Dẫu kết quả thế nào đi chăng nữa, tất cả vận động viên đều xứng đáng với tấm huy chương vàng cho tinh thần thể thao, cho nỗ lực không ngừng.
19 năm trước, lúc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai SEA Games 22, "mấy đứa trẻ" Gen Z khi ấy chắc chỉ kịp lên ba, lên bốn, đó là một sự kiện quá đỗi to lớn với tầm hiểu biết của họ.
19 năm sau, SEA Games đã quay trở lại trên sân nhà Việt Nam. Có lẽ đây là một cơ hội tuyệt vời cho thế hệ trẻ được trực tiếp nhìn, trực tiếp hòa mình vào không khí toàn dân tộc. Họ được thấy cờ đỏ sao vàng tung bay khắp chốn, được thấy biển hiệu rợp trời thành phố, những bạn trẻ hăng hái tham gia tình nguyện phục vụ SEA Games...
Ai mà chẳng tự hào đến rơi cả nước mắt khi nghe quốc ca Việt Nam vang lên trong mỗi lần thượng cờ trao huy chương. Tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đơn giản là vậy!
Nhớ lại những ngày tháng giãn cách trong 2 năm dịch bệnh, chúng ta chẳng có dịp ra đường reo hò ăn mừng chiến thắng. Nhờ có SEA Games 31, tinh thần ấy được sống lại. Thể thao thật sự làm người ta quên đi công việc ngổn ngang, áp lực học tập thi cử để hòa chung không khí rộn ràng sau những bàn thắng. Nhiều người rủ nhau đến khán đài xem các VĐV thi đấu, lỡ có thua thì dành cho nhau những lời động viên an ủi, nếu thắng thì đổ ra đường "đi bão" ngập trong cờ đỏ sao vàng.
Số lần Việt Nam gặt hái huy chương cứ tăng dần đều sau mỗi lần bấm F5.
Có thể nói, SEA Games 31 chính là cái mốc để người hâm mộ thể thao Việt Nam biết nhiều hơn về thể thao, không chỉ theo đuổi và đam mê mỗi môn thể thao vua bóng đá, như trước kia. Cổ động viên đến Cung điền kinh trong nhà Mỹ Đình xem trận đấu kiếm ngoài đời thật, đầy tự hào và đẫm nước mắt không chỉ có trong Twenty-Five Twenty-One nữa.
Có bạn vui quá: "Ước SEA Games nửa năm tổ chức 1 lần!".
Ở SEA Games, bất cứ một ai cũng có quyền được mơ về vinh quang, về chiến thắng, không phân biệt giai cấp, màu da, tiếng nói hay địa vị xã hội. Thể thao giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, kéo những con người chẳng quen biết xích lại gần nhau hơn.
16 ngày tranh tài khép lại. Sau buổi lễ bế mạc 23/5, tự nhiên người ta thấy "thiếu thiếu" những giây phút hồi hộp chờ đợi bảng tổng sắp huy chương và canh từng trận đấu của các môn. Phải chờ đến hai thập kỷ nữa, SEA Games ghé lại Việt Nam, chúng ta mới có cơ hội được sống trong chuỗi ngày dài hừng hực khí thế như vậy nữa.
Việt Nam đã có một mùa SEA Games đại thắng, để lại những con số biết nói, phá kỷ lục của đấu trường thể thao trong khu vực.
Chiến thắng của U23 Việt Nam ở trận Chung kết bóng đá nam mang về tấm HCV thứ 205 cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Đây cũng là chiếc HCV cuối cùng của Đại hội thể thao Đông Nam Á. Chúng ta đã "phá sâu" kỷ lục số HCV mà một quốc gia đạt được trong một kỳ SEA Games, xô đổ kỷ lục tồn tại suốt 25 năm qua mà đoàn Indonesia lập được tại SEA Games 1997 với 195 HCV. Việt Nam còn xuất sắc phá 17/30 nội dung kỷ lục SEA Games 31.
