Không phải Billie Eilish, Olivia Rodrigo hay những nghệ sĩ GenZ khác, âm nhạc của Doja Cat chính là đại diện cho thế hệ GenZ trong năm 2021.
Doja Cat có lẽ là một trong những hiện tượng âm nhạc nổi bật nhất của năm 2021. Trong năm nay, giọng ca 25 tuổi đã phát hành album phòng thu thứ 3 mang tên Planet Her. Thừa hưởng những tinh túy từ hai album đầu: Amala (2018) và Hot Pink (2019), Planet Her tiếp tục là một sản phẩm mang giai điệu bắt tai kèm theo visual sang - xịn - mịn không thể chê vào đâu được. Như thường lệ, album đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thị trường lẫn giới chuyên gia khắp nơi.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là bề nổi của "tảng băng" thành tựu mà Doja Cat nhận được trong năm nay.
Thành công tối đa mà một sản phẩm âm nhạc có thể đạt được có lẽ không chỉ là thứ hạng cao trên BXH hay sự nhìn nhận tích cực từ giới chuyên gia, mà nó còn phải được người nghe biết đến, nhắc đến cũng như chia sẻ chúng nhiều lần một cách tự nguyện. Và đó cũng chính là thành công lớn nhất mà Doja Cat đã đạt được trong năm nay.
Có thể thấy, mặc dù đã có khá nhiều các nghệ sĩ comeback hay debut trong năm 2021 điển hình như Billie Eilish, Olivia Rodrigo, The Weeknd,... nhưng hầu hết các trào lưu đình đám thực hiện bởi GenZ trên MXH đều sử dụng âm nhạc của Doja Cat làm chất liệu chính. Từ những trào lưu như nhảy múa, nấu ăn hay thậm chí là "hát nhép", những bài ca làm nên tên tuổi của Doja như Kiss Me More, Need To Know, Get Into It (Yuh), Woman,... đều được nhắc tên.
Vô hình trung, hành động này được lặp lại nhiều đến mức các ca khúc đã dần dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng của giới trẻ hiện nay. Nhiều người thậm chí còn sử dụng âm nhạc của Doja Cat để nhận diện đồng minh GenZ với nhau. Cũng chính vì vậy mà đã có nhiều ý kiến nhận định rằng âm nhạc của Doja Cat đã góp phần định nghĩa nên nền văn hóa GenZ.
Tại sao lại nói đây là thành công lớn nhất trong sự nghiệp của chủ hit Say So? Bởi lẽ không phải sản phẩm nào cũng có thể trở thành một văn hóa. Có không ít các ca khúc sở hữu thành tích "vô tiền khoáng hậu" như No.1 Billboard hay thậm chí kèn vàng Grammy điển hình như Need You Now hay Since You Been Gone nhưng vẫn không đạt được hiệu ứng như trên.
Để một sản phẩm có thể trở thành một nét văn hóa thì nó phụ thuộc nặng nề vào yếu tố con người - một trong những điều kiện khó thỏa mãn nhất.
Hoàn toàn không có lời giải thích nào thích đáng cho trường hợp đặc biệt này. Doja Cat lẫn ekip của nữ nghệ sĩ đã hoàn toàn dự đoán trước được sản phẩm lại nhận được sự hưởng ứng cực đại từ thế hệ GenZ - một trong những thế hệ tiềm năng của nhân loại, đến như vậy.
Có thể nói rằng nguyên nhân đằng sau sự thành công vang dội này có lẽ là sự chất lượng mà từng ca khúc mang lại. Tuy nhiên, lời giải thích hợp lý nhất có lẽ vẫn là "thời tới cản không kịp".
Nguồn: TH&PL