiết cây lúa đính kết phía sau lưng. Không những vậy, một loạt những hình ảnh khác như hoạ tiết trống đồng, con cò, chim hạc, mặt trời cũng được "nhồi nhét" vào thiết kế này.
Sự tham lam này đôi khi sẽ đẩy"Kim Thực" vào thế khó, đứng trước nguy cơ trở nên rườm rà và gây tức mắt. Tuy nhiên, thiết kế này vẫn được dân tình đánh giá khá cao và nhận được nhiều lời khen tặng từ giới chuyên môn. Là nhân vật chính, chủ chốt trong cách truyền tải nội dung nên hình ảnh cây lúa hoàn toàn giữ vị trí đắc địa ngay giữa trung tâm trang phục với kích thước lớn gấp nhiều lần. Những chi tiết khác hoàn toàn được tinh giảm với kích thước nhỏ, phân đều ra nhiều phía để đảm bảo tính cân bằng. Chính sự thông minh, tính toán trong việc chia nhỏ spotlight từng chi tiết liên quan đến văn hoá đã khiến trang phục "Kim Thực" hoàn toàn thay đổi tình thế. Không gây tức mắt vì quá "nhồi nhét", thiết kế này còn được netizen đánh giá là một trong những trang phục dân tộc đẹp và ý nghĩa nhất trong lịch sử.
Tại sao trang phục của Trân Đài được khen ngợi hơn nhiều nàng hậu khác?
Không bàn đến áo dài hay áo tứ thân, "Kim Thực" của Trân Đài chính là thiết kế trang phục dân tộc hiện đại mang tính tiệm cận cao với văn hoá Việt Nam. Đáng nói, nền văn hoá được nàng hậu nhắc tới không chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn hay chỉ là một xu hướng mới nổi trong một vài năm. "Kim Thực" trình làng nền văn hoá lúa nước có từ ngàn đời, từ lúc đất nước sơ khai đến khi phát triển và trở thành bước đệm vững chắc cho Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Những chi tiết khác đi kèm cũng mang đậm yếu tố văn hoá, tạo nên một tổng thể hoàn mỹ, không chút điểm trừ.
Đây cũng chính là một trong những lý do Kim Thực hoàn toàn êm xuôi từ khi trình làng và không gây nhiều tranh cãi như trang phục dân tộc của những nàng hậu khác. Phải kể đến H'Hen Niê, Hoàng Thuỳ với "Bánh Mì" và "Cafe phin sữa đá". Đây chính là 2 trang phục dân tộc gây tranh cãi nhất trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc. Dù mang đậm tính hiện đại, độc đáo và lạ mắt nhưng hai bộ quốc phục này hoàn toàn không được công chúng. Nhiều người cho rằng trang phục dân tộc chỉ nên khắc hoạ chi tiết văn hoá nổi bật nhất và nền ẩm thực đường phố không phải yếu tố đinh, thể hiện rõ nét con người và đất nước Việt Nam.
Không chỉ vậy, một số thiết kế khác lại theo hướng "mỳ ăn liền", phản ánh xu hướng, câu chuyện xã hội nóng tại một thời điểm mà quên đi cái cốt lõi của trang phục dân tộc chính là những yếu tố văn hoá lâu đời. Đơn cử nhất cho trường hợp này chính là trang phục "Thiên thần áo xanh" của Thuỳ Tiên tại Miss Grand International. Dù chọn hình ảnh áo dài, câu chuyện chống dịch đầy nhân văn của hệ thống y bác sĩ tuyến đầu nhưng thiết kế này hoàn toàn chỉ tái hiện xã hội Việt Nam trong vòng hai năm 2020 và 2021. Khoảng thời gian này hoàn toàn quá ngắn để một sự việc có thể nghiễm nhiên trở thành một nét văn hoá được nhiều người công nhận.
Nguồn: TH&PL