Bom tấn Tenet đã thu hút khán giả với yếu tố đặc biệt từ ý tưởng nghịch đảo dòng chảy thời gian, tuy nhiên cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nội dung của bộ phim.
Là một trong những "đứa con" tinh thần của của đạo diễn Christopher Nolan – người đã làm nên thành công trong hàng loạt các bộ phim cùng chủ đề trước đó. Tenet mang đến cho khán giả một trải nghiệm khó quên và không kém phần kịch tính nhờ ý tưởng về nghịch đảo thời gian vô cùng độc đáo của mình.
Sự ra đời và cách hoạt động của thuyết đảo thời gian trong Tenet khiến khán giả phải đau đầu
Như đã nói, đối với Tenet một trong những lý do khiến nó thu hút người xem đó chính là ý tưởng về đảo ngược thời gian vô cùng mới lạ của Christopher Nolan, nhưng đây cũng là điểm khiến khán giả khi mới xem lần đồ vô cùng "rối não". Vậy thuyết đảo ngược thời gian trong phim được đạo diễn giải thích như thế nào?
Nguyên lý nghịch đảo thời gian trong bộ phim được dựa trên một lý thuyết vật lý phức tạp có tên Entropy. Có thể tạm hiểu đơn giản đó là việc tác động vào các cấu tạo vật lý nguyên tử để các hạt di chuyển ngược lại với chiều chuyển động tự nhiên của chúng, từ đó làm thay đổi chiều hướng di chuyển, phát triển của sự vật và thậm chí là cả thời gian.
Thật ra, nguyên lý trên cũng đã được xuất hiện đâu đó trong vũ trụ của Marvel nhưng riêng Tenet mới dám khai thác nó làm chủ đạo trong bộ phim của mình. Nhớ lại ở Doctor Strange (2016), phân đoạn nam chính dùng một quả táo để kiểm tra sức mạnh của Time Stone, ta thấy quả táo đang ăn dở có thể khôi phục lại ban đầu, đấy chính là cách mà Tenet hoạt động.
Trong bộ phim, đạo diễn cũng đã có nhiều thông tin để giải thích cho sự ra đời của lý thuyết này. Bộ phim được lấy bối cảnh ở tương lai, một nữ tiến sĩ đã nghiên cứu và phát minh ra một thuật toán có khả năng tác động vào không gian và thời gian, giúp đảo ngược lại những gì đang xảy ra. Sau khi tạo ra, cô mới nhận thấy mức độ nguy hiểm của nó đối với nhân loại nên đã chia thuật toán trên thành 9 phần, giấu nó dưới hình hài của các kim loại có tính phóng xạ cao ở 9 quốc gia sở hữu bom nguyên tử.
Tiếp đến, cô áp dụng quá trình đảo ngược nhằm đưa chúng về quá khứ (lúc mà con người ta chưa biết đến khái niệm đảo ngược) để tránh sự nhòm ngó của những tổ chức khủng bố. Từ đây, bộ phim mới chính thức được diễn ra cùng nhiều sự kiện mang tính "hack não" khác.
Tenet hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành một siêu phẩm thật sự trên màn ảnh
Được đánh giá là siêu phẩm thành công của đạo diễn Christopher Nolan, vì Tenet đã thực sự hội tụ đầy đủ những yếu tố giúp nó trở thành bom tấn khi ra mắt, dù tính giải trí không được cao.
Trước hết là về kịch bản và cách xây dựng mạch phim được cho là tuy có phần hơi rối nhưng cũng lôi cuốn người xem. Mở màng bằng thuyết nghịch đảo thời gian độc đáo cùng các sự kiện đan xen giữa quá khứ và tương lai, Tenet khiến khán giả phải liên tục dõi theo để có thể hiểu hết toàn bộ câu chuyện. Mà đôi khi dù có theo dõi hết cũng chưa chắc nắm rõ các sự kiện trong phim.
Vì là bộ phim có ý tưởng khá "điên rồ" nên một bộ phận không nhỏ khán giả sẽ cảm thấy rất khó lòng đón nhận, nhưng khi xem xong thì đều phải đồng ý việc hình ảnh và âm thanh trong phim là cực kỳ xuất sắc.
Dù là trong mỗi phân cảnh nhỏ nhất thì màu sắc, góc quay đại cảnh hay cận cảnh đều được tính toán kỹ lưỡng và có ý đồ nhất định của các nhà làm phim. Ở những cảnh phim có sự đảo ngược thời gian đều được tỉ mỉ sắp đặt và cân nhắc tổng thể nên tạo cho người xem một trải nghiệm vô cùng độc, lạ và "hack não". Bên cạnh đó thì âm thanh trong Tenet được nhận định là phù hợp với nền bộ phim, khiến khán giả không khỏi phấn khích.
Dàn diễn viên đầy triển vọng vào vai 4 nhân vật chính lần lượt là: The Protagonist (John David Washington), Neil (Robert Pattinson đảm nhiệm), Kat (Elizabeth Debicki) và Andrei Sator (Kenneth Branagh). Tất cả đều hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình trong phim, đặc biệt là độ ngầu của hai nam chính trong vai điệp viên.
Vẫn thành công và tạo được dấu ấn cho riêng mình dù nhận được không ít ý kiến trái chiều
Thường thì những điều mới lạ ban đầu sẽ luôn nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều, dĩ nhiên Tenet cũng không phải ngoại lệ. Ngay khi ra mắt cho đến hiện tại, vẫn nhiều người cho rằng siêu phẩm của Christopher Nolan vẫn còn nhiều điểm chưa tốt.
Được bàn đến nhiều nhất là lượng thông tin của bộ phim mang lại quá nhiều, gần như chiếm hơn 40 phút ở đầu phim khiến khán giả thiếu kiên nhẫn khó lòng mà theo dõi tiếp. Chỉ đến khi vượt qua được phần đầu tiên thì nhịp phim mới trở nên kịch tính và lôi cuốn hơn.
Vấn đề gây tranh cãi thứ hai ở Tenet xuất phát từ chính các nhân vật, trong xuyên suốt bộ phim thì khán giả nhận ra họ chỉ giống như những con chim mồi thông tin đến khán giả. Diễn biến và chiều sâu tâm lý không được biểu hiện rõ ràng, đôi lúc khiến người ta liên tưởng đến những "cổ máy" chỉ đọc và làm theo kịch bản.
Tóm lại, thời điểm mà Tenet ra mắt là khi các rạp phim mở cửa trở lại sau khoảng thời gian dài ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này khiến Tenet phần nào cũng có lợi thế khi thu hút khán giả thích trải nghiệm bom tấn trên màn ảnh rộng. Dù tính giải trí chưa cao, nhưng đối với ai yêu thích thể loại khoa học viễn tưởng, nhất là phim có phần "hack não" thì Tenet xứng đáng là "items" tiếp theo trong "playlist" mùa hè này.
Nguồn: TH&PL