Thời trang là một vòng lặp và nó đã "chạm mặt" Y2K.
Không khó để bắt gặp các bạn trẻ hiện nay có đam mê bất tận với thời trang. Họ đa phong cách từ futuristic (tương lai) cho đến retro (cổ điển) hay minimalism (tối giản) và maximalism (tối đa). Song, giữa vòng lặp của hàng tá phong cách thời trang, Y2K trở lại sau 2 thập kỷ và thống trị bức tranh thời trang được vẽ bởi gen Z đầy cá tính, phá cách.
Nội dung liên quan
Phong cách Y2K là gì?
Y2K là cách gọi miêu tả về thảm họa máy tính của nhân loại xảy ra vào tháng 12 năm 1999 - điểm giao sang một thế kỷ mới. Những giả thuyết về sự hỗn loạn và mất kiểm soát của công nghệ thông tin toàn cầu đã xác lập nền tảng quan trọng tạo nên phong cách thời trang "phản thời trang" của thập niên 2000.
Theo đó, tinh thần chủ đạo của phong cách Y2K là niềm lạc quan, sự bất cần và có thể giúp người mặc nói lên được cá tính bên trong nội tâm. Khi câu nói "Đi trước thời đại hay đi sau thời đại đều được xem là lỗi thời" xuất hiện thì sự kết hợp giữa chủ nghĩa vị lai và tàn dư của làn sóng rock/punk tạo nên một phong cách hợp thời và bền vững với thời gian.
Nội dung liên quan
Thời gian mà Y2K trẻ nên phổ biến rơi vào khoảng 1993 đến 2003 khi trận chiến giữa các tín đồ minimalism và maximalism đi vào hồi kết. Những gương mặt tiên phong để truyền bá văn hóa thời trang Y2K lúc bấy giờ phải nói đến "Công chúa nhạc Pop" Britney Spears, Destiny Child, Spice Girls hay trong địa hạt thời trang là Vivienne Westwood, Jean Paul Gaultier, Christian Dior,...
Đều mang màu sắc phá cách và bất quy chuẩn, Y2K lại lần nữa xóa bỏ những xiềng xích về một ngành thời trang xa hoa, giống như cách mà "tiền bối" hippie đã làm, theo một cách thành thị và hiện đại hơn. Những items như quần cạp thấp, ống suông hay áo thắt dây ngực và outer bra cũng chiếc túi bánh mì là các dấu hiệu để nhận biết một tín đồ của Y2K.
Ngoài ra, quần jeans ống loe, cạp trễ, áo croptop, quần cargo, cardigan, túi đeo vai nhỏ xíu, giày sandal dây, áo corset, kẹp tóc bản lớn, hình in phức tạp hay quần áo bó sát là điểm đặc trưng cho phong cách thời trang này.
Sự trở lại của một thời kỳ "thảm họa"
Sau gần 30 năm, Y2K trở lại đường đua thời trang như một sự hiển nhiên của vòng lặp thời trang. Đúng như một chu kỳ, từ sự tái xuất của Retro tạo nên làn sóng đồ "si đa" đến hơi thở grunge đã đưa thời trang ra khỏi vỏ bọc an toàn một lần nữa, phong cách "phản thời trang" trở lại trong điều kiện thuận lợi bởi tiền đề của những xu hướng thời trang vừa qua.
Sự phát triển cửa hàng loạt các cửa hàng đồ 2nd và chợ đồ si cộng hưởng cùng hiệu ứng "sống xanh" làm thay đổi chủ nghĩa tiêu dùng ở giới trẻ, các món đồ Y2K của những năm cũ có cơ hội hồi sinh. Những chiếc quần cạp trễ và những chiếc túi bánh mì ẩn mình trong các kiện hàng dần trở thành một xu hướng của thế hệ mới. Người ta bỏ công sức và tiền bạc để đi "săn" những món đồ cũ có giá thành đôi khi cao hơn cả đồ mới. Mục đích của các tín đồ thời trang nhằm bắt kịp xu hướng Y2K đầy tính cá nhân và phá cách.
Đồng thời, đại dịch Covid trong 2 năm vừa ra được xem là thời điểm "tốt nhất" để phong cách Y2K tái xuất giới mộ điệu. Đều được xem là "thảm họa" toàn cầu, đại dịch Covid và Y2K có mối liên hệ với nhau khi công chúng đều trải qua nhiều khung bậc cảm xúc cũng như bị "mắc kẹt" trong bốn bức tường. Phong cách Y2K trở lại như sự cứu rỗi cho những cái tôi thời trang cần thể hiện tiếng nói của mình.
Tại Việt Nam, phong cách Y2K được hưởng ứng một cách mạnh mẽ và sinh động nhất trong tổng thể bức tranh thời trang thế giới. Các E-Girl, E-Boy nổi bật như như Naomi Roestel, Wean Lê, Lilthu,... là những gương mặt truyền tải tinh thần Y2K đầy sáng tạo của một thế hệ Gen Z cá tính.
Nguồn: TH&PL