Và SEA Games chưa bao giờ là một giải đấu "ao làng" như cách mà người ta hay đùa khi nói về nó. Đây quả thực là một giải đấu mang tầm cỡ quốc tế với mức đầu tư "khủng" lên đến 1.200 tỷ đồng. Trưởng đoàn các nước tham gia đều đánh giá Việt Nam đã tổ chức một kỳ SEA Games thực sự thành công về mặt tổ chức, chuyên môn và sự "fair play" trong từng kết quả.
Sự tầm cỡ của SEA Games 31 còn được khẳng định qua việc chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19, tổ chức nên một kỳ hội thao "không - giãn - cách" dành cho tất cả bạn bè trong trong khu vực. Ở đó quy tụ nhiều ngôi sao là VĐV vô địch thế giới, những tên tuổi nổi tiếng và hàng nghìn quan chức, trọng tài đến tham dự SEA Games.
Đặc biệt, để đạt được tấm HCV tại SEA Games, chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các VĐV. Đó là cả một quá trình dài tập luyện, giọt nước mắt của hạnh phúc và cả thất bại. Bởi vì chúng ta không biết được, trong những ngày trẻ nhất, sung sức nhất họ đã cố gắng thế nào để chờ đến hai năm một lần, hoặc cả đời chỉ có một dịp để bước lên đỉnh cao.
Võ sĩ Trần Văn Thảo tham gia SEA Games 31 ở bộ môn Boxing bất ngờ chia sẻ gần hai năm không gặp vợ con, dành thời gian tập luyện để nuôi khát vọng giành huy chương vàng. Tuy nhiên, thành công vẫn chưa đến với anh. Anh bật khóc đầy tiếc nuối ngay khi thất bại vì đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh tham dự một kỳ SEA Games. "Trong giấc ngủ, tôi luôn mơ về hình ảnh mình đạt huy chương vàng và lá cờ tổ quốc được kéo lên ở vị trí cao nhất tại SEA Games…", anh tiếc nuối chia sẻ.
"Chân chạy" Quách Thị Lan từng giành HCV Asiad 2018, nhưng phải đợi đến năm nay, cô mới có thể giành tấm HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp với bao chật vật và chỉ trích vì thất bại ở SEA Games 30. Nên có lẽ, tấm huy chương này mang ý nghĩa lớn lao với Quách Thị Lan.
VĐV điền kinh Trần Văn Đảng - đương kim vô địch quốc gia đã giành hai huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam chia sẻ với rằng: "Việc được tham gia SEA Games đã là một niềm hạnh phúc đối với mình rồi, dù là ở vị trí huy chương nào. Mình hạnh phúc khi được đứng lên bục hát quốc ca cùng với Lương Đức Phước - người dành HCV, dù mình chỉ là người về nhì".
Ngay cả gia đình, người thân của các VĐV cũng đã dành ra rất nhiều tâm huyết, mồ hôi, nước mắt để đồng hành, ủng hộ những đứa con, những người vợ, người chồng, người yêu,... để thi đấu. Hình ảnh ông Lê Văn Thắng - bố hậu vệ Lê Văn Xuân - rơi nước mắt đến động viên con trai đang chống nạng vì chấn thương để lại nhiều xúc động.
Hay đối với các VĐV nước ngoài, việc có thể đến Việt Nam thi đấu đôi khi là ước mơ cả đời. Họ không màng đến màu sắc của huy chương. Felisberto De Deus - VĐV điền kinh giành HCB hiếm hoi cho Timor Leste, nhưng niềm vui phấn khích của anh trong sự reo hò của người Việt khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng khi chứng kiến.
Đoàn thể thao Việt Nam có được thành tích đáng ngưỡng mộ này không thể bỏ qua vai trò của những CĐV đầy nhiệt huyết và máu lửa trên các khán đài. Chính khán giả là nguồn cảm hứng lớn nhất của SEA Games, khi tình yêu thể thao và niềm tự hào dân tộc hòa làm một.
