Với những nghệ sĩ, họ nghĩ như thế nào về xu hướng âm nhạc này?
Nhạc speed-up (ca khúc được tăng tốc - PV) là thứ đang tạo ra không ít những tranh cãi trong ngành âm nhạc trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Bây giờ, nếu lướt nhanh TikTok hoặc các nền tảng video ngắn như YouTube Shorts, Reels,... hàng loạt những âm thanh đầy tốc độ đang lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Những bản nhạc buồn cũng được speed-up, và thậm chí, cả nhạc theo hướng điện tử với phần tempo dồn dập thậm chí cũng có cả những bản như vậy. Điều này khiến nhiều khán giả đặt ra câu hỏi rằng đâu là ý nghĩa thực sự của việc này?
Nội dung liên quan
Công thức tạo hit?
Hoàng Thùy Linh là một trong những cái tên tiêu biểu cho phong trào này. Những bản remix với phần tempo được tăng nhanh bất thường của Gieo Quẻ hay nổi bật hơn nữa là See Tình đã khiến ca khúc này không chỉ viral ở Việt Nam mà thậm chí còn "vươn ra thế giới" khi trở thành một trend đặc biệt hot của Douyin xứ Trung.
Tại Việt Nam, thậm chí một số nghệ sĩ còn trả tiền để các producer "nhằn mặt" của các bản speed-up TikTok như Cukak, flechazowu,... để tăng tốc âm nhạc của bản thân và đăng tải ngược lại lên nền tảng này.
MIN với Cà Phê, Hoàng Thùy Linh với See Tình hay Da LAB với Chạy Khỏi Thế Giới Này bản speed-up đã tạo ra những trend đầy thú vị trên nền tảng này. Thậm chí, ca khúc Duyên Duyên Số Số của Du Uyên cũng bỗng trở thành một hot sound trong thời gian gần đây thông qua việc tăng tốc.
Điều này chứng tỏ, đây cũng có thể được xem là một cách thức để tạo ra độ phủ cho những ca khúc này trên các nền tảng video ngắn.
Nói về việc này, các thành viên Da LAB cũng có những quan điểm khác nhau. Thơm cho rằng bài hát của mình giống như một đứa con, khi lớn lên sẽ có một cuộc sống riêng. Anh cho biết bản thân chỉ quan tâm đến bản original mà Da LAB phát hành.
Khác với Thơm, Emcee L chia sẻ: "Tôi có quan niệm khác. Cùng cái giai điệu mình viết ra, tại sao người ta remix nó lại trở thành hit hơn cái của mình? Tức là họ sản xuất cái beat đấy tốt hơn, thì nó mới hit hơn. Nếu nó hay hơn bản gốc, thì cái ý tưởng, tư duy của người ta với giai điệu đấy phù hợp hơn. Tôi có thể học tập từ họ ý tưởng gì đấy".
Không ít tranh cãi
Khi được hỏi về việc remix âm nhạc để tạo ra những phân đoạn ngắn có độ viral cao, producer Hoaprox thẳng thắn chia sẻ: "15 giây hay 30 giây không thể nào kể một câu chuyện được. Công thức đó có thể thành công khi muốn tạo trend, còn nếu muốn tạo giá trị nghệ thuật, chưa chắc.
Nếu mọi người remix theo phong cách mà tôi cảm thấy không ổn nhưng lại được nghe nhiều hơn bài gốc thì cũng sẽ khá lấn cấn".
Với một cái tên nổi bật thông qua những bản speed-up trên TikTok, Huyền Tâm Môn bày tỏ suy nghĩ về xu hướng này: "Tôi làm nhiều thể loại khác nhau, cho các bên remix nhạc của tôi là vì tôi muốn chiều lòng khán giả. Khi khán giả đến với âm nhạc của Huyền Tâm Môn, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Tôi nghĩ là những bên muốn remix bài của tôi thì họ cũng thích nhạc của tôi mà. Nên họ mới đề nghị làm remix. Khán giả sẽ quyết định đâu là sản phẩm hay".
Một cái tên khác cũng thường xuyên có những ca khúc viral trên nền tảng này là HIEUTHUHAI. "Tôi làm âm nhạc để nghe 3 phút, nghe từng câu, từng chữ, từng melody trong đó hơn là nhạc chỉ để hot mỗi vài chục giây như vậy.
Tôi tự hào vì những thứ nguyên bản thành công, vì điều này đồng nghĩa với việc những suy nghĩ, tính toán của tôi ngay từ ban đầu đã cho thấy rõ sự phù hợp với thị trường. Tôi hiểu cuộc chơi đang như thế nào, nhưng tôi không đi theo dòng chảy đó", nam rapper sinh năm 1999 thẳng thắn.
Tôi hiểu cuộc chơi đang như thế nào, nhưng tôi không đi theo dòng chảy đó. Tôi làm âm nhạc để nghe 3 phút.
Là một cái tên đã ở trong nghề hơn 10 năm, Trịnh Thăng Bình đưa ra những suy nghĩ của bản thân về việc speed-up: "Đã chắc gì họ thích 15 giây trên TikTok rồi họ cũng sẽ để nghe luôn 5 phút của mình? Có những bộ phim, có 1, 2 tập rất hay và người ta chỉ thích coi 1, 2 tập đó thôi. Những tập còn lại không hay thì đó có phải bộ phim thành công không?
Việc của tôi là làm nhạc 5 phút chứ không phải làm nhạc 15s. Nếu như tôi đi hát kêu tôi hát mỗi bài 15 giây thì một ngày không biết phải hát bao nhiêu bài, cũng khó cho tôi lắm".
"Speed-up không xấu"
Có thể thấy, những cái tên nổi bật trên nền tảng TikTok cũng đưa ra những luận điểm tương đối khác biệt về nhạc speed-up. Một số người đồng tình, số khác lại không có nhiều thiện cảm với thứ âm nhạc này. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng, khán giả mới chính là người quyết định được họ thích nghe nhạc gì.
Hoàng Dũng khi được hỏi về việc này nhanh chóng đưa ra câu trả lời: "Tôi không thích việc speed-up. Một người nghệ sĩ khi làm bài đã quyết định về tempo, chất nhạc và cả chất xám bỏ vào cũng mất rất nhiều thời gian.
Mọi người khó chịu vì bản speed-up đấy vì nó xuất hiện quá nhanh. Việc có những phiên bản như vậy xuất hiện trong quá trình quảng bá sản phẩm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch của nghệ sĩ. Tôi không ủng hộ, nhưng xu hướng người dùng đang đưa đẩy đến cách làm này".
Chính các nghệ sĩ dường như cũng đang bất lực trong việc tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề này. Khó để đổ lỗi cho gu âm nhạc của đại chúng, và cũng khó để nói rằng speed-up là sai trái. Những người làm nhạc giờ đây có lẽ cần có những cách thức mới mẻ hơn để bảo vệ ca khúc của mình.
Một vấn đề hóc búa khiến nhiều người yêu âm nhạc vẫn mãi không tìm được lời giải.
Nguồn: TH&PL