Bằng chiến lược thông minh và năng lực tư duy vượt trội, “bậc thầy tư duy không gian”đã đánh bại “thiên lý nhãn” ở Vòng Chung kết.
Vòng Chung kết của Siêu trí tuệ Việt Nam – Mùa 2 hội tụ những thử thách đạt độ khó đỉnh điểm. Đây được xem là cuộc chạy đua về trí tuệ với tốc độ cực kỳ căng thẳng giữa những bộ não ưu tú nhất.
Tư duy chiến thuật đỉnh cao, “bậc thầy tư duy không gian” Đức Giang đánh hạ “thiên lý nhãn” Tuấn Phi
Là đối thủ của nhau tại thử thách Mê Trận Cánh Quạt, Tuấn Phi và Đức Giang được nhận xét ngang tài ngang sức. Bất ngờ hơn, khi Đức Giang đề nghị từ chối quyền ghi nhớ trong 60 phút đầu, thí sinh chỉ vận dụng tư duy không gian của mình để thực hiện thử thách.
Đức Giang cho biết: “Với năng lực của mình là chuyên về không gian kèm theo đó là về quan sát và phần thi này đã thi đấu trên quốc tế rồi nên mình nghĩ là mọi người đều dự đoán được cách giải. Vậy nên mình muốn tăng độ khó lên là không cần dùng ghi nhớ. Bản thân mình là người không luyện ghi nhớ nên việc quan sát trước hay sau không quan trọng”.
Trước khi bắt đầu thử thách, giám khảo Dương Anh Vũ đã đặt nhiều kỳ vọng về Tuấn Phi: “Phần thi này, tuyển thủ nào có short-term memory về tranh trừu tượng tốt, tuyển thủ đó sẽ có ưu thế. Tuấn Phi là người có năng lực short-term memory tốt hơn và khả năng nhớ tranh ảnh trừu tượng của Tuấn Phi rất tốt".
Không làm cố vấn khoa học Dương Anh Vũ thất vọng, Tuấn Phi cũng xin phép từ chối quyền quan sát như Đức Giang: “Vì Giang đã bỏ quyền quan sát 60 phút nên mình cũng sẽ bỏ quyền quan sát 60 phút để công bằng với cả 2”, Tuấn Phi chia sẻ.
Hành động này của Tuấn Phi khiến giám khảo Dương Anh Vũ bất ngờ: “Việc mà Đức Giang muốn từ chối ghi nhớ, đó là quyền của Đức Giang, chứ không phải Đức Giang yêu cầu Tuấn Phi cũng làm theo mình. Tuấn Phi đang đánh mất đi lợi thế của mình”.
Từ chiến lược cho đến cách thực hiện, có thể thấy Tuấn Phi và Đức Giang hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Đức Giang chọn cách nhìn bao quát khi quan sát thì Tuấn Phi vẫn chậm rãi đi đến từng nơi để quan sát thật kỹ.
Còn với Tuấn Phi, khi quan sát đề số 1 cũng đề ra chiến thuật riêng cho mình: “Với đề thi số 1, thì khi quan sát mình đã tưởng tượng ra được đấy là 1 bức tranh về hoa hồng trên sân khấu, nên bức nào hoa hồng thì mình sẽ lưu lại”.
Bắt đầu với đề thi thứ 2, có lẽ Tuấn Phi đã dần nhận dạng được: “Ở đề thi thứ 2, dựa vào các nếp gấp ở phía bên trái sẽ có màu của nước và phía bên phải sẽ có màu của đất. Vậy là mình sẽ biết đâu là một chiếc quạt bờ hồ và đất liền. Từ đó thì mình sẽ loại bỏ những bức tranh gây nhiễu”.
Nhận thấy mình tìm ra được một số điểm giống với “thiên lý nhãn”, Đức Giang cho biết: “Ở đề số 2, mình để ý 3 nếp gấp ngoài cùng ở bên tay trái đấy có thể là một dòng sông và vài đường nét thì mình đoán nó có thể là con thuyền hoặc bến cảng…”.
Với cách quan sát bao quát và chiến thuật chặt chẽ của mình, Đức Giang đã nhanh chóng hoàn thành thử thách ở thời gian 10 phút 47 giây. Trong khi đó, với tính cách tỉ mỉ và chắc chắn, Tuấn Phi vẫn rất bình tĩnh từ từ quan sát.
Sau khi công bố đáp án, cả Đức Giang và Tuấn Phi hầu như đều chính xác cho đến cây quạt cuối cùng. Tuấn Phi đã bị nhầm bởi vì hình ảnh của 2 cây quạt quá giống nhau, về phần Đức Giang nhờ tư duy suy luận của mình đã tìm ra cây quạt chính xác và giành chiến thắng.
Việt Hoàng, Thục Nữ, Nhựt Thịnh và trận đấu không hồi kết
Sở hữu muôn vàn kiến thức tổng quát, “bách khoa sống” Hà Việt Hoàng đã trở lại và trưởng thành hơn sau cuộc thi Siêu trí tuệ Việt nam - Mùa 1.
“Sau cuộc thi Siêu Trí Tuệ Việt Nam thì trong 1 năm qua mình cũng làm được khá là nhiều điều mới, có thêm những công việc mới, gặp những bạn bè mới và có những trải nghiệm mới. Và mình tự tin là tất cả những trải nghiệm đó đều sẽ giúp mình có thêm góc nhìn mới về cuộc sống này”, Việt Hoàng chia sẻ.