Từ SEA Games 22 đến SEA Games 31, gần hai thập kỷ phấn đấu để ngọn lửa của tinh thần thể thao không bao giờ tắt, tinh thần của một dân tộc hiếu khách chưa bao giờ vơi. Họ đã lấp đầy những khán đài của Thiên Trường, khiến chính cổ động viên các đội bóng nước ngoài cảm thấy xúc động. Họ đã tạo ra những làn sóng cờ đỏ sao vàng ở sân Việt Trì trong những trận đấu của đội tuyển U23, và cũng đầy tôn trọng mà cổ vũ cho các đội bóng khác trong những trận đấu không có chúng ta.
Đâu phải chỉ có môn thể thao vua là được quan tâm tại SEA Games 31? Những thống kê sơ bộ cho thấy ở khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, lượng người xem đến đông hơn 20 lần so với những giải đấu khác. Khán giả đến sân trước từ 2 - 3 tiếng đồng hồ để giành chỗ. Ở những nhà thi đấu địa phương, bãi xe đông kín và phải từ chối nhận CĐV vào khán đài vì quá tải.
Truyền thông các nước Đông Nam Á đã ca ngợi đây là một SEA Games rực rỡ và hừng hực sức sống của một kỳ đại hội thể thao.
Hình ảnh nữ tình nguyện viên nức nở khi chia tay U23 Malaysia trong sự tiếc nuối ở Việt Trì; CĐV Việt Nam cùng nhau hò hét, cổ vũ cho VĐV Điền kinh Felisberto De Deus khi anh đã giành chiến thắng đầy kỳ tích, đem về chiếc HCB hiếm hoi cho nước nhà Timor Leste… những điều ấy khiến không ít phóng viên nước ngoài ngỡ ngàng vì được thấy một bầu không khí không giống như các mùa SEA Games trước.
Và ngọn lửa nhiệt huyết của khán giả Việt Nam không chỉ là niềm động lực thi đấu cho những CĐV nước nhà mà còn tiếp thêm sức mạnh cho các đoàn thể thao quốc tế. Mandy Cebelle Chen, vận động viên Wushu của Malaysia còn khẳng định: "Sự cổ vũ của khán giả Việt Nam là động lực với tôi". Hay như VĐV bóng rổ của Thái Lan Chanathip Jeerawan cũng tỏ ra ngạc nhiên: "Thật bất ngờ với sự cuồng nhiệt của khán giả Việt Nam với môn bóng rổ. Nhìn khán đài đông nghẹt và tiếng cổ vũ làm cho chúng tôi có thêm động lực để thi đấu. Con người Việt Nam thật tuyệt vời".
Cuộc vui nào cũng đến lúc khép lại nhưng ngọn đuốc SEA Games, ngọn đuốc của tinh thần cao thượng, tình bằng hữu lâu bền luôn cháy mãi. Dẫu kết quả thế nào đi chăng nữa, tất cả vận động viên đều xứng đáng với tấm huy chương vàng cho tinh thần thể thao, cho nỗ lực không ngừng.
Cảm ơn SEA Games 31 vì những vẻ đẹp của tinh thần thể thao. Cảm ơn vì những giọt mồ hôi, nước mắt. Cảm ơn vì những cuộc tranh tài sôi nổi. Cảm ơn tất cả đã làm Việt Nam sống dậy một lần nữa những khoảnh khắc đã ngủ yên suốt hơn 2 năm qua.
Khi tiếng còi vang lên thì bóng vẫn lăn, chân vẫn sẽ phăng phăng trên đường pitch và tay vẫn sẽ sải dài vươn tới làn nước trong xanh. Hẹn gặp lại Việt Nam tại SEA Games 32 trên đất nước Campuchia xinh đẹp.
Thể thao, đâu chỉ vì những tấm huy chương!
Nguồn:TH&PL