Đối với thử thách Bạch Mã Đồ, thí sinh phải sử dụng rất nhiều thuật ngữ thuần về tiếng Anh. Nếu chỉ tiếp cận thuật ngữ ở dạng tiếng Việt, thí sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra lời giải.
Được xem là thử thách được nhận xét là khó bậc nhất trong cả 2 mùa, giám khảo Trần Thành Nam nhận định: “Tính đa nhiệm thể hiện là phải có trí nhớ học thuật, trí nhớ dài hạn, phải có cả trí nhớ ngắn hạn, phải có năng lực tư duy về mặt không gian thì mới có thể giải được”.
Giám khảo Justatee cũng nhận xét thêm: “Với đề bài này, kiến thức nền của các bạn phải thật sự tốt vì đây đều là những cụm từ ngẫu nhiên và bản thân ô chữ này sau 5 phút sẽ biến mất, thế nên là áp lực về thời gian, áp lực về không gian đối với các bạn thật sự là lớn”.
Hành động quay lại sau khi đã ghi nhớ đề của Thục Nữ đã khiến Việt Hoàng lo lắng: “Khi mà chị Thục Nữ quay lại thì mình cảm thấy có một chút gì đó áp lực và mình nghĩ rằng là vậy thì mình cũng sẽ phải liều một phen xem sao. Và mình quyết định là mình sẽ sử dụng khoảng 10 giây tiếp theo để mà ghi nhớ phần còn lại của ô chữ”.
Thục Nữ và Việt Hoàng sử dụng 2 chiến thuật hoàn toàn khác nhau, điều đó không khó để các giám khảo nhận ra: “Thục Nữ thì cô ấy lắp đến đâu, cô ấy viết đến đấy luôn, còn Việt Hoàng thì ở phần đấy bạn chơi theo chiến thuật là đầu tiên bạn lắp đường đi giống như là đối thủ người Đức của bạn trong trận quốc tế bạn đã thi ở mùa 1”, nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ.
Có lẽ vì quá chú trọng thời gian nên Thục Nữ đã mắc sai lầm: “Từ khoảng 1/3 cuối mê cung thì mình đã đi sai đường, cho đến điểm kết thúc thì mình mới nhận ra và quay ngược trở lại và sửa cái mê cung này. Mình sẽ vừa đi mê cung và vừa điền từ khóa vào, chiến thuật này vừa giúp mình tiết kiệm thời gian, vừa giúp mình trong việc kiểm tra lại là các đáp án có đúng hay không. Và nếu như mình sai thì mình có thể sửa ngay lập tức ở chỗ đó”.
Lần nữa, Việt Hoàng rơi vào tâm lý lo lắng: “Chúng ta đều biết trong phần thi này, người chậm nhất sẽ bị loại ngay lập tức và chúng ta chỉ có đúng 1 cơ hội duy nhất”.
Dường như bài học ở năm ngoái đã giúp Việt Hoàng bình tĩnh hơn trong thử thách. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, Việt Hoàng cũng chốt đáp án ở thời gian 5 phút 26 giây.
Chia sẻ về việc chậm hơn đối thủ, Nhựt Thịnh cho biết: “Các dữ liệu đưa ra trong đề bài khá mơ hồ, nếu không quan sát cẩn thận và tỉ mỉ mà chỉ nhìn lướt qua thì rất có thể khả năng bị nhầm sang các từ khóa khác có cùng lĩnh vực, cùng nội dung nhưng lại sai về mặt số lượng chữ cái”. Tính toán đường đi nước bước một cách thật tỉ mỉ, Nhựt Thịnh chốt đáp án ở thời gian 7 phút 48 giây.
Kết quả đáp án hoàn toàn chính xác cho đến keyword thứ 4 là “Định lý nhị thức”, lúc này Nhựt Thịnh phát hiện ra mình đã đi ngược từ khóa. Thay vì từ trên xuống thì bạn lại viết từ dưới lên. Vì vậy, một khi kết quả sai thì không cần phải xét tiếp tục, Nhựt Thịnh đành nhường lại đường đua cho Việt Hoàng và Thục Nữ.
Cụ thể, đền Bạch Mã phải có 6 ô, và đường đi của ngựa phải bắt đầu đi ra từ đền, và sau đó kết thúc tại đền. Tuy nhiên, vì quá chú trọng thời gian, Thục Nữ chỉ lắp đền Bạch Mã có 4 ô, và đường đi đầu tiên không bắt đầu ra từ đền nên nếu xét về kết quả thì Thục Nữ đã sai từ khi bắt đầu.
Cuối cùng, trận đấu này tạm dừng lại với kết quả Việt Hoàng đi tiếp vào vòng 2, Thục Nữ, Nhựt Thịnh sẽ bước vào vòng đấu phụ để tìm ra người tiếp tục thi đấu với Việt Hoàng.
Tập cuối Siêu trí tuệ Việt Nam – Mùa 2 sẽ tiếp tục được ra mắt khán giả lúc 20h thứ 7 ngày 30/1 trên kênh truyền hình Vie Channel – HTV2, Vie GIẢI TRÍ, ứng dụng VieON.
Nguồn: TH&